Tối 3.3, Ban tổ chức giải thưởng Fair Play 2022 công bố và trao giải thưởng tôn vinh bóng đá đẹp của năm. Kết quả, đội tuyển nữ Việt Nam được trao giải nhất Fair Play 2022. Đây có thể coi là giải thưởng mang tính truyền cảm hứng rất nhân văn, cần thiết trong môi trường bóng đá Việt Nam.
Giải nhất Fair Play 2022 đã thuộc về đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam đầy xứng đáng. Tại vòng chung kết Asian Cup 2022, đội tuyển nữ Việt Nam gặp vô vàn khó khăn khi không chỉ phải thắng trên sân mà còn phải chiến thắng dịch bệnh COVID-19. Có trận tuyển nữ Việt Nam chỉ vừa đủ số cầu thủ đăng ký theo quy định. Tuy nhiên, đội quân của HLV Mai Đức Chung đã kiên cường, nỗ lực vượt lên giành tấm vé dự vòng chung kết World Cup 2023.
Giải nhì Fair Play 2022 tôn vinh bác sĩ Dương Tiến Cần của đội U23 Việt Nam, người đã ở lại Campuchia chăm sóc cho các cầu thủ mắc COVID-19 tại Giải bóng đá U23 Đông Nam Á.
Giải ba Fair Play 2022 được trao cho cầu thủ trẻ Nguyễn Bảo Đức của đội U15 Hoàng Anh Gia Lai, với hình ảnh từ bỏ cơ hội ghi bàn, đá bóng ra ngoài để bác sĩ kịp vào săn sóc đối thủ.
Giải tư Fair Play 2022 thuộc về nữ cầu thủ đội tuyển Việt Nam Trần Thị Thùy Trang tặng áo đấu để bán đấu giá làm từ thiện giúp người nghèo.
Giải năm Fair Play 2022 được trao cho Hội cổ động viên Vietnam Golden Star (VGS) vượt đường xa trong những ngày giáp Tết để chuyển đại kỳ 3.000 m2 kịp ra Hà Nội cổ vũ cho đội tuyển Việt Nam.
Như vậy, cả 5 giải Fair Play 2022 đều được trao cho đúng người, đúng việc nhưng lại chẳng có giải nào thuộc về những đấu trường do VPF tổ chức. V-League là sân chơi đỉnh cao nhất của bóng đá quốc gia, với số trận thi đấu nhiều hơn bất kỳ giải đấu nào ở Việt Nam. Tất cả các cầu thủ tinh hoa nhất của bóng đá Việt Nam cũng tập trung ở giải này và họ còn được thể hiện phẩm chất, tài năng ở cả Cúp Quốc gia hay Siêu cúp Quốc gia do VPF tổ chức. Thế nhưng 182 trận đấu tại V-League mùa trước, 24 trận tại Cúp Quốc gia và cả 132 trận tại giải Hạng nhất đều không có bất kỳ hình ảnh nào, nghĩa cử nào truyền cảm hứng để được tôn vinh ở giải Fair Play 2022.
Giải thưởng Fair Play 2022 do báo Pháp luật TP.HCM tổ chức. Đây là năm thứ 11 giải thưởng được trao nhằm tôn vinh lối chơi đẹp, phong cách thi đấu cao thượng, trong sáng, cùng những hình ảnh đẹp cả trong và ngoài sân cỏ của bóng đá Việt Nam. Trong 10 giải lần trước, cực hiếm khi các giải do VPF tổ chức được tôn vinh ở giải Fair Play.
Xin điểm lại những giải 10 năm trước thế này:
Năm 2012: Hậu vệ Võ Nhật Tân (Đồng Tâm Long An) đã từ chối lợi ích vật chất khi tố cáo và lên án hành vi lôi kéo mua bán độ của kẻ môi giới qua việc báo cho lãnh đạo đội bóng cảnh giác và làm công tác tư tưởng kịp thời với toàn đội.
Năm 2013: Lối chơi tuyệt vời và phong cách thi đấu rất fair-play của đội tuyển U19 Việt Nam không chỉ tạo ấn tượng trong nước mà lan rộng ra quốc tế.
Năm 2014: Đội tuyển U19 Việt Nam tiếp tục được vinh danh "với lối chơi cống hiến và đẹp mắt".
Năm 2015: Tiền đạo Abass Dieng (Becamex Bình Dương) đã tha thứ cho Dương Thanh Hào (Hà Nội T&T), cầu thủ khiến Abass gãy cổ chân trên sân Gò Đậu.
Năm 2016: Đội tuyển futsal Việt Nam đã đánh bại Nhật Bản ở tứ kết giải vô địch châu Á để lần đầu tiên dự World Cup. Ở vòng chung kết World Cup 2016, đội tiếp tục ghi dấu ấn khi giành vé vào vòng 1/8. Đặc biệt, đội tuyển futsal Việt Nam sau đó đã được FIFA trao giải Fair Play.
Năm 2017: Nguyễn Văn Toàn đã ngăn lãnh đạo và các đồng đội bỏ thi đấu trong trận Hoàng Anh Gia Lai gặp Thanh Hóa vào ngày 8.4.2017 trên sân vận động Pleiku. Sau khi nhận phần thưởng 40 triệu đồng, Văn Toàn tiếp tục tạo nên hình ảnh đẹp khi trao tặng lại toàn bộ số tiền thưởng trên cho nữ tuyển thủ Thùy Trang nhằm giúp đỡ cho cầu thủ của CLB TP.HCM có thêm tiền để chữa bệnh cho mẹ.
Năm 2018: Bốn tuyển thủ U23 Quốc gia (Nguyễn Quang Hải, Đoàn Văn Hậu, Bùi Tiến Dũng, Hà Đức Chinh) đã tham gia chương trình Điều ước thứ 7 để thực hiện hóa giấc mơ của em Tom bị ung thư não từ khi mới 33 tháng tuổi.
Năm 2019: Trung vệ Chương Thị Kiều đã nén đau vì chấn thương để thi đấu cùng đồng đội trong trận chung kết bóng đá nữ SEA Games 30, nơi Việt Nam thắng tuyển nữ Thái Lan 1 - 0.
Năm 2020: Nguyễn Nhớ (Sanvinest Sanna Khánh Hòa) đã từ bỏ một tình huống có thể ghi bàn thắng rất rõ ràng khi nhìn thấy một cầu thủ đối phương bị đau đang nằm sân. Tình huống này diễn ra ở phút 13 trận Sanvinest Sanna Khánh Hòa và Kardiachain Sài Gòn FC trong khuôn khổ giải Futsal vô địch quốc gia 2020.
Năm 2021: Đội tuyển futsal Việt Nam một lần nữa đoạt giải vì đã thi đấu rất nỗ lực tại World Cup 2021 và xuất sắc lọt vào vòng 16 đội. Không chỉ thi đấu quyết tâm và đầy fair-play, đội còn tạo ra nhiều cảm xúc lớn với người hâm mộ Việt Nam và thế giới.
Trong số các giải trong quá khứ đó, chỉ có hành động của Văn Toàn của HAGL là diễn ra ở V-League. Tuy nhiên, bối cảnh của hành động đó lại cho thấy mặt trái của giải là công tác yếu kém của trọng tài khiến các đội phải bức xúc.
Hay giải năm Fair Play 2021 dành cho tiền đạo Hoàng Đình Tùng khi đã có hành động ngăn các cầu thủ đội khách TP.HCM nóng nảy lao vào ăn thua với trọng tài trong trận Thanh Hóa - TP.HCM ở vòng 9 V-League 2021.
Giải nhì Fair Play 2020 được trao cho tiền vệ Nguyễn Phong Hồng Duy của Hoàng Anh Gia Lai nhờ hành động kiềm chế, không gây hấn sau hành động xấu xí ném bóng thẳng vào mặt của Thanh Thụ thuộc đội Sài Gòn trong trận đấu giữa 2 đội trên sân Pleiku. Thậm chí để xoa dịu dư luận, Hồng Duy sau đó còn lên mạng xã hội kêu gọi khán giả không chỉ trích nặng nề Thanh Thụ…
Ngay cả giải Fair Play 2012 ở giải Hạng nhất mà hậu vệ Võ Nhật Tân được trao cũng xuất phát từ việc một cầu thủ bình thường đứng lên chống lại tiêu cực bủa vây giải đấu.
Có nghĩa là ở V-League có nhiều hiện tượng xấu nên chỉ cần một cầu thủ hành xử bình thường và chuyên nghiệp như Hồng Duy hay Văn Toàn là đã được tôn vinh rồi. V-League quả thực khan hiếm những hành động truyền cảm hứng cho cộng đồng.
Nhưng mà cũng khó trách các cầu thủ khi họ thi đấu trong môi trường bóng đá có không ít “xấu xí”. Một VPF tùy tiện cắt vụn V-League thì các cầu thủ cũng phát ngán khi “bị truyền cảm hứng” bởi sự tùy tiện đó. Một VPF tùy tiện ra điều lệ độc quyền thiếu fair-play thì các cầu thủ cũng “bị truyền cảm hứng” khi chỉ chơi thứ bóng ích kỷ, xem nhẹ tinh thần fair-play.
Bởi vậy mới có câu: “Cấp trên ở chẳng chính ngôi, cho nên ở dưới chúng tôi hỗn hào!”.