Hơn một chục quốc gia châu Âu, gồm Đức, Pháp, Hà Lan, Ý, Tây Ban Nha... hôm 22.9 đã khởi động chiến dịch chung đầu tiên để thúc đẩy đầu tư giữa Liên minh châu (EU) và Đài Loan, một tín hiệu về mối quan hệ nồng ấm với hòn đảo này trong bối cảnh các nước EU ngày càng xa lánh Trung Quốc.

Chán Trung Quốc, EU tăng cường đầu tư vào Đài Loan

22/09/2020, 16:42

Hơn một chục quốc gia châu Âu, gồm Đức, Pháp, Hà Lan, Ý, Tây Ban Nha... hôm 22.9 đã khởi động chiến dịch chung đầu tiên để thúc đẩy đầu tư giữa Liên minh châu (EU) và Đài Loan, một tín hiệu về mối quan hệ nồng ấm với hòn đảo này trong bối cảnh các nước EU ngày càng xa lánh Trung Quốc.

Lãnh đạo Thái Anh Văn (áo ghi) cùng các quan chức tham gia diễn đàn đầu tư giữa EU và Đài Loan hôm 22.9 - Ảnh: Nikkei

15 quốc gia châu Âu đã tham gia diễn đàn đầu tư mang tính bước ngoặt giữa EU và Đài Loan được khởi xướng bởi Văn phòng Kinh tế và thương mại châu Âu - cơ quan ngoại giao của EU tại Đài Loan.

Tại hội nghị thượng đỉnh EU - Trung Quốc gần đây, các quan chức châu Âu đã thúc giục Bắc Kinh mở cửa thị trường và tôn trọng nhân quyền như những yêu cầu cơ bản cho mối quan hệ song phương. Còn Trung Quốc thì luôn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ “không thể tách rời”, hiện là đối tác nhập khẩu lớn nhất của EU và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của liên minh này.

Nữ lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn hôm 22.9 cho biết EU là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Đài Loan và hòn đảo này đã tạo ra môi trường đầu tư mạnh mẽ không chỉ để phục vụ nhu cầu ở Đài Loan mà còn để xây dựng mối quan hệ quốc tế bền chặt hơn.

"Giống như EU, chúng tôi khuyến khích các quan hệ đối tác toàn cầu cùng có lợi bằng cách cung cấp một hoạt động kinh doanh công bằng. Đài Loan sẵn sàng trở thành một trong những đối tác hàng đầu của EU trong các lĩnh vực thông tin, công nghệ truyền thông, công nghệ sinh học, y tế và di chuyển”, bà Thái nói và đề cập về việc EU và Đài Loan đang chuẩn bị bắt đầu đàm phán cho một thỏa thuận đầu tư song phương.

Filip Grzegorzewski, người đứng đầu Văn phòng Kinh tế và thương mại châu Âu, cho biết đại dịch COVID-19 đã phơi bày những lỗ hổng của các chuỗi cung ứng toàn cầu.

"Tốt hơn là chúng ta nên thay đổi. EU và Đài Loan có những khả năng hiếm có để làm việc cùng nhau và cùng nắm lấy những cơ hội mới trong thế giới đang thay đổi... và điều quan trọng là hai bên cùng chia sẻ các giá trị của hệ thống thương mại quốc tế mở, minh bạch và công bằng", ông Grzegorzewski nhấn mạnh trong bài phát biểu khai mạc diễn đàn đầu tư EU – Đài Loan.

Trước đó, người đứng đầu Cơ quan ngoại giao Đài Loan Ngô Chiêu Tiếp (Joseph Wu) cho biết Đài Loan từ lâu đã tập trung đầu tư vào Trung Quốc. Tuy nhiên, khi môi trường đầu tư ở đó đang thay đổi, thì nhiều công ty có trụ sở tại Đài Loan đang cân nhắc chuyển sự đầu tư đi nơi khác.

"Chúng tôi rất vui khi thấy EU đang chào đón các công ty Đài Loan đầu tư vào đó. EU chia sẻ cùng các giá trị dân chủ, tự do và nhân quyền với Đài Loan. Chúng tôi kêu gọi các công ty Đài Loan tới EU và đầu tư", ông Ngô nhấn mạnh.

Quan chức ngoại giao của Đài Loan cho rằng hòn đảo là một địa điểm lý tưởng cho các nước châu Âu và các nước khác đầu tư, bất chấp những lời đe dọa gần như liên tục của Trung Quốc về việc “thống nhất”.

"Mặc dù các mối đe dọa có dấu hiệu leo ​​thang trong hai năm qua, nhưng không có hoạt động kinh tế nào giữa Đài Loan và các nước khác bị ảnh hưởng bởi sự đe dọa và can thiệp chính trị của Trung Quốc. Trên thực tế, EU đã là nhà đầu tư lớn nhất vào Đài Loan vào năm 2019”, ông Ngô cho hay.

Quan hệ EU - Đài Loan đang được hâm nóng sau các động thái của Mỹ nhằm làm tăng cường quan hệ với Đài Loan, khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump tìm cách lôi kéo thêm đồng minh về phía mình trong cuộc xung đột địa chính trị với Trung Quốc.

Tuần trước, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Keith Krach tới thăm Đài Loan. Ông Krach là quan chức ngoại giao Mỹ cấp cao nhất từng tới thăm Đài Loan kể từ năm 1979. Ông hiện phụ trách lĩnh vực năng lượng, phát triển kinh tế và môi trường. Thông cáo ngắn gọn của Bộ Ngoại giao Mỹ trước đó cho biết Thứ trưởng Krach sẽ tới Đài Bắc tham dự lễ tưởng niệm cố lãnh đạo Đài Loan Lý Đăng Huy ngày 19.9, người được tôn kính như "cha đẻ của nền dân chủ Đài Loan".

Cơ quan ngoại giao Đài Loan cho biết ông Krach dự kiến sẽ có cuộc gặp với nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn ngày 18.9 và một loạt cuộc tiếp xúc khác trong chuyến thăm 3 ngày. Chuyến thăm diễn ra chỉ một tháng sau chuyến thăm của Bộ trưởng Y tế Mỹ Alex Azar, động thái mở đường cho các cuộc đàm phán kinh tế và thương mại cấp cao giữa Đài Bắc và Washington.

Sau chuyến thăm của ông Azar, Đài Loan đã nới lỏng các hạn chế đối với nhập khẩu thịt lợn và thịt bò của Mỹ, một dấu hiệu quan trọng cho một thỏa thuận thương mại tự do có thể có giữa Mỹ và Đài Loan.

Hoàng Vũ (theo Nikkei Asian Review)

Bài liên quan
Bán nhà giá 1 euro cho người Mỹ thất vọng với kết quả bầu cử
Một ngôi làng trên đảo Sardinia của Ý đã nhìn ra cơ hội tiềm năng khi chính trị gia Donald Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
10 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chán Trung Quốc, EU tăng cường đầu tư vào Đài Loan