Bà Hà Lâm Tú Quỳnh, giám đốc truyền thông và quan hệ công chúng của Google châu Á – Thái Bình Dương phụ trách Việt Nam chia sẻ tại buổi tổng kết dự án “Lập trình tương lai cùng Google” vào sáng ngày 8/9/2018 tại TP.HCM.

Cha mẹ đừng sợ hai chữ ‘lập trình’!

Anh Đủ | 09/09/2018, 04:57

Bà Hà Lâm Tú Quỳnh, giám đốc truyền thông và quan hệ công chúng của Google châu Á – Thái Bình Dương phụ trách Việt Nam chia sẻ tại buổi tổng kết dự án “Lập trình tương lai cùng Google” vào sáng ngày 8/9/2018 tại TP.HCM.

Bà Tú Quỳnh cho biết, lần đầu tiên Google tổ chức dự án huấn luyện về lập trình cho trẻ em tại Việt Nam, cụ thể là tại 3 tỉnh thành: TP.HCM, Vĩnh Long và Tiền Giang.

Bà Lê Thụy Trang (Củ Chi, TP.HCM, phụ huynh của em Trần Thụy Ngọc Minh, một trong 14 học sinh đạt giải xuất sắc của dự án với chuyến thăm văn phòng Google tại Singapore) cho biết, dù em Ngọc Minh mê tin học nhưng khi nghe có thông tin dự án đào tạo lập trình cho trẻ em gởi về trường, bà hoang mang trước khi quyết định cho con theo học vì bà nghĩ “lập trình là chuyện cao siêu, chỉ dành cho những anh chị học đại học mới làm được”. Nhưng khi cô con gái đòi đi học, bà “bấm bụng” đưa con đến lớp và sắm máy tính để con mày mò những gì mà các anh chị của dự án cung cấp. “Cháu càng học, càng thích lập trình. Cháu mê lắm, suốt ngày gắn với máy tính. Kết quả là được giải xuất sắc để có cơ hội đầu tiên trong cuộc đời là tham quan văn phòng Google tại Singapore. Nói thiệt, bắt tôi đi học lập trình, chắc tôi không bao giờ dám, nghe nói lập trình là đã sợ rồi”, bà Trang tâm sự.

Có đến nghe các em học sinh tham gia dự án báo cáo kết quả mới thấy bộ môn lập trình không có gì khó như lâu nay nhiều phụ huynh và cả học trò vẫn nghĩ về lĩnh vực này. 3 học sinh đến từ Vũng Liêm (Vĩnh Long) là Tăng Huy Hoàng (thuộc dạng “thấp bé nhẹ cân” nhất chương trình), Nguyễn Thanh Trúc và Nguyễn Thị Mỹ Quyền trình bày phần mềm của nhóm với dáng vẻ và ngôn ngữ hồn nhiên làm người nghe bật cười. Nhà nghèo nhưng Mỹ Quyền thích môn tin học nên xin thầy dạy tin học được tham dự khóa học lập trình. “Nhưng ba em ở ba nơi khác nhau, tui phải chạy tới chạy lui, để giúp các em nộp sản phẩm đúng thời gian”, thầy giáo dạy tin học cũng là “cố vấn trưởng” của nhóm kể.

Em Trần Thụy Ngọc Minh (Củ Chi, TP.HCM) trình bày sản phẩm lập trình “Trò học làm toán”

Theo ban tổ chức, dự án “Lập trình tương lai cùng Google” được thực hiện trong 3 tháng, từ tháng 5 – 8.2018 với hơn 10.000 giờ học lập trình ngôn ngữ Scratch cho hơn 1.300 học sinh từ 3 tỉnh thành tham dự. Bên cạnh đó, cũng nằm trong khuôn khổ của dự án, khóa hè “Lập trình tương lai cùng Google” được tổ chức riêng cho địa bàn TP.HCM cho 120 học sinh với hơn 1.000 giờ học ngôn ngữ lập trình Scratch. Kết thúc, dự án “Lập trình tương lai cùng Google” có 800 sản phẩm hoàn thiện với các chủ đề: an toàn giao thông, trò chơi làm Toán, ôn luyện tiếng Anh, luyện chính tả, học địa lý… Bà Tú Quỳnh cho biết, dự án “Lập trình tương lai cùng Google” là một dự án giáo được Google, trung tâm phát triển cộng đồng Mê Kông và The Dariu Foundation (Quỹ Dariu) hợp tác thực hiện.

Trong phần kiểm tra cuối khóa, nhóm thực hiện dự án ghi nhận có khoảng 50% học sinh tham dự khóa học khẳng định “sẵn sàng hướng dẫn và chia sẻ với các bạn cùng lớp những kiến thức đã học”. “Lập trình không phải là một môn học khô khan với trẻ em mà là môn học đem lại nhiều niềm vui, sáng tạo cho các em. Tôi bất ngờ trước kết quả dự án, hơn 98% học sinh tham gia dự án đã đi học đầy đủ, những sản phẩm của các em có nhiều kết quả bất ngờ. Điểm đặc biệt của dự án này là đem lập trình đến với những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện học và sử dụng máy tính. Tôi đánh giá kết quả của dự án này là 8 điểm”, bà Tú Quỳnh nói như vậy. “Trẻ em hôm nay cần phải được trang bị nhiều kỹ năng để thích ứng với những thách thức và đòi hỏi của kỷ nguyên kỹ thuật số”, ông Nguyễn Văn Hạnh, giám đốc Quỹ Dariu nói thêm.

14 học sinh đoạt giải thưởng xuất sắc của dự án bằng chuyến tham quan văn phòng của Google châu Á – Thái Bình Dương tại Singapore

Ngoài đối tượng học trò, dự án “Lập trình tương lai cùng Google” còn huấn luyện cho 30 giáo viên tại 10 trường tiểu học tại các tỉnh thành tham gia. Có mặt tại buổi kết thúc dự án, ông Nguyễn Quang Vinh, trưởng phòng tiểu học của sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM chia sẻ thêm, tại TP.HCM, 85% trường học đã dạy tin học cho học sinh, trong đó 61% học trò lớp 1 được học tin học. “Quan điểm của Sở là đem niềm vui đến với học sinh bằng việc tổ chức các môn học kỹ năng như tin học, anh văn… Dù là một đô thị lớn nhưng nhiều vùng sâu, vùng xa của TP.HCM vẫn còn thiếu máy tính để dạy tin học. Bà Trang ước mơ phòng học máy tính nơi con bà đang học sẽ có máy cấu hình mạnh hơn vì hiện nay 30 chiếc máy tính đã vào hàng “lão”!

Khi hỏi về liệu có một dự án tương tự trong tương lai, bà Quỳnh nói rằng, đã nghĩ tới một dự án có quy mô lớn hơn với đối tượng rộng hơn nhưng đó chỉ là dự tính nên chưa thể nói rõ hơn vào thời điểm này.

Ngôn ngữ lập trình Scratch

Scratch là tên gọi của một loại ngôn ngữ lập trình, được nhóm Lifelong Kindergarten thuộc trung tâm Media Lab của viện công nghệ Massachusetts (MIT, Hoa Kỳ) nghiên cứu và phát triển dưới sự hướng dẫn của giáo sư Mitchel Resnick, giám đốc điều hành Lifelong Kindergarten.

Khác với những ngôn ngữ lập trình kiểu dòng lệnh phổ biến như Pascal, C, C++, Java, PHP…, ngôn ngữ lập trình Scratch phát triển theo hướng tương tác trực quan, đồ họa sống động, sản phẩm liền tay. Khi sử dụng Scratch, thay vì phải viết những dòng lệnh logic có phần phức tạp, trẻ em chỉ cần kéo thả các khối lệnh đầy màu sắc có sẵn để lắp ghép thành một kịch bản. Với đặc điểm dễ học, dễ sử dụng, Scratch được xem là một ngôn ngữ nền tảng trước khi học các ngôn ngữ khác. Rất nhiều trường học trên thế giới, từ tiểu học đến đại học coi Scratch là môn học chính thức.

Bài và ảnh:Trọng Hiền
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
9 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cha mẹ đừng sợ hai chữ ‘lập trình’!