Người mua chip, gồm cả ngành công nghiệp ô tô Đức, cần những chip máy tính thế hệ cũ mà các công ty Trung Quốc đang đầu tư sản xuất, Christophe Fouquet - Giám đốc điều hành ASML cho biết trong một cuộc phỏng vấn với báo Handelsblatt (Đức).
Thế giới số

CEO ASML: Thế giới cần những chip cũ mà Trung Quốc sản xuất

Sơn Vân 09/07/2024 06:50

Người mua chip, gồm cả ngành công nghiệp ô tô Đức, cần những chip máy tính thế hệ cũ mà các công ty Trung Quốc đang đầu tư sản xuất, Christophe Fouquet - Giám đốc điều hành ASML cho biết trong một cuộc phỏng vấn với báo Handelsblatt (Đức).

ASML (có trụ sở ở Hà Lan) là hãng công nghệ lớn nhất châu Âu và nhà cung cấp thiết bị sản xuất chip số 1 thế giới.

Những phát biểu của Christophe Fouquet, người đảm nhận vị trí Giám đốc điều hành ASML từ tháng 4, được đưa ra khi Ủy ban châu Âu bắt đầu khảo sát các công ty, gồm cả ASML, về quan điểm từ họ với các khoản đầu tư của các công ty Trung Quốc vào các chip gọi là legacy (truyền thống). Đây là một nguồn doanh thu quan trọng cho ASML.

"Ngành công nghiệp ô tô, đặc biệt là ngành công nghiệp ô tô Đức, cần nhiều chip được sản xuất bằng các công nghệ đơn giản và đã được biết đến từ lâu", Christophe Fouquet nói với Handelsblatt.

Đối mặt với các hạn chế do Mỹ dẫn đầu về công nghệ tiên tiến hơn, các công ty Trung Quốc đang mở rộng khả năng sản xuất các chip cũ này, làm dấy lên lo ngại ở phương Tây về khả năng dư thừa nguồn cung trong dài hạn.

Christophe Fouquet cho biết nhu cầu toàn cầu với những chip này đang tăng mạnh, nhưng việc sản xuất chúng không mang lại lợi nhuận cao và các công ty phương Tây không đầu tư nhiều.

"Châu Âu thậm chí không thể đáp ứng một nửa nhu cầu của mình", ông nói.

Theo ước tính của SEMI, các nhà sản xuất chip Trung Quốc sẽ tăng công suất thêm 14% vào năm 2025, gấp hơn 2 lần tốc độ phần còn lại của thế giới, lên 10,1 triệu wafer (đĩa bán dẫn) mỗi tháng vào năm 2025, chiếm khoảng 1/3 tổng sản lượng toàn cầu.

"Nếu ai đó muốn làm chậm quá trình này, vì bất kỳ lý do gì, thì cần có các giải pháp thay thế. Chẳng ích gì khi ngăn cản ai đó sản xuất thứ bạn cần", Christophe Fouquet nhận xét.

asml-bi-my-ngan-bao-tri-mot-so-thiet-bi-ban-cho-trung-quoc-bo-nhiem-christophe-fouquet-lam-ceo-moi.jpg
Christophe Fouquet (phải) thay Peter Wennink (trái) làm Giám đốc điều hành ASML từ tháng 4 - Ảnh: Reuters

SEMI là hiệp hội thương mại quốc tế đại diện cho chuỗi cung ứng thiết bị và vật liệu bán dẫn toàn cầu.

Đĩa bán dẫn là một lát silicon mỏng, thường có đường kính từ 150 mm đến 300 mm, được sử dụng làm vật liệu nền để sản xuất mạch tích hợp (IC). Quá trình sản xuất chip bắt đầu với một wafer silicon nguyên chất. Sau đó, wafer trải qua hàng loạt các bước xử lý hóa học và vật lý để tạo ra các mạch điện tử trên bề mặt của nó. Các mạch điện tử này chính làmạch tích hợp mà chúng ta sử dụng trong máy tính, smartphone và nhiều thiết bị điện tử khác.

Thông tin về chip legacy

Chip legacy là những loại chip máy tính được sản xuất dựa trên công nghệ cũ hơn, thường có kích thước lớn hơn và hiệu suất thấp hơn so với chip mới hơn. Tuy nhiên, chúng vẫn được sử dụng rộng rãi trong nhiều thiết bị điện tử hiện nay, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp như:

- Ngành công nghiệp ô tô: Chip legacy được sử dụng để điều khiển nhiều chức năng quan trọng trong xe hơi, chẳng hạn như hệ thống phanh ABS, hệ thống quản lý động cơ và hệ thống giải trí.

- Thiết bị gia dụng: Chip legacy được dùng trong nhiều thiết bị gia dụng, chẳng hạn như máy giặt, tủ lạnh và máy điều hòa không khí.

- Thiết bị y tế: Chip legacy được sử dụng trong một số thiết bị y tế, chẳng hạn như máy chụp X-quang và máy đo điện tâm đồ.

Có một số lý do khiến chip legacy vẫn được sử dụng phổ biến:

- Chi phí: Chip legacy thường rẻ hơn nhiều so với các loại chip mới hơn.

- Độ tin cậy: Chip legacy đã được thử nghiệm và sử dụng trong nhiều năm, nên chúng được coi là đáng tin cậy hơn các loại chip mới hơn.

- Khả năng tương thích: Chip legacy có thể tương thích với nhiều thiết bị và hệ thống hơn so với các loại chip mới hơn.

Tuy nhiên, chip legacy cũng có một số nhược điểm:

- Hiệu suất: Chip legacy thường có hiệu suất thấp hơn nhiều so với các loại chip mới hơn, dẫn đến thời gian khởi động chậm hơn và tiêu thụ điện năng cao hơn.

- Kích thước: Chip legacy thường có kích thước lớn hơn nhiều so với các loại chip mới hơn, dẫn đến thiết bị điện tử cồng kềnh hơn.

- Khả năng: Chip legacy có thể không có khả năng hỗ trợ các tính năng mới nhất, chẳng hạn như trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy.

Nhìn chung, chip legacy đóng vai trò quan trọng trong nhiều ngành công nghiệp và vẫn sẽ tiếp tục được sử dụng trong nhiều năm tới. Tuy nhiên theo thời gian, chúng có thể sẽ được thay thế dần bằng các loại chip mới hơn, hiệu quả hơn và có khả năng cao hơn.

Ngoài ra, cần lưu ý rằng định nghĩa chip legacy có thể thay đổi theo thời gian. Khi công nghệ mới phát triển, những loại chip được coi là "mới" ngày hôm nay có thể trở thành "legacy" trong tương lai.

Cựu Giám đốc điều hành ASML: Cuộc chiến chip giữa Mỹ và Trung Quốc có thể kéo dài hàng thập kỷ

Peter Wennink, cựu Giám đốc điều hành ASML, cho rằng tranh chấp giữa Mỹ với Trung Quốc về chip máy tính chỉ mang tính ý thức hệ chứ không dựa trên thực tế và chúng sẽ tiếp tục kéo dài.

Peter Wennink rời đi vào tháng 4 sau nhiệm kỳ 10 năm lãnh đạo ASML và đưa nó trở thành hãng công nghệ lớn nhất Châu Âu. Kể từ năm 2018, Mỹ đã ngày càng áp đặt các hạn chế với những công cụ mà ASML có thể xuất khẩu sang Trung Quốc, thị trường lớn thứ hai của họ sau Đài Loan, với lý do lo ngại về an ninh. Gần đây, Mỹ đã tìm cách ngăn ASML bảo trì các thiết bị đã bán cho khách hàng Trung Quốc.

Peter Wennink nói: “Những cuộc thảo luận kiểu này không được tiến hành dựa trên cơ sở thực tế, nội dung, số liệu hoặc dữ liệu mà dựa trên cơ sở ý thức hệ. Bạn có thể nghĩ bất cứ điều gì mình muốn về điều đó, nhưng chúng tôi là một doanh nghiệp, nơi lợi ích của các bên liên quan phải được quản lý cân bằng... Nếu các quan điểm chính trị can thiệp vào vấn đề đó một cách trực tiếp, tôi sẽ gặp khó khăn”.

Ông cho biết ASML đã có khách hàng và nhân viên ở Trung Quốc trong 30 năm “nên cũng phải có nghĩa vụ”.

Là một phần của việc tìm cách đạt được sự cân bằng, Peter Wennink nói ông đã vận động hành lang nếu có thể để ngăn chặn các hạn chế xuất khẩu trở nên quá chặt chẽ, đồng thời phàn nàn với các chính trị gia cấp cao Trung Quốc khi cảm thấy quyền sở hữu trí tuệ của công ty không được tôn trọng.

“Tôi nghĩ ở Washington, có lẽ đôi khi họ nghĩ rằng Wennink, có thể ông ấy là bạn của Trung Quốc. Không. Tôi là bạn của khách hàng, nhà cung cấp, nhân viên và cổ đông của tôi", Peter Wennink cho hay.

Peter Wennink dự đoán rằng với sự quan tâm đến lợi ích địa chính trị, cuộc chiến chip có thể kéo dài hàng thập kỷ để giải quyết. "Điều này sẽ tiếp diễn trong một thời gian dài", cựu Giám đốc điều hành ASML nói.

Bài liên quan
Đại diện ASML: ‘EU không xứng tầm Champions League về an ninh kinh tế’
“Liên minh châu Âu (EU) không xứng tầm Champions League về an ninh kinh tế, thậm chí còn chật vật để vượt qua cấp độ Europa League".

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
CEO ASML: Thế giới cần những chip cũ mà Trung Quốc sản xuất