Khi nói về sự long đong của đời cầu thủ thì có thể lấy trường hợp của Lê Hoàng Duy làm tiêu biểu. Còm cõi cả chục năm ăn tập để chỉ nhận được quả đắng từ những cú lừa xuất ngoại sang Campuchia. Nay tay trắng, gia đình oằn nợ, và bất lực nhìn con gái nhỏ 6 tháng rưỡi trước viễn cảnh truyền máu cả đời vì căn bệnh Thalassemia quái ác.

Cầu thủ 2 quốc tịch Việt - Campuchia bất lực nhìn con gái đối mặt căn bệnh quái ác

Tố Loan | 02/05/2016, 20:45

Khi nói về sự long đong của đời cầu thủ thì có thể lấy trường hợp của Lê Hoàng Duy làm tiêu biểu. Còm cõi cả chục năm ăn tập để chỉ nhận được quả đắng từ những cú lừa xuất ngoại sang Campuchia. Nay tay trắng, gia đình oằn nợ, và bất lực nhìn con gái nhỏ 6 tháng rưỡi trước viễn cảnh truyền máu cả đời vì căn bệnh Thalassemia quái ác.

Hai lần "xuất ngoại" Campuchia đá bóng, bị lừa cả hai lần

Hoàng Duy (hàng đứng, ngoài cùng bên phải) trong màu áo Prek Pra Keila - Ảnh do nhân vật cung cấp

Hoàng Duy đá tiền đạo, là sản phẩm “cây nhà lá vườn” của bóng đá An Giang, cùng lứa với trung vệ Mai Thanh Nam (cựu tuyển thủ U.21 Việt Nam Báo Thanh Niên năm 2011 hiện đang đá cho SHB.Đà Nẵng). Anh lên đội 1 năm 2009, nhưng còn còn trẻ nên hầu như chỉ tập chay.

Hành trình đá bóng "xuyên quốc gia" của cầu thủ sinh năm 1989 bắt đầu cũng từ lúc này, khi CLB Police (Campuchia) ngỏ lời mượn quân đá giải vô địch quốc gia. Nhận thấy đội này cũng thuộc diện “ngon”, ban huấn luyện An Giang cử Duy và Phạm Trịnh Trọng, Lê Chí Thanh (từng lên U.19 Việt Nam cùng Mai Thanh Nam).

Ai dè, khi đến nơi mới biết Police lại “bán cái” cho Prek Pra Keila, một đội bóng khác cũng tại Phnom Penh nhưng “hẻo” hơn nhiều. Đấy cũng là lúc Hoàng Duy nhập tịch thành công dân Campuchia để CLB đỡ 1 suất ngoại binh.

“Khi đó tụi tôi trẻ chỉ biết đá bóng chứ không nghe người ta nói lương bổng gì hết. Nếu hôm nào đội thắng, lâu lâu bên CLB cho 50.000 - 100.000 ngàn tiền Campuchia (khoảng từ 250.000 đến 500.000 đồng) rồi thôi.

Khổ quá, mấy lần chúng tôi tính bỏ về thì người ta không cho, giữ giấy tờ lại. Như tôi bây giờ nói là có quốc tịch Campuchia đó, nhưng chứng minh thì lại bị vợ của ông thầy tại Prek Pra Keila giữ lại, đã trả cho đâu”, Duy nhớ lại.

Hoàng Duy (hàng sau cùng, ở giữa) khi lên đội 1 An Giang - Ảnh do nhân vật cung cấp

Trở về Việt Nam sau một mùa hành xác tại Prek Pra Keila, Duy tập chay 2 mùa liền. Ở thuở ngoại binh vẫn còn thịnh đó, do không cạnh tranh nổi với ngoại binh nên Duy về sau được ban huấn luyện kéo xuống tập đá trung vệ.

Năm 2012 Duy đi Campuchia lần nữa, lúc này là Tà Keo mượn để đá giải vô địch quốc gia Campuchia. Dù đã cẩn thận, nhưng anh lại tiếp tục... bị lừa. “Người ta nói tôi là lương tháng 400 USD nhưng khi sang bên đó thì mỗi tháng tôi nhận chỉ là 300 USD. Sang đó 2 tháng mà CLB chỉ trả lương 1 tháng nên tôi giận không đá nữa, bỏ về luôn. Mà nhớ lại thì tỉnh Tà Keo đó nghèo lắm. Chỉ cách cửa khẩu Tịnh Biên hơn 40km nhưng như 2 thế giới khác nhau vậy”, Duy nhớ lại.

Cả nhà bẹp dí với món nợ chỉ vài chục triệu đồng

Tổng kết đời cầu thủ của Duy - một trong số ít cầu thủ Việt Nam xuất ngoại đá bóng - là “đi tay trắng, về trắng tay”. Cái số lận đận, đến mức năm 2013 khi anh tự do, được TDC.Bình Dương gọi về thì giấy thanh lý đến tay chậm khiến mối lương duyên bất thành.
Chán nản, Duy bỏ bóng đá về xin làm bảo vệ tại khách sạn Victoria gần chùa Long Sơn trên núi Sam.
Hoàng Duy trong lần khoác áo Tà Keo - Ảnh do nhân vật cung cấp

Nhà Duy ở ngay dưới chân núi Sam, cách chùa Bà nổi tiếng trên Châu Đốc có hơn 1km. Ba Duy hành nghề chụp ảnh dạo kiêm xe ôm. Nói 2 nghề cho sang, chứ chỉ ăn được mấy tháng vía (từ tháng Giêng đến tháng 4 Âm lịch).

“Vào các thứ 7, chủ nhật khách mới đông. Nhưng nghề chụp ảnh dạo giờ cũng hết ăn vì khách tới toàn tự chụp bằng điện thoại”, Duy chia sẻ.

Nhà Hoàng Duy rất nghèo, có thể nói là túng quẫn khi đang oằn lưng gánh món nợ gần 40 triệu đồng, do gia đình cải thiện kinh tế bất thành. Anh cười khổ: “Lên đội 1 An Giang, tôi được nâng lương lên 5 triệu đồng. Mỗi tháng tôi chắt chiu ăn uống, gửi về phụ gia đình mà vẫn không trả nổi món nợ hồi vay ngân hàng 15 triệu đồng nuôi heo nhưng mất trắng vì dịch bệnh. Sau ba mẹ ốm đau phải chạy vạy ở ngoài. Lãi đẻ lãi, giờ nhà vẫn còn thiếu gần 40 triệu đồng. Mỗi tháng trả cả lãi lẫn gốc là hơn 1 triệu. Nhà tôi khổ quá không có ăn, dồn 3-4 tháng đóng một lần mà chẳng biết khi nào mới trả xong”.

Bất lực nhìn con gái phải tiếp máu cả đời

Bé Thiên Ngọc mới 6 tháng rưỡi của Hoàng Duy đang vật lộn cùng chứng bệnhThalassemia - Ảnh do nhân vật cung cấp

Cuộc sống của Hoàng Duy lúc này sáng mở mắt ra là thấy nợ. Lương làm bảo vệ khách sạn Victoria gần 4 triệu, lãnh xong chia qua sớt lại toàn thấy… âm.

Họa vô đơn chí, anh và gia đình càng điêu đứng khi cô con gái nhỏ Lê Trần Thiên Ngọc mới 6 tháng rưỡi đang phải vật lộn với chứng bệnh thiếu máu di truyền Thalassemia.

“Bé tôi bị nóng sốt 40 độ liên tục, khám mãi ở Châu Đốc không ra, tôi đem lên Sài Gòn xét nghiệm mấy lần mới phát hiện ra cháu bị Thalassemia. Người ta thiếu hồng cầu sống được 120 ngày thì bé Thiên Ngọc chỉ là 20 ngày. Bác sĩ bảo bé sẽ phải truyền máu suốt đời. Ban đầu nghe nói thiếu máu 100ml, mỗi tháng truyền hết 900.000 đồng còn đỡ. Nhưng thấy các cháu lớn truyền mỗi lần toàn 400, 500ml, tôi hỏi lại bác sĩ mới biết Thiên Ngọc lớn lên sẽ phải bơm nhiều chừng đó.

Hiện tại gia đình còn ráng gắng gượng chống đỡ, chứ mai mốt tiền máu còn quá tiền lương tôi không biết tính sao đây. Có phương án để dứt điểm là ghép tủy. Nhưng tôi nghe nói là rất đắt, chưa dám hỏi. Biết là ráng cho con, nhưng không biết ráng cách nào nữa”, Hoàng Duy thở dài.

Cần lắm, những tấm lòng hảo tâm cho thiên thần nhỏ Thiên Ngọc

Hiện tại, trung vệ Mai Thanh Nam và các đồng đội cũ đang tích cực kêu gọi nhau, mỗi người góp một tay để quyên tiền, kêu gọi những nhà hảo tâm chung tay hỗ trợ cho gia đình Hoàng Duy.

“Vừa rồi hay tin, anh em tụi tôi kẻ ít người nhiều gom lại gửi để Duy tạm chống chọi cùng bé Thiên Ngọc. Sắp tới, chúng tôi đang thu xếp thời gian để tổ chức trận đấu bóng đá từ thiện quyên tiền làm quỹ để Duy nuôi con”, trung vệ Thanh Nam cho biết.

Theo Tiểu Bảo (Thanh Niên)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cầu thủ 2 quốc tịch Việt - Campuchia bất lực nhìn con gái đối mặt căn bệnh quái ác