Đã 40 năm tôi mới có dịp trở lại Huế, thành phố xanh sạch đẹp nhất trong những thành phố mà tôi đã qua. Đi thuyền trên sông Hương lại được nghe: "Giọng hò từ Kim Long trôi về Vĩ Dạ / Làm bâng khuâng những hàng thông trên đỉnh núi Ngự Bình" mà thấy tự hào vì đã từng được đóng góp công sức nhỏ bé của mình cùng nhân dân Huế cho một không gian kiến trúc cảnh quan khoáng đạt nên thơ...

Câu chuyện về những hàng thông trên núi Ngự Bình

19/12/2016, 06:35

Đã 40 năm tôi mới có dịp trở lại Huế, thành phố xanh sạch đẹp nhất trong những thành phố mà tôi đã qua. Đi thuyền trên sông Hương lại được nghe: "Giọng hò từ Kim Long trôi về Vĩ Dạ / Làm bâng khuâng những hàng thông trên đỉnh núi Ngự Bình" mà thấy tự hào vì đã từng được đóng góp công sức nhỏ bé của mình cùng nhân dân Huế cho một không gian kiến trúc cảnh quan khoáng đạt nên thơ...

Sông Hương núi Ngự hôm nay
Ngự Bình hôm nay

Cách đây hơn 40 năm, từ 15 – 20.10.1975, một trận lũ lớn đã xảy ra tại Thừa Thiên - Huế gây thiệt hại nặng nề giữa lúc Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng đang ở thăm Huế. Vừa về đến Hà Nội, Chủ tịch nước đã chỉ đạo các ban ngành TW khẩn trương giúp Thừa Thiên - Huế khắc phục hậu quả của cơn "đại hồng thủy". Riêng Tổng cục Lâm nghiệp (*) Chủ tịch nước đã gửi thư yêu cầu: "Phải vào ngay thiết kế và tổ chức thi công trồng thông ở khu vực núi Ngự Bình...".

Ngày ấy, khi tôi vừa hoàn tất công tác trên Công trường Cảnh quan Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, với chức danh kỹ sư trưởng thì được giao ngay nhiệm vụ này. Tôi cùng hai kỹ sư ngày 5.11.1975 đã xuất phát trên chiếc xe UAZ do Tổng cục dành cho đoàn. Điều chúng tôi lo nhất và trước hết là phải làm sao kiếm đủ cây giống thông ta (Pinus merkusii) cho trồng rừng ở Huế.

Cây thông trong bài hát "Nhớ về quê mẹ" của nhạc sĩ Vân Đông: "Giọng hò từ Kim Long trôi về Vĩ Dạ / Làm bâng khuâng những hàng thông trên đỉnh núi Ngự Bình" chính là loài thông ta. Nhưng lúc này, ở miền Bắc đã kết thúc mùa trồng rừng, hầu hết cây giống đã được đem đi trồng, còn các tỉnh phía Nam đã từ lâu ngưng sản xuất cây giống lâm nghiệp.

Nhân dân TP.Huế tham gia trồng thông ở Ngự Bình
Xe chở cây giống từ Sóc Sơn, Hà Nội vào Huế 12.1975

Đoàn chúng tôi chỉ còn cách chạy xe theo Quốc lộ 1 từ Hà Nội vào Đông Nam Bộ rồi rẽ Quốc lộ 20 lên Nam Tây Nguyên, qua bất kỳ Lâm trường nào chúng tôi cũng vào xuất trình công văn của Tổng cục yêu cầu cung cấp cây giống thông ta, nếu có sẽ kiểm kê cây trong vườn ươm và đề nghị cơ sở tiếp tục chăm sóc bảo vệ cho đến khi chúng tôi tiếp nhận.

Những nơi chúng tôi đến liên hệ công tác ai cũng nhiệt tình ủng hộ, cuối cùng đã tìm được 3 địa điểm có thể cung cấp cây giống cho Ngự Bình: Vườn ươm của Trạm thí nghiệm cơ giới trồng rừng Minh Phú (Sóc Sơn, Hà Nội); Vườn ươm của Lâm trường rừng thông (Bố Trạch, Quảng Bình); Vườn ươm cây thông Noel của Trạm Khảo cứu Lâm học Lang Hanh (Di Linh, Lâm Đồng).

Đặc biệt ở Lang Hanh thông tái sinh tự nhiên rất tốt, chúng tôi đã nảy ra sáng kiến: nếu số cây giống từ 3 vườn ươm trên vẫn chưa đủ thì sẽ bứng những cây thông ta tái sinh khoảng 1 năm tuổi (cao 25 - 30cm) dồi dào sức sống, cấy vào các ống (rỗng 2 đầu, hình lục lăng, bằng đất sét) cũng do Trạm Khảo cứu sản xuất (để thay cho túi nhựa Polyethylene) rồi xếp vào các khay, vận chuyển ra bổ sung cho số cây thiếu hụt...

Khi đã yên tâm về cây giống, đoàn chúng tôi về Huế để bắt đầu công việc khảo sát, thiết kế và tổ chức thi công trồng rừng khu vực Ngự Bình. Dịp này Phó thủ tướng Hoàng Anh, người con ưu tú của xứ Huế cũng đang chỉ đạo và duyệt kế hoạch 1976 cho các tỉnh miền Trung. Ông đã căn dặn chúng tôi trong thiết kế và thi công phải hết sức tôn trọng ý nghĩa, giá trị lịch sử, không nên có những tác động làm thay đổi địa hình địa mạo của Ngự Bình (có lẽ ông lo chúng tôi sẽ dùng máy ủi để ủi bậc thang trên Ngự Bình như có vị ở Tổng cục đã đề xuất).

Giáo sư Nguyễn Hữu Đính, kỹ sư Thủy Lâm, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam của TP.Huế cũng thường đến thăm chúng tôi và cung cấp nhiều thông tin thú vị: Vào năm 1687, khi chúa Nguyễn Phúc Thái cho dời Thủ phủ từ Kim Long về làng Phú Xuân đã dùng hòn núi này làm tiền án. Ngày ấy, nó đã được gọi là Bằng Sơn (Bằng là loài chim rất lớn như đại bàng) vì hòn núi mang dáng vẻ như một con chim đại bàng đang dang hai cánh để bay, từ phía Bắc nhìn lại trông nó cân phân, hai cánh hai bên Đông Tây đối xứng với nhau đều đặn.

Cũng chính vì hòn núi có sẵn một hình thái đặc biệt như vậy, cho nên nó vẫn được tiếp tục sử dụng làm tiền án khi vua Gia Long cho xây dựng Kinh đô Huế vào đầu thế kỷ 19 và đặt tên cho núi ấy là "Ngự Bình sơn". "Ngự" là một từ dùng để chỉ những gì thuộc về vua. "Bình" là che chắn từ chữ "bình phong" để ngăn chặn những điều không tốt lành, những ảnh hưởng tâm linh xấu gây ra tai họa.

Ngày ấy, cây thông đã được trồng phủ khắp núi Ngự, đặc biệt từ thời Gia Long, tất cả các quan lại không phân biệt phẩm trật, mỗi người đều phải trồng một cây thông trên Ngự Bình! Ở đây thường lộng gió, làm cho thông reo vi vu cả 4 mùa, nhất là vào mùa thu, thời tiết êm dịu người xưa thường lên đây để được ngắm toàn cảnh kinh đô và thưởng lãm nhiều điều thú vị của thiên nhiên. Sau 30 năm chiến tranh, thông ở khu vực Ngự Bình đã bị tàn phá hết. Nên dân gian có câu "Ngự Bình không cây chim đậu đất!". Cũng trong thời gian chúng tôi làm thiết kế, Quân khu Trị Thiên - Huế đã điều một đại đội công binh đảm trách rà phá bom mìn ở khu vực Ngự Bình - Tam Thai - Thiên Thai để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho nhân dân trồng cây.

Ngày 4.12.1975, tôi đã trình bày "Phương án Thiết kế trồng thông Pinus merkusii khu vực Ngự Bình" trước một Hội nghị gồm tất cả các ban ngành, đoàn thể, quận huyện của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ngay phần mở đầu chúng tôi đã khẳng định ba yếu tố tạo nên Kiến trúc cảnh quan Huế là sông Hương, núi Ngự và cây trồng trên Ngự Bình là thông ta, loài thông bản địa của nước ta đã đi vào đời sống người Việt từ bao đời. Sông, núi, cây thông ấy tạo nên môi trường sinh thái nhân văn trong lành mát mẻ, giàu ôxy rất có lợi cho sức khoẻ, phù hợp với văn hoá truyền thống và phong thủy...

Căn cứ vào mục đích yêu cầu và đặc điểm tự nhiên của núi Ngự: cách trung tâm thành phố 4km về phía Đông Nam; cao độ so với mặt biển 109m (theo không ảnh 5 - 1968); độ dốc trung bình 30 độ; đất podzolic hình thành trên đá mẹ thô, rất mẫn cảm với sự rửa trôi, một khi đã mất rừng lập tức bị thoái hoá nặng nề. Mùa mưa tập trung trong các tháng 10 đến tháng 1 năm sau, vũ lượng bình quân năm 2.874mm... Vì thế chúng tôi đã thiết kế: Đỉnh núi Ngự (gần 1ha) khoan hố bằng máy kéo Bolgar; đường kính hố 0,80m, sâu 0,80m, mật độ 2.500 cây/1 ha, cây trồng là thông ta 2 năm tuổi.

Cách trồng: lấy 2/3 đất trong hố trộn với dưỡng chất hữu cơ và mùn rừng thông (từ Lang Hanh) đặt cây rồi lấp đất cao hơn miệng hố 5 - 10cm. Sườn núi (độ cao từ 40 - 100m) diện tích 14ha; biện pháp làm đất cuốc hố kích thước 50 x 50 x 50cm, bón lót đáy hố 20cm đất mùn rừng thông và dưỡng chất hữu cơ, mật độ 3.300 cây/1ha; cây trồng thông ta 2 năm tuổi phía trên (2/3 diện tích), thông 1 năm tuổi phía dưới. Chân núi (độ cao 40m trở xuống) diện tích 7ha, biện pháp làm đất, cách trồng như ở sườn núi, thông ta 1 năm tuổi.

Diện tích phụ cận là núi Thiên Thai và Tam Thai cũng nằm trong phương án và cũng được thiết kế kỹ thuật như ở sườn và chân núi Ngự Bình. Tổng số cây giống thông ta cung cấp cho trồng rừng ở khu vực Ngự Bình - Huế là 189.200 cây, riêng núi Ngự 75.500 cây...

Bốc dỡ cây giống thông ta ở khu vực Ngự Bình - Tam Thai - Thiên Thai

Sang phần kế hoạch thi công, chúng tôi đề nghị UBND tỉnh thành lập Công trường trồng rừng Ngự Bình và thi công càng sớm càng tốt cụ thể bắt đầu từ 5.12.1975. Trồng rừng núi Ngự sẽ hoàn thành vào ngày 25.12. Từ 26.12.2015 tập trung toàn lực thi công trồng rừng Tam Thai và Thiên Thai đến 28.1.1976 hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ trồng rừng khu vực Ngự Bình - Huế...

Cả Hội nghị nhiệt liệt vỗ tay và "Phương án Thiết kế trồng thông Pinus merkusii khu vực Ngự Bình" đã được thông qua nhanh chóng. Tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo trồng rừng khu vực Ngự Bình gồm Trưởng ban: ông Nguyễn Văn Vạn, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh; Phó ban: ông Lâm Hồng Phấn, Trưởng ty Nông Lâm phụ trách tài chính, lao động và cơ sở hậu cần. Còn tôi phụ trách công trường, điều hành cung cấp cây giống...

3 năm sau, cuối năm 1978, Bộ Lâm nghiệp đã tổ chức Hội nghị trồng rừng toàn quốc tại TP.Huế nơi có Ngự Bình - mô hình kiểu mẫu về trồng thông Pinus merkusii. Cộng đồng quốc tế đã ghi nhận những nỗ lực ấy; ngay sau đó Chương trình Lương thực (PAM), Tổ chức Nông Lương (FAO) và Chương trình phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNDP) đã có những dự án viện trợ dành cho trồng rừng và nghiên cứu Lâm sinh ở nước ta...

Đã 40 năm tôi mới có dịp trở lại Huế, thành phố xanh sạch đẹp nhất trong những thành phố mà tôi đã qua. Đi thuyền trên sông Hương lại được nghe: "Giọng hò từ Kim Long trôi về Vĩ Dạ / Làm bâng khuâng những hàng thông trên đỉnh núi Ngự Bình" mà thấy tự hào vì đã từng được đóng góp công sức nhỏ bé của mình cùng nhân dân Huế cho một không gian kiến trúc cảnh quan khoáng đạt nên thơ...

Từ tượng đài Hoàng đế Quang Trung nhìn sang phía Tây Ngự Bình

Tôi cũng bâng khuâng ngắm những hàng thông trên núi Ngự Bình từ ba miền đất nước về đây, đang mùa thắp nến tái sinh (**) khẳng định sự phát triển bền vững của không gian xanh xứ Huế rất hợp phong thủy và lòng người.

Bài và ảnh: Nguyễn Hoàng Bích

(*) Tháng 7.1976 chuyển thành Bộ Lâm nghiệp

(**) Ra hoa kết trái

Bài liên quan
Hà Nội thí điểm Chatbot AI - Trợ lý ảo hỗ trợ người nộp thuế
Cục Thuế TP.Hà Nội áp dụng thí điểm ứng dụng Chatbot AI - Trợ lý ảo hỗ trợ người nộp thuế.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Câu chuyện về những hàng thông trên núi Ngự Bình