Khi Constantino (Tino) Aucca Chutas nghe được một người dân Andean địa phương nói về việc sông băng tan chảy và những cánh rừng đang biến mất, ông biết mình phải hành động.
Phong cách - lối sống

Câu chuyện về một nhà sinh vật học được phong là ‘Chiến binh Trái đất’

Thiên Di 19/03/2024 14:01

Khi Constantino (Tino) Aucca Chutas nghe được một người dân Andean địa phương nói về việc sông băng tan chảy và những cánh rừng đang biến mất, ông biết mình phải hành động.

Là một nhà sinh vật học và là hậu duệ của người Inca, Constantino đã làm việc chăm chỉ để khôi phục hệ sinh thái bị suy thoái của dãy Andes và đảm bảo nguồn cung cấp nước cho cộng đồng địa phương.

anh-man-hinh-2024-03-19-luc-12.55.04.png
Nhà sinh vật học Constantino (Tino) Aucca Chutas

'Chạy nhanh hơn' các ngành công nghiệp mang tính hủy diệt

Andes là dãy núi dài nhất thế giới, dọc theo bờ Tây lục địa Nam Mỹ, đi qua 7 quốc gia gồm Venezuela, Colombia, Ecuador, Peru, Bolivia, Chile và Argentina.

Đây là khu vực quan trọng của thế giới với khu rừng nguyên sinh - nơi ở của hơn 40 loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng, trong đó có chim thần ưng Andes và gấu. Những khu rừng ở đây rất quan trọng trong việc cung cấp nước cho hàng triệu người dân sống ở vùng hạ lưu.

Tuy nhiên, hệ sinh thái này đã bị đe dọa bởi những tư nhân và các công ty khai thác đang mở rộng các trang trại, khai thác gỗ bất hợp pháp, cháy rừng…

Trước thực tế này, nhà sinh vật học Constantino đã nói: “Chúng ta phải làm việc chăm chỉ để cố gắng chạy nhanh hơn sự hủy diệt”. Ông tin rằng chìa khóa thành công cần phải có sự tham gia của cộng đồng địa phương và khôi phục các tập tục cổ xưa của họ.

Đối với nhà sinh vật học Constantino, nỗ lực bảo tồn môi trường sống có nguồn gốc sâu xa. Ông là hậu duệ của những người Quechua bản địa (dùng để chỉ bất kỳ một dân tộc thiểu số nào ở Nam Mỹ nói tiếng Quechua), chính vì vậy, ông mang trong tim tình yêu đặc biệt của nhiều thế hệ với vùng đất Andes.

Trồng cây để tiết kiệm nước

Tầm nhìn của Constantino là trồng hàng triệu cây dọc dãy Andes để đảm bảo nguồn cung cấp nước cho cộng đồng địa phương. Ông đã phát hiện ra rằng các khu rừng Polylepis bản địa với lớp phủ rêu và thảm thực vật giống như bọt biển đặc biệt hiệu quả trong việc trữ nước.

Bằng cách trồng 60.000 cây xanh trong một ngày, tổ chức của ông đã tạo ra hàng nghìn hố chứa nước, làm tăng mực nước hồ và suối. Công việc hợp tác này không chỉ phục hồi hệ sinh thái mà còn tăng cường mối liên kết giữa cộng đồng và môi trường.

Cụ thể, năm 2000, ông bắt đầu tổ chức các dự án trồng rừng cùng đồng nghiệp, người dân địa phương và thành lập tổ chức Asociación Ecosistemas Andinos (ECOAN) để hợp tác với cộng đồng và chính quyền địa phương nhằm cứu hệ sinh thái Andes của Peru. Kể từ đó, họ đã trồng 4,5 triệu cây bản địa và tạo ra 16 khu bảo tồn ở khắp vùng núi Andes trên lãnh thổ Peru.

Năm 2014, để chào mừng các đoàn đại biểu đến dự Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc tại thủ đô Lima của Peru, ECOAN đã cùng người dân ở vùng núi Vilcanota trồng 57.000 cây trong một ngày. Sự kiện phủ xanh này thành công đến mức từ đó đến nay đã trở thành lễ hội trồng cây hàng năm ở vùng này.

Cây cối hấp thụ CO2 và giúp ngăn ngừa lở đất, cùng nhiều giá trị khác, ông Aucca Chutas nói, và nhấn mạnh thêm: “Khi chúng ta trồng một cái cây, chúng ta đang cống hiến cho Mẹ Trái đất. Chúng tôi tin rằng, càng trồng nhiều cây thì mọi người sẽ càng hạnh phúc”.

Và cứ như thế, tổ chức của ông, Acción Andina, đã trồng hơn ba triệu cây với sự giúp đỡ của hơn 25.000 gia đình bản địa.

anh-man-hinh-2024-03-19-luc-12.55.36.png
Kỹ thuật viên vườn ươm cộng đồng ở Ecuador - Ảnh: Aves y Conservación/Oneearth

Sức mạnh của kiến thức bản địa

Trong suốt công việc của mình, Constantino nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khôi phục kiến thức bản địa về trồng cây và thu hút sự tham gia của cộng đồng địa phương trong các nỗ lực bảo tồn thiên nhiên. Như ông nói: "Bảo tồn mà không có tiền chỉ là cuộc trò chuyện. Và nếu không có sự kết nối với các cộng đồng địa phương thì đó là một cuộc trò chuyện rất tồi tệ".

Bằng cách làm việc cùng với các gia đình bản địa, Constantino đã khôi phục hệ sinh thái, qua đó giúp khôi phục các tập quán truyền thống đang trên bờ vực bị lãng quên.

Công việc của ông đã trở thành hình mẫu cho hoạt động bảo tồn dựa vào cộng đồng và truyền cảm hứng cho nhiều người khác trên toàn thế giới.

anh-man-hinh-2024-03-19-luc-13.04.18.png
ECOAN và cộng đồng tái trồng rừng ở Quelqanqa-Ollantaytambo, Peru - Ảnh: ECOAN/Oneearth

"Nhà vô địch của trái đất"

Những nỗ lực của ông là một ví dụ điển hình về cách hành động của địa phương có thể giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và sự mất đa dạng sinh học. Với công việc của mình, Constantino đã nhận được vinh dự cao nhất về môi trường của Liên Hợp Quốc, được vinh danh là "Nhà vô địch Trái đất năm 2022" trong lĩnh vực Cảm hứng và Hành động. Đây cũng là danh hiệu cao quý nhất của Liên Hợp Quốc về môi trường.

Nhà sản xuất đồng hồ Thụy Sỹ Rolex cũng bình chọn ông là một trong năm người được nhận Giải thưởng Rolex dành cho doanh nghiệp năm 2023.

Với Giải thưởng Rolex, Acción Andina, một trong hai tổ chức của ông có thể trồng và chăm sóc thêm 3,5 triệu cây ở khắp năm quốc gia - Argentina, Bolivia, Chile, Ecuador và Peru - nơi dãy Andes trải qua, thu hút 30.000 gia đình tham gia vào các hoạt động bảo tồn 10.000ha rừng.

Ông Aucca Chutas chia sẻ: “Các giải thưởng này giúp chúng tôi đạt được sứ mệnh của mình là phủ xanh vùng cao và chống biến đổi khí hậu”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Câu chuyện về một nhà sinh vật học được phong là ‘Chiến binh Trái đất’