Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng cần phải có đánh giá kĩ lưỡng và thống nhất về quan điểm, tư duy, tạo nhận thức chung về cải cách chứ không thể vì thành tích chính trị mà tuyên bố cắt bỏ ngay các điều kiện kinh doanh. Việc cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh cũng là trải qua một quá trình rà soát và có quyết tâm lớn.
Sáng 22.9, trong buổi làm việc với Bộ Công Thương, Tổ công tác của Thủ tướng do Bộ trưởng Mai Tiến Dũng dẫn đầu cho biết Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khen ngợi, biểu dương, đánh giá cao Bộ Công Thương trong thời gian gần đây.
Bộ Công Thương "ghi điểm"
Bộ trưởng Dũng cũng cho biết Thủ tướng đánh giá rất cao Bộ Công Thương trong việc sắp xếp, tổ chức lại bộ máy. Đây là một bộ tiên phong trong vấn đề đổi mới sắp xếp, tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn theo chỉ đạo của Thủ tướng. Vừa qua, Bộ đã giảm được 5 đầu mối, đây là nỗ lực rất lớn của Bộ, cần ghi nhận.
Thủ tướng cũng biểu dương vừa qua Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trực tiếp chỉ đạo xử lý 12 dự án thua lỗ kéo dài, lập tổ công tác đặc biệt, Bộ đã tham mưu cho Thủ tướng xử lý, đưa giải pháp cho từng dự án, có dự án tiếp tục đưa vào hoạt động, có dự án tính phương án bán, cổ phần hóa, phá sản…
Bên cạnh đó, ngày 21.9 Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã ký quyết định phê duyệt phương án cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh, tức là cắt giảm 55,5% tổng số điều kiện kinh doanh.
“Đây là động thái tích cực, mạnh mẽ nhất, đầu tiên trong các bộ trong thực hiện cải cách điều kiện kinh doanh”, Tổ trưởng Tổ công tác nói.
Trước đó, ngày 8.9, Bộ Công Thương đã quyết định xóa bỏ 420 mặt hàng trong danh mục 720 mặt hàng cần phải kiểm tra hàng hóa trước khi thông quan. Cùng với đó, Bộ có nhiều đổi mới sáng tạo, thay đổi phương thức kiểm tra, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, đánh giá sự tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, áp dụng quản lý rủi ro.
“Đây là động thái rất tích cực, đòi hỏi làm công tác tư tưởng rất tốt. Việc kiểm tra này đã nhiều năm, chúng ta không thể bỏ kiểm tra, nhưng không vì lý do đó mà trói buộc doanh nghiệp. Các bộ kiểm tra rất nhiều, nhưng phát hiện cực kỳ ít, chỉ 0,06% lô hàng phát hiện vi phạm. Bộ Công Thương đã thấy được điều này, rất tích cực, với quyết tâm rất cao của Bộ trưởng”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng phát biểu.
So sánh với Bộ Y tế mà tổ công tác kiểm tra hôm qua, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, Bộ Công Thương đang làm được những việc rất tích cực. Còn nếu chẳng đưa ra được danh mục nào cả mà cứ “tiếp tục đẩy mạnh, tăng cường, nâng cao” thì không thay đổi được gì.
Nói tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng cần phải có đánh giá kĩ lưỡng và thống nhấtvề quan điểm, tư duy, tạo nhận thức chung về cảicách chứ không thể vì thành tích chính trị mà tuyên bố cắt bỏ ngay các điều kiện kinh doanh. Việc cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh cũng là trải qua một quá trình rà soát và có quyết tâm từ bộ.
Theo Bộ trưởng, quan điểm xuyên suốt là làm một cách minh bạch công khai, trong sáng và cầu thị, đúng với yêu cầu thực tiễn nhưng đồng thời có cơ sở khoa học, pháp lý. Quyết định cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh của Bộ không phải là quyết định qua 1 đêm mà làm cả quá trình và đồng bộ nhiều giải pháp khác, đi cùng sắp xếp bộ máy.
"Đây không phải phiêu lưu chính trị mà đây là một định hướng rõ ràng, gắn với hiệu quả quản lý nhà nước", Bộ trưởng nói.
Doanh nghiệp "khẩn thiết mong Chính phủ quan tâm” để bớt khổ
Tổ trưởng Tổ công tác cũng đề nghị Bộ Công Thương hết sức quan tâm trả lời các kiến nghị của doanh nghiệp. Ví dụ là kiến nghị của Công ty cổ phần Dịch vụ viễn thông TNT: “Chúng tôi khẩn thiết mong Chính phủ quan tâm đến các vấn đề này để doanh nghiệp bớt khổ. Hiện nay chúng tôi gặp rất nhiều vấn đề đối với thủ tục nhập khẩu thiết bị viễn thông.
Đối với các thiết bị phải xin giấy phép nhập khẩu thì khi thông quan yêu cầu phải có giấy phép, muốn có giấy phép phải có hợp quy, muốn hợp quy phải đưa thiết bị về đơn vị chuyên môn đo kiểm, do đó lại phải xin giấy phép tạm nhập để đo kiểm từ Bộ Công Thương nhanh thì mất 1 tuần, đưa thiết bị về đo kiểm mất 10 ngày, xin hợp quy mất 10 ngày nếu nhanh, xin giấy phép mất 10 ngày... Trong khi Hải quan yêu cầu tối đa 30 ngày phải nộp giấy phép.
Doanh nghiệp đều phải chạy “vắt chân lên cổ” và phải chạy vạy may ra mới kịp vì chỉ sai hay thiếu 1 giấy tờ gì là mất thêm vài ngày. Kính mong Chính phủ xem xét và đề nghị các cơ quan ban ngành phối hợp đưa ra phương án tối ưu giúp doanh nghiệp”.
Với kiến nghị này, Bộ Công Thương đã trả lời nhưng chưa thuyết phục được doanh nghiệp.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, trong năm 2016, có 110.000 doanh nghiệp thành lập nhưng số doanh nghiệp “nhập viện” cũng rất lớn. Con số thành lập doanh nghiệp không có nhiều ý nghĩa nếu số doanh nghiệp “đau ốm” nhiều. Đây là tâm tư, nguyện vọng, yêu cầu của Thủ tướng.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng nêu rõ,tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là không thể bỏ qua kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu, nhưng không vì lí do đó mà trói buộc, gây khó cho doanh nghiệp.
"Một năm tiêu tốn 30 triệu ngày công, tốn 14.300 tỉđồng. Hiện các danh mục kiểm tra rất lớn, nhưng tỷ lệ phát hiện sai phạm chỉ 0,06%, rất nhỏ so với số hàng hóa kiểm tra. Chúng ta không thể buông lỏng quản lý nhà nước nhưng phải xem xét thực tế để tháo gỡ khó khăn cho DN, năm nay Chính phủ đưa ra mục tiêu cắt giảm chi phí chính thức và không chính thức cho doanh nghiệp”, Bộ trưởng Dũng nói.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương tiếp tục xử lý các dự án yếu kém, thua lỗ. “Việc này không thể kéo dài mãi được. Dự án không khôi phục được, không bán được thì phải tuyên bố phá sản, gắn với trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan”, Tổ trưởng Tổ công tác nêu rõ.
Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương tập trung thoái vốn tại các doanh nghiệp Nhà nước. Trong việc này, Thủ tướng đã giao thẩm quyền cho Bộ trưởng, bán bao nhiêu phần trăm vốn Nhà nước là do Bộ trưởng quyết định, mục tiêu là thu lại cho Nhà nước cao nhất, không tiêu cực, không lợi ích nhóm…
"Nếu có vướng mắc thì Bộ Công Thương làm việc với các bộ, nhưng ngay cả khi không thống nhất được, quyết định cuối cùng thuộc về Bộ trưởng Công Thương, chứ không báo cáo Thủ tướng nữa", Bộ trưởng Dũng dẫn lời thủ tướng.