Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, tại điểm đầu của dự án (Km0+314, thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang) đã qua 6 tháng thi công vẫn không mấy thay đổi. Hiện các nhà thầu thi công dự án này như “ngồi trên lửa” bởi thiếu... cát.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng vẫn đau đáu chuyện thiếu cát

Tô Văn 20/12/2023 17:07

Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, tại điểm đầu của dự án (Km0+314, thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang) đã qua 6 tháng thi công vẫn không mấy thay đổi. Hiện các nhà thầu thi công dự án này như “ngồi trên lửa” bởi thiếu... cát.

Theo ghi nhận của phóng viên Một Thế Giới vào sáng 19.12, tại công trình gói thầu số 42, điểm đầu dự án thành phần 1 (Km0+314, thuộc địa phận thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang), do không có nguồn cung cấp cát, đá nên hầu hết máy móc nằm im, công nhân ngồi chờ vật liệu để thi công.

Trên công trường, công nhân chủ yếu tập trung làm những việc "vặt" cho qua ngày như đóng cừ tràm gia cố, ép cọc thử nhồi, đo đạc..., không khí trầm lắng. Đi sâu vào khu vực công trình, vẫn là ruộng lúa, cỏ mọc um tùm. Người dân vẫn lùa vịt qua lại. Trên con đường công vụ, thỉnh thoảng xuất hiện vài chiếc xe ben chở đất, cát để đắp đường.

2-dai.jpg
7-dai.jpg
Do không có cát, đá nên hầu hết máy móc nằm im, công nhân ngồi chờ vật liệu để thi công - Ảnh: Tô Văn

Thiếu tá Nguyễn Đình Du, Phó giám đốc Ban Điều hành Trường Sơn 11 (thuộc Tổng công ty Trường Sơn) - đơn vị thi công gói thầu này, cho biết gói thầu đoạn đường có tổng chiều dài 17km, 17 cây cầu và 39 cống. Đến thời điểm này, tiến độ bốc đất hữu cơ đạt 90%.

“Hiện tại trên công trường có 80 người với gần 40 thiết bị, máy móc để thực hiện dự án. Nhà thầu bố trí 8 điểm bơm cát và 4 điểm đường tiếp cận để khi có cát về tới công trường sẽ tiến hành bơm đắp nền ngay cho kịp tiến độ theo quy định”, thiếu tá Du nói.

4-dai4.jpg
Một cán bộ kỹ thuật đang làm việc tại công trình - Ảnh: Tô Văn
3-dai.jpg
Hiện trên công trường có 80 người với gần 40 thiết bị, máy móc để thực hiện dự án - Ảnh: Tô Văn

Trong khi đó, ông Lê Xuân Đại, Giám đốc Ban điều hành Trường Sơn 11 cho biết hiện gói thầu 42 của dự án cần khoảng 3 triệu mét khối cát, riêng năm 2023 công trình cần hơn 741.000m3, nhưng thiếu cát nghiêm trọng.

“Kể từ ngày khởi công (giữa tháng 6.2023) đến nay Trường Sơn 11 đã thi công được 6km đường công vụ. Về nguồn cát, Trường Sơn 11 đã bỏ tiền mua theo giá thương mại 110.000m3 cát, chưa đáp ứng được khối lượng cát cho đường công vụ, trong khi nhu cầu cát cho 13km đường công vụ là 194.000m3 cát.

Trường Sơn 11 được phân bổ cát thương mại từ 3 mỏ. Hiện 2 mỏ Thủ Tuyền và Tân Hồng đã ngừng cung cấp. Riêng mỏ Vạn Hương Tùng vẫn cung cấp nhưng chỉ đạt bình quân 485m3/ngày để đắp đường công vụ tiếp cận vào mặt bằng thi công cầu.

Cách đây ít ngày, Sở Tài nguyên - Môi trường An Giang thông báo tạm dừng hoạt động một số mỏ cát. Ngoài ra, chất lượng cát ở mấy mỏ có từ 15 - 43% bùn sét nên gây thiệt hại rất lớn cho công trình.

Tình hình rất căng thẳng, hiện nay Trường Sơn 11 đang tận dụng cát trên mặt bằng phục vụ lễ khởi công chở từng xe cho việc đắp đường vào từng mố cầu. Rất khó khăn, không còn cách nào hơn cả”, trung tá Đại nói.

6-dai.jpg
5-dai.jpg
8-dai.jpg
Công trường thi công đường cao tốc đang rất thiếu cát - Ảnh: Tô Văn

Cũng theo trung tá Đại, không riêng gì An Giang mà hiện nay ở các tỉnh miền Tây đều không còn nguồn cát thương mại phục vụ thi công đường cao tốc. Trường Sơn 11 vừa được UBND tỉnh An Giang giao 2 mỏ cát với trữ lượng khoảng 1,5 triệu mét khối. Các mỏ này cũng chỉ vừa được thông qua hội đồng đánh giá tác động môi trường và còn phải chờ những thủ tục tiếp theo mới có thể khai thác phục vụ thi công.

“Như các anh đã thấy, chúng tôi đã bóc xong lớp đất hữu cơ toàn bộ 13km. Sau 6 tháng chờ cát bây giờ cỏ lại tiếp tục mọc lên. Muốn thi công thì phải bóc lại; ống bơm cát đã lắp đặt giờ cũng đã tháo hết rồi.

Để đẩy nhanh tiến độ thi công, chúng tôi kiến nghị UBND tỉnh An Giang chỉ đạo Sở Tài nguyên - Môi trường đẩy nhanh tiến độ bàn giao mỏ cát theo cơ chế đặc thù của Quốc hội để tháng sau nhà thầu có cát thi công.

Theo nhu cầu thi công, trong năm 2023 công trình cần hơn 640.000m3, nhưng chỉ được cung cấp hơn 100.000m3. Nhu cầu năm 2024 là 2,1 triệu mét khối, như vậy gói thầu đang cần hơn 2,6 triệu mét khối cát trong năm 2024. Mỗi ngày phải có ít nhất 7.400m3 cát về công trình.

Những tháng tới nếu vướng mắc về nguồn cát, đá chưa được tháo gỡ thì nhiều phương tiện, thiết bị sẽ phải nằm phơi sương phơi nắng, hàng chục lao động ngồi chờ việc, gây lãng phí nguồn lực và dự án có nguy cơ chậm tiến độ. Vì thế Chính phủ, địa phương và các bộ ngành cần có giải pháp gỡ khó kịp thời”, trung tá Đại kiến nghị.

9-dai.jpg
Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đã qua 6 tháng thi công, tại điểm đầu của dự án (Km0+314, thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang) vẫn không mấy thay đổi - Ảnh: Tô Văn

Theo tìm hiểu, dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có tổng mức đầu tư 44.691 tỉ đồng đã được khởi công ngày 17.6 năm nay. Toàn tuyến có 4 dự án thành phần, qua 4 địa phương gồm An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng.

Riêng dự án thành phần 1 qua địa bàn tỉnh An Giang được Chính phủ giao tỉnh làm chủ đầu tư dài 57km, với tổng mức đầu tư 13.526 tỉ đồng, được chia làm 4 gói thầu xây lắp. Các nhà thầu đã triển khai đào đắp nền đường, thi công móng cọc cầu cống, nhưng đang gặp nhiều khó khăn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
4 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng vẫn đau đáu chuyện thiếu cát