Trên thực tế, chính sách kinh tế của ông Trump dù đao to búa lớn nhưng dường như lại đang hướng tới một lộ trình là né tránh cạnh tranh với Trung Quốc, nhất là đối với các lĩnh vực công nghệ cao mũi nhọn của Mỹ mà Trung Quốc đang thèm khát.

Cạnh tranh kinh tế Mỹ - Trung: Donald Trump đang sai lầm?

Nhàn Đàm | 15/03/2017, 15:06

Trên thực tế, chính sách kinh tế của ông Trump dù đao to búa lớn nhưng dường như lại đang hướng tới một lộ trình là né tránh cạnh tranh với Trung Quốc, nhất là đối với các lĩnh vực công nghệ cao mũi nhọn của Mỹ mà Trung Quốc đang thèm khát.

Một trong những vấn đề quan trọng nhất được nêu ra trong giai đoạn cuối nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Barack Obama đối với nền kinh tế Mỹ, đó là lời cảnh báo của hội đồng tư vấn quốc gia, trong đó nhấn mạnh việc Trung Quốc đang cố gắng vượt qua Mỹ để chiếm lĩnh và kiểm soát các ngành công nghiệp bán dẫn và công nghệ cao trên toàn cầu. Lời khuyên mà hội đồng này đưa ra cho người đứng đầu Nhà Trắnglà: “Muốn chiến thắng, nước Mỹ phải tăng tốc phát triển càng nhanh càng tốt”. Việc chưa thể đưa ra một chiến lược hỗ trợ phát triển tổng thể với các ngành công nghệ cao mũi nhọn của Mỹ là một trong những thiếu sót lớn nhất trong hai nhiệm kỳ của ôngObama. Và dường như nó đang tiếp tục lặp lại với người kế nhiệm.

Một dấu hiệu khá rõ rệt ở thời điểm hiện tại, đó là việc chính quyền mới của Tổng thống Donald Trump đang bỏ ngoài tai lời khuyên về sự cần thiết đưa ra một chương trình hỗ trợ đối với các ngành công nghệ cao của Mỹ nói chung và thung lũng Silicon nói riêng. Trên thực tế, chính sách kinh tế của ông Trump dù đao to búa lớn nhưng dường như lại đang hướng tới một lộ trình là không cạnh tranh với Trung Quốc. Tất cả những gì ông Trump quan tâm dường như chỉ là làm cách nào để lôi kéo việc làm quay trở lại Mỹ nhiều nhất có thể, và bỏ quên những dự báo về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 chuẩn bị diễn ra trên phạm vi toàn cầu.

Có vẻ như chính phủ mới của Tổng thống Donald Trump không thực sự nhận thức được mối đe dọa thực sự mà Trung Quốc sắp gây ra với nền kinh tế Mỹ. Chính phủ Trung Quốc đang điều chỉnh những nguồn lực khổng lồ của mình vào việc phát triển các ngành công nghệ cao, từ robot cho đến các thiết bị y tế thông minh. Chỉ riêng trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn, Trung Quốc đã chi khoảng 150 tỉ USD trong vài năm trở lại đây để phát triển ngành công nghiệp nội địa này với hy vọng bắt kịp và vượt qua Mỹ.

Trong báo cáo tháng 3.2017, phòng Thương mại Liên minh châu Âu (EU) tại Trung Quốc đã nhấn mạnh rằng, chính phủ Trung Quốc đang sử dụng một loạt các biện pháp cần thiết để theo đuổi mục tiêu này, từ những khoản trợ cấp tài chính lớn cho tới việc ép buộc các công ty công nghệ nước ngoài rời khỏi thị trường nước này.

Biện pháp duy nhất để đối phó với thách thức mới này của Trung Quốc, đó là Mỹ phải tiến nhanh hơn nữa. Tuy nhiên, các ý tưởng chủ yếu của ông Trump nhằm tăng tính cạnh tranh cho các doanh nghiệp Mỹ dường như chưa đủ sức nặng, chủ yếu chỉ tập trung vào cắt giảm thuế và giảm các quy định cản trở doanh nghiệp. Đúng là giảm thuế và các quy định phiền hà sẽ giúp các công ty Mỹ có nhiều điều kiện về tài chính hơn để chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, nhưng như thế vẫn là chưa đủ. Chính phủ Mỹ cần phải làm nhiều hơn nữa để đạt được những đột phá lớn và quan trọng hơn khi sức ép của Trung Quốc đang trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Điều đáng buồn là dường như Tổng thống Donald Trump lại đang đi ngược lại với yêu cầu bức thiết đó. Một trong những lý do hàng đầu giúp tạo nên ưu thế vượt trội về sáng tạo của các công ty Mỹ là sự thu hút các nhân tài từ khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên, các quyết định gần đây về hạn chế nhập cư của ông Trump lại đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến điều này. Nếu như ý định của ông Trump trong vấn đề này là nhằm giữ lại việc làm cho người dân Mỹ, thì điều đó dường như là không cần thiết khi tỷ lệ thất nghiệp của người dân Mỹ có bằng cử nhân hoặc cao hơn (vốn là đối tượng cạnh tranh mà quy định chẳng hạn như thị thực H-1B quy định) chỉ là khoảng 2,5% mà thôi.

Chính sách này của ông Trump không chỉ đe dọa đến khả năng cạnh tranh của thung lũng Silicon mà còn cả với các ngành công nghiệp mũi nhọn then chốt của Mỹ. Michael McGarry, CEO của tập đoàn PPG Industries, tuyên bố về những vấn đề có thể gặp phải do quy định thị thực của ông Trump gây ra: “Chúng tôi tạo ra nhiều đổi mới trước hết là do sự đa dạng, những người có bằng tiến sĩ được đào tạo tại Mỹ thì chẳng có lý do gì lại không nên ở lại Mỹ làm việc cả”.

Một trong những cảnh báo từ các chuyên gia cho ôngTrump, là việc Trung Quốc có thể tận dụng sai lầm này. Robin Li, CEO của gã khổng lồ Internet Trung Quốc Baidu, gần đây đã lên tiếng ủng hộ chính phủ nước này giảm bớt các yêu cầu về thị thực để thu hút nhân tài giúp phát triển các ngành công nghệ mới cho Trung Quốc, ngược lại với cách tiếp cận vấn đề của ông Trump.

Điều tương tự cũng diễn ra với các lĩnh vực quan trọng khác có ảnh hưởng tới nền kinh tế và các ngành công nghệ cao. Theo đó, Donald Trump dự định sẽ nâng chi tiêu quốc phòng bằng cách cắt giảm ngân sách cho các lĩnh vực khác điển hình là giáo dục, theo ước tính vào khoảng 20 tỉ USD. Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc đào tạo nguồn nhân lực cần thiết cho cuộc cạnh tranh về công nghệ với Trung Quốc trong tương lai.

Trong khi đó, Trung Quốc đang làm ngược lại. Nền kinh tế số hai thế giới đang mở rộng khả năng tiếp cận giáo dục trình độ cao cho ngày càng nhiều thành phần và tầng lớp trong xã hội của mình hơn. Trong bản báo cáo trước Quốc hội Trung Quốc vào tháng 3, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã đưa ra kết quả thống kê, theo đó số lượng thanh niên từ các vùng nông thôn nghèo vào học tại các trường đại học lớn ở nước này đã tăng tới 21% trong năm 2016 và sẽ có khoảng 8 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học trong năm nay, một mức cao kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây.

Mặc dù ở thời điểm hiện tại, Mỹ vẫn đang giữ vững vị thế số một tại khá nhiều ngành công nghiệp quan trọng, nhưng mọi thứ đang dần thay đổi. Chủ tịch Hội đồng thương mại quốc gia Peter Navarro, trong một bài phát biểu gần đây đã than thở về sự suy yếu đáng báo động của các ngành công nghiệp thép, nhôm và đóng tàu của Mỹ. Tuy nhiên, Navarro đã không nhắc gì đến việc cần thiết phải có những chương trình hỗ trợ các ngành công nghiệp mũi nhọn khác trước sự đe dọa bị suy yếu tương tự. Nếu vị trí dẫn dầu trong các ngành công nghiệp mũi nhọn rơi vào tay Trung Quốc, Mỹ cũng sẽ mất đi nền tảng quyền lực toàn cầu, đó là điều chắc chắn sẽ xảy ra.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)
Bài liên quan
Đổi mới sáng tạo là chìa khóa để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong ngành thủy sản
Ngày 22.11, tại Cần Thơ, Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức GIZ phối hợp với Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) tổ chức hội thảo khởi động dự án “Cải thiện hệ thống tuần hoàn nước phục vụ nuôi trồng thủy sản bền vững và Tham vấn các giải pháp đổi mới sáng tạo ngành tôm Việt Nam nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn” (viết tắt là Dự án).

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
6 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cạnh tranh kinh tế Mỹ - Trung: Donald Trump đang sai lầm?