Đội ngũ nhà khoa học Trường Y tế công Berkeley thuộc đại học California cảnh báo các biến thể vi rút SARS-CoV-2 đang lưu hành tại châu Âu và Mỹ có thể gây nên tình trạng “nhiễm trùng liên hoàn” ở một số người, khiến hệ miễn dịch phản ứng thái quá hoặc thậm chí gây tử vong.
Nhiều nghiên cứu trước đó phát hiện SARS-CoV-2 đột biến thành một chủng gọi là D614G, sở hữu gai protein bền hơn giúp chúng dễ lây lan hơn.
D614G rất hiếm tại Trung Quốc – chỉ chiếm 2% tổng số mẫu bệnh phẩm, nhưng đến đầu tháng 7 thì hơn 70% số mẫu thu thập trên phạm vi toàn cầu là biến thể này.
D614G nay lại phát triển thành hai nhóm chính, một nhóm với một đột biến (C14408T) chiếm ưu thế ở Tây Âu và nhóm còn lại với hai đột biến (C14408T, G2556T) phổ biến ở Mỹ.
Nhóm nhà khoa học Trường Y tế công Berkeley ban đầu hoài nghi các biến thể đem lại mối đe dọa khác nhau, nhưng dữ liệu thu thập không đủ sức chứng minh cho lý thuyết này. Tiếp theo họ xem xét trường hợp một khu vực bị tấn công bởi hai biến thể chiếm ưu thế ở châu Âu với Mỹ, và phát hiện tỷ lệ tử vong lên đến đỉnh điểm chỉ sau vài tuần (yếu tố khác đã được kiểm soát).
Theo nhóm nhà khoa học, đây là phát hiện đáng lo ngại cho thấy người dân sống trong khu vực tồn tại hai biến thể vi rút phải đối mặt nguy cơ “nhiễm trùng liên hoàn”. Ví dụ: Đức có tỷ lệ tử vong thấp kinh ngạc lúc đại dịch COVID-19 ở giai đoạn đầu, nhưng khi chủng vi rút Mỹ xuất hiện vào tháng 3 rồi lây lan nhanh chóng (chiếm 50% số ca nhiễm) thì 3 - 4 tuần sau đó tỷ lệ tử vong của cường quốc châu Âu đạt đỉnh.
Chủng vi rút Mỹ khi chiếm tỷ lệ thấp vẫn làm số người chết vì COVID-19 tăng đột biến. Chẳng hạn ở Anh biến thể này chiếm 6,4%, tuy vậy vẫn đẩy tỷ lệ tử vong lên 14%.
Tại Mỹ, thành phố San Francisco thuộc bang California với chỉ một biến thể có tỷ lệ tử vong 1,6%. Hạt Santa Clara cùng bang lưu hành hai biến thể có tỷ lệ tử vong cao gấp 3 lần.
Điều tương tự có thể lặp lại tại bất cứ nơi nào khác trên thế giới. Dữ liệu về tình hình dịch tại châu Phi, Nam Mỹ chưa đủ để xem xét.
Cẩm Bình (theo SCMP)