Nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Hoạt động Thể chất vì Sức khỏe của Đại học Edinburgh ở Scotland cho thấy những người đàn ông tuổi từ 45 đến 54 mỗi ngày làm việc ngồi trung bình 7,8 tiếng, so với 7,4 tiếng của những ông lão trên 75 tuổi.
Trong khi đó, phụ nữ ở mọi lứa tuổi đều có thời gian ngồi trong ngày ít hơn so với những cụ bà trên 75 tuổi, những người thường ngồi khoảng 7,4 tiếng mỗi ngày.
Ở nam giới, chỉ có nhóm trẻ nhất trong nghiên cứu – có độ tuổi từ 16 đến 24 – mới ít "dính"vào ghế so với những người hưu trí trên 75 tuổi, khi thời gian ngồi trung bình là 6,6 tiếng vào ngày làm việc trong tuần.
Đến cuối tuần, số liệu lại đảo ngược đối với cả nam và nữ. Những người ở độ tuổi từ 25 đến 54 ít chịu ngồi yên nhất, khi chỉ ngồi từ 5,2 đến 5,7 tiếng/ngày, trong khi những người trên 75 tuổi trở thành những người “tĩnh tại” nhất, với từ 7,3 đến 7,4 tiếng/ngày.
Với nhóm trẻ nhất, phần lớn thời gian ngồi được dành để “đóng đô” trước tivi hay màn hình máy tính. Nam giới càng lớn tuổi càng giảm thời gian ngồi trước máy tính, trong khi phụ nữ trung niên lại là những người dành thời gian cho máy tính nhiều nhất.
Công việc bàn giấy là nguyên nhân chủ yếu của việc thiếu vận động. Theo các chuyên gia, thời gian ngồi lâu một chỗ kéo dài - hơn 7 tiếng/ngày - sẽ gây ra nhiều tác hại cho sức khỏe, từ làm tăng nguy cơ tử vong sớm đến mắc bệnh tim mạch, bệnh tiểu đường tuýp 2 và một số bệnh ung thư, cho dù chúng tacó tham gia những hoạt động thể chất trong những thời gian khác trong ngày.
Tessa Strain, chủ nhiệm công trình nghiên cứu trên 14.000 người ở Scotland và vừa được công bố trên Tạp chí Khoa học Thể thao, nói: “Rất nhiều người đang ngồi nhiều quá mức mà lại đánh giá thấp những tác hại của việc thiếu vận động. Chúng ta cần phải thay đổi hành vi ngồi lâu một chỗ ngay từ khi còn trẻ và cả khi đã bước vào tuổi trung niên, khi mà thói quen vẫn có thể hình thành. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy môi trường làm việc là nơi thích hợp để bắt đầu thay đổi thói quen ngồi lâu một chỗ”.
TRẦN NGỌC