Do sự căng thẳng biên giới với Trung Quốc, chính phủ Ấn Độ đã suy tính đến việc phải giảm sự phụ thuộc vào các sản phẩm dược phẩm của Trung Quốc.
Bộ Y tế Ấn Độ cùng các nhà sản xuất dược nước này đang có một kế hoạch nhằm thực hiện hàng loạt biện pháp nhằm thắt chặt, kiểm tra nguồn dược liệu tới từ Trung Quốc. Song song đó, Ấn Độ cũng đưa ra các chính sách nhằm đảm bảo nguồn cung dược chất thay thế, có chất lượng tốt cho thị trường.
Hiện Ấn Độ đang phụ thuộc quá nhiềuvào Trung Quốc trong ngành y tế. Cụ thể, 70 - 80% các loại thuốc, thiết bị y tế và cả thành phần hoạt chất dược phẩm (Active Pharmaceutical Ingredient - API) trên thị trường Ấn Độ có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Điều này dẫn đến nguy cơ rất cao là Ấn Độ sẽ bị thiếu một lượng dược phẩm lớn, nếu căng thẳng biên giới với Trung Quốc tăng cao hơn hoặc hai nước nổ ra chiến tranh. Kết quả là Ấn Độ cần phải có một kế hoạch "thoát Trung" trong y tế.
Thực tế, hồi năm 2014, Cố vấn An ninh Quốc gia Ấn Độ Ajit Doval đã cảnh báo chính phủ nước này về sự phụ thuộc quá mức của New Delhi với thuốc và API từ Trung Quốc. Sau cảnh báo của ông Doval, chính phủ Ấn Độ đã thành lập một ủy ban chuyên gia để xây dựng một chính sách cụ thể nhằm thúc đẩy ngành sản xuất API tại Ấn Độ.
Ngoài chính sách thúc đẩy sản xuất trong nước, chính phủ Ấn Độ cũng xây dựng khung pháp luật để tăng cường kiểm tra các nhà máy sản xuất thuốc, tăng các thủ tục thanh, kiểm tra nguồn dược phẩm và giám sát sâu hơn về chuỗi cung ứng.
"Chúng tôi không muốn chấm dứt thương mại giữa hai nước. Ý tưởng là điều chỉnh hoạt động của các nhà sản xuất thuốc ngoại nhỏ, những người vốn không cung cấp sản phẩm tốt nhưng lại có lợi thế về giá, điều này làm ảnh hưởng mạnh đến lợi ích của bệnh nhân Ấn Độ. Chúng tôi cũng muốn tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các công ty Ấn Độ và đảm bảo có thuốc chất lượng tốt cho các bệnh nhân", Tiến sĩ GN Singh, Tổng cục Trưởng Tổng cục Quản lý Thuốc của Ấn Độ nói.
Từ tháng 11 tới, chính quyền Ấn Độ sẽ thắt chặt quản lý thuốc, ông Singh cho biết thêm. Chính phủ Ấn Độ cũng dự định thay đổi Luật thuốc theo hướng tăng lệ phí đăng ký và lệ phí cấp phép các loại thuốc mới.
Theo các công ty dược Ấn Độ, họ gặp khó khăn nhiều hơn khi bán sản phẩm của mình tự chế tạo so với các nhà sản xuất nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc, và việc áp đặt các tiêu chuẩn khắt khe hơn với những nhà sản xuất Trung Quốc chỉ có ý nghĩa khi chính phủ Ấn Độ có lộ trình giúp ngành dược trong nước phát triển.
"Các biện pháp này rất quan trọng để mang lại sự cân bằng giữa các cấu trúc chi phí, nhưng nó cũng có tác động đến giá và sự cạnh tranh", ông D G Shah, Tổng thư ký Liên minh Dược phẩm Ấn Độ nói.
Hiện giá bán API của Trung Quốc luôn thấp hơn từ 15 - 20% so với sản phẩm cùng chủng loại được sản xuất tại Ấn Độ, khiến cho các công ty dược lựa chọn mua sản phẩm Trung Quốc thay vì hàng tự sản xuất trong nước.
Thiên Hà (theo Economic Times)