Trước tình hình căng thẳng ở Biển Đỏ, xung đột ở Trung Đông, ngành thủy sản Việt Nam có thể "bẻ lái" sang những thị trường ổn định và bền vững hơn.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Căng thẳng Biển Đỏ, chuyển chuỗi cung ứng thủy sản Việt năm 2024

Tuyết Nhung 29/01/2024 10:57

Trước tình hình căng thẳng ở Biển Đỏ, xung đột ở Trung Đông, ngành thủy sản Việt Nam có thể "bẻ lái" sang những thị trường ổn định và bền vững hơn.

Tín hiệu phục hồi

Năm 2023 đã trôi qua với kết quả xuất khẩu thủy sản đạt 9 tỉ USD, thấp hơn 18% so với năm 2022. Năm 2024, vẫn còn những khó khăn thách thức từ năm trước và thêm thách thức mới là xung đột ở Trung Đông, nhưng với sự nỗ lực, nhạy bén và khả năng thích ứng của doanh nghiệp thủy sản, cùng với những tín hiệu hồi phục thị trường, dự báo xuất khẩu thủy sản sẽ đạt 9,5 tỉ USD, tăng 6% so với năm 2023.

anh-dai-dien.png
Tàu thương mại - Ảnh minh họa: Shutterstock

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) ngày 29.1 đưa ra dự báo xuất khẩu thủy sản năm 2024 dựa trên tín hiệu phục hồi tích cực từ quý 4/2023. Theo VASEP, năm 2023 lạm phát cao, nhu cầu giảm, tồn kho lớn, giá xuất khẩu giảm và những khó khăn, bất cập trong sản xuất kinh doanh trong nước như chi phí đầu vào cho cả chuỗi cung ứng đều tăng, thẻ vàng IUU ảnh hưởng đến xuất khẩu hải sản sang EU... Trong bối cảnh khó khăn chung của thế giới thì mức sụt giảm 18% so với mức đỉnh gần 11 tỉ USD của năm 2022 cũng không phải là quá bi quan.

"Bởi vì, chúng ta đã nhìn thấy những tín hiệu hồi phục xuất khẩu vào những tháng cuối năm khi đơn hàng từ các thị trường bắt đầu khởi sắc. Năm 2023, xuất khẩu thủy sản dường như quay trở lại với quỹ đạo thông thường là tăng dần từ quý 2, đạt cao nhất vào quý 3 là giai đoạn các đơn hàng tăng để phục vụ nhu cầu cuối năm, và quý 4 thường thấp hơn quý 3. Điều đó cho thấy tín hiệu thị trường và tình hình kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp thủy sản đang dần trở lại bình thường", đại diện VASEP cho hay.

Năm 2023, xuất khẩu những mặt hàng chính là tôm, cá tra, cá ngừ đều giảm 16-25%. Xuất khẩu các loài cá khác (chủ yếu là cá biển: cá thu, cá hồi, cá nục, cá cơm, cá minh thái...) giảm nhẹ 7%, cua ghẹ cũng giảm 4%. Xuất khẩu mực, bạch tuộc giảm 20% và nhuyễn thể có vỏ (nghêu, sò, ốc...) giảm 14%. Nguyên nhân lớn nhất kéo kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm qua tụt xuống đó là giá nhập khẩu tại các thị trường đều giảm sâu.

Ví dụ, giá xuất khẩu trung bình cá tra và tôm chân trắng xuất khẩu sang Mỹ tới cuối năm 2023 giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuối năm 2020, trong đó giá tôm giảm 31% từ mức đỉnh 14,7 USD/kg tháng 8.2022 xuống còn 9,7 USD/kg vào tháng 12.2023; giá xuất khẩu cá tra giảm sâu hơn (-47%) từ mức đỉnh 5,26 USD xuống 2,8 USD/kg.

Căng thẳng Biển Đỏ - thách thức mới năm 2024

Xu hướng tăng đơn hàng và những biến động địa chính trị, các lệnh trừng phạt thương mại của Mỹ, EU với Nga, của Trung Quốc với Nhật Bản... theo VASEP là sẽ gây ra thiếu hụt cục bộ về nguồn cung thủy sản ở những thị trường lớn này. Do vậy, lượng hàng tồn kho sẽ giảm mạnh và dự đoán sẽ cạn kiệt trong nửa đầu năm.

Từ đó có thể suy luận xu hướng giá thấp của năm trước sẽ chấm dứt trong năm nay. Dự báo giá các loài thủy sản sẽ tăng trở lại từ quý 2/2024 và có thể tăng mạnh hơn trong nửa cuối năm.

Tuy nhiên, điều doanh nghiệp lo ngại nhất là xung đột ở Trung Đông có nguy cơ lại làm xáo trộn thương mại toàn cầu, trong đó có thủy sản. Bất ổn ở Biển Đỏ đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho chuỗi cung ứng toàn cầu. Các hãng tàu định tuyến lại tuyến đường của họ. Do đó, hành trình vận chuyển giữa châu Á, châu Âu và Bờ Đông Bắc Mỹ trở nên dài hơn; Giá cước vận tải tăng mạnh và bảo hiểm hàng hóa tăng. Mới đây lại có tin tuyến vận chuyển qua kênh đào Panama cũng bị ảnh hưởng vì mực nước thấp, khiến lưu lượng vận tải container qua đây bị giảm.

"Như vậy, thách thức mới và lớn của thương mại thủy sản toàn cầu năm nay là vận tải biển qua cả kênh đào Suez và Panama đều gặp khó. Hệ lụy có thể là hàng hóa bị ứ đọng, thiếu tàu container và container rỗng. Việc này sẽ chi phối chuỗi cung ứng và có nguy cơ làm cho tình trạng lạm phát toàn cầu nghiêm trọng hơn", đại diện VASEP nhận định.

VASEP cho rằng trong bối cảnh hiện nay thì các doanh nghiệp thủy sản cần biến những thách thức thành những cơ hội. Trước đó, sự nỗ lực và linh hoạt của doanh nghiệp đã đưa ngành thủy sản vượt qua giai đoạn COVID-19 với những thách thức tương tự về logistic làm đứt gãy chuỗi cung ứng.

Vì vậy, có thể sẽ có những cú "bẻ lái" về thị trường xuất khẩu và sản phẩm xuất khẩu sẽ giúp doanh nghiệp biến thách thức thành cơ hội. Ví dụ, Trung Quốc có thể sẽ thu hút nhiều doanh nghiệp hơn trong năm nay, vì vị trí địa lý gần, chi phí vận chuyển thấp, dễ kiểm soát hơn. Quan trọng hơn là Trung Quốc chắc chắn bị giảm nguồn cung từ Ecuador do cả vấn đề an ninh bất ổn tại đất nước Nam Mỹ này và do cả vấn đề vận tải biển khó khăn, chi phí tăng... Do vậy, Trung Quốc sẽ phải bù đắp nguồn cung từ Việt Nam và các nước châu Á khác.

Hoặc một ví dụ khác về xu hướng sản phẩm xuất khẩu. Với những đặc thù dễ bảo quản, thời hạn lâu, giá hợp lý, thủy sản đóng hộp, đóng túi và hàng khô sẽ có nhiều nhu cầu hơn trong năm nay trong bối cảnh của chiến tranh, xung đột và lạm phát.

Bài liên quan
Vì sao Việt Nam khó gỡ 'thẻ vàng' thủy sản?
Việt Nam đang nỗ lực gỡ "thẻ vàng" thủy sản, song gặp nhiều khó khăn và vẫn có nguy cơ nhận "thẻ đỏ".

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Căng thẳng Biển Đỏ, chuyển chuỗi cung ứng thủy sản Việt năm 2024