Xoay quanh câu chuyện tác động của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tới Việt Nam, ông Trần Toàn Thắng - Trưởng ban Kinh tế thế giới của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia (NCIF, thuộc Bộ KH-ĐT) cho rằng để có thể tận dụng tốt cơ hội cũng như ứng phó hiệu quả với những thách thức đặt ra, cần xây dựng một kế hoạch hành động bài bản.
Ông đánh giá như thế nào về cơ hội thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường mới trong CPTPP?
- CPTPP giúp Việt Nam gia tăng xuất khẩusong chủ yếu vẫn là ở những thị trường truyền thống, còn tại các thị trường mở rộng như Mexico, Canada và Peru không nhiều. Điều này trước tiên xuất phát trước tiên từ sự tương đồng trong sản xuất giữa Việt Nam và các thị trường. Các nước này cũng chủ yếu sản xuất, xuất khẩu hàng tiêu dùng. Việt Nam và các nước đó nằm ở thế cạnh tranh nhiều hơn là hợp tác.
Hàng hóa Việt muốn thúc đẩy xuất khẩu chỉ khi hàng có chất lượng tương đồng nhưng giá rẻ hơn. Muốn vậy, chi phí sản xuất phải giảm xuống. Hiện nay, mức lương tại các nước nêu trên cao hơn Việt Nam. Tuy nhiên, mức độ tăng lương của Việt Nam cũng khá cao. Đây chính là lý do khiến lợi thế về chi phí sản xuất của Việt Nam giảm đi. Để có thể khai thác tốt các thị trường này, DN Việt cần chú trọng tìm kiếm thị trường ngách.
Ông có thể phân tích rõ hơn tác động của CPTPP đối với các ngành hàng của Việt Nam?
- Với CPTPP, hầu hết các ngành công nghiệp nhẹ và thâm dụng lao động vẫn được hưởng lợi. Hiệp định có thể tạo thêm mức tăng trưởng cho nhóm ngành này từ 4-5%và mức tăng xuất khẩu có thể đạt thêm từ 8,7-9,6%. Kết quả tính toán của cho thấy, trong CPTPP, ngành dệt may vẫn tăng thêm được quy mô sản xuất và giá trị xuất khẩu. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tăng thêm là từ 8,3-10,8%. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao của ngành này do hàng dệt may, da giày có sức cạnh tranh về giá lớn hơn ở các thị trường mới trong CPTPP, trong khi vẫn giữ được thị trường chủ lực là Mỹ và EU.
Ngược lại, mức ảnh hưởng của CPTPP tới các ngành công nghiệp nặng khá mờ nhạt (0,8-1,2%). Lý do chủ yếu làViệt Nam không có lợi thế cạnh tranh ở nhóm hàng công nghiệp và các đối tác trong CPTPP cũng không phải là các đối tác có thể thúc đẩy công nghiệp nặng của Việt Nam phát triển.
Bên cạnh đó, do tác động của CPTPP, tốc độ tăng trưởng sản lượng của một số ngành có thể giảm, bao gồm chăn nuôi, chế biến thực phẩmvà dịch vụ bảo hiểm. Ngành chăn nuôi là ngành bị ảnh hưởng nhiều từ CPTPP do sức cạnh tranhrất yếu. Trong nông nghiệp, thuế quan hiện hành của các nước với sản phẩm chăn nuôi không cao. Vì thế, việc hạ thấp thuế quan trong TPP hay CPTPP không tạo ra nhiều tác động xuất khẩu.
Với ngành chế biến thực phẩm, do có lộ trình cắt giảm thuế quan khá chậm so với các nhóm ngành khác (thuế về 0% sau 15 năm) nên tác động cũng không thật sự lớn nếu tính bình quân/năm cũng như ở giai đoạn đầu của CPTPP.
Ở ngành dịch vụ, sử dụng nguyên trạng các cam kết của ngành dịch vụ từ TPP sang CPTPP cho thấy, tác động của Hiệp định CPTPP tới các ngành dịch vụ tài chính là không lớn. Cụ thể, CPTPP tạo thêm 0,01-0,03% tăng trưởng, đồng thời cũng làm tăng NK các dịch vụ này ở mức khá cao (2,4-3,6%), trong khi XK sẽ bị giảm đi ở mức 2,8-3,2%.
Thời gian vừa qua, Chính phủ cũng đã có nhiều động thái nhằm thúc đẩy cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh… nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, tận dụng tốt nhất cơ hội từ các FTA, trong đó có CPTPP. Theo ông, sự chuẩn bị này đã đủ đầy?
- Đến giai đoạn hiện tại, Chính phủ đã làm khá tốt ở chỗ tạo được kỳ vọng cho doanh nghiệp rằng mọi thứ đang đổi mới. Chính phủ kiến tạo, kinh tế tăng trưởng tốt, thu hút FDI đạt kết quả cao…tất cả tạo ra sự tin tưởng cho giới kinh doanh.
Tuy nhiên, mọi vấn đề dường như vẫn đang được giải quyết trên góc độ vụ việc cụ thể chứ chưa hình thành các nguyên tắc. Ví dụ, ở đầu tư các dự án BOT, cách xử lý vẫn là theo từng vụ việc một, chưa hình thành nguyên tắc đầu tư BOT phải như thế nào. Người trong cuộc sẽ đòi hỏi phải tạo ra các nguyên tắc nhằm đảm bảo sự ổn định và bền vững. Đây là điều đang thiếu.
Đâu là các giải pháp cơ bản để Việt Nam có thể tận dụng tốt nhất những cơ hội, đồng thời hạn chế tối đa các thách thức khi tham gia CPTPP?
- Một số nghiên cứu gần đây cho thấykhi có quá nhiều các FTA đan xen giữa các quốc gia có thể làm giảm lợi ích thu được từ một FTA. Mặt khác, tỷ lệ sử dụng mức thuế ưu đãi thông qua FTA tại các quốc gia châu Á là khá thấp (trung bình 4 doanh nghiệp mới có 1 doanh nghiệp sử dụng được, ở Việt Nam là khoảng 37%). Điều này do quy mô doanh nghiệp nhỏ, cũng như thông tin giúp doanh nghiệp tiếp cận FTA chưa được thực hiện tốt. Việt Nam cần có một chiến lược tốt khắc phục điều này thìCPTPP mới thực sự phát huy tác dụng.
Hiện nay, chiến lược hội nhập của Việt Nam đã cósong vẫn chưa nhìn thấy một chiến lược về các FTA. Thông thườngvới các FTA, Việt Nam được mời thì mới tham gia chứ chưa có tính chủ động để tính toán xem năm nay tham gia FTA nào, đàm phán ra sao…
VớiCPTPP hay FTA cũng đều cần phải xây dựng một kế hoạch hành động bài bản dựa trên lộ trình cắt giảm thuế quan. Trong kế hoạch đó, cần có lộ trình cải thiện các vấn đề theo từng nhóm, ngành cụ thể. Bởi vìChính phủ nhìn ở góc độ chung, song doanh nghiệp chỉ nhìn ở nhóm ngành hàng. Ngoài ra, kế hoạch đó cũng phải đi sâu làm rõ vấn đề từng ngành phải hành động như thế nào.
Trên cơ sở kế hoạch chung, bản thân các doanh nghiệp tự vạch kế hoạch cho chính mình. Đứng từ góc độ của mình, các doanh nghiệpcũng cần tự đổi thay, nâng cao ý thức để đầu tư trong dài hạn, dần nâng cao năng lực cạnh tranh.
TheoThanh Nguyễn/HQ Online