Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Võ Tuấn Nhân, Việt Nam có nhiều tiến bộ trong việc quản lý nguồn nước nhưng chưa được thực hiện một cách đồng bộ.

Cần thực thi đồng bộ nhiều biện pháp mạnh để giảm ô nhiễm nguồn nước

Một Thế Giới | 24/03/2016, 12:39

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Võ Tuấn Nhân, Việt Nam có nhiều tiến bộ trong việc quản lý nguồn nước nhưng chưa được thực hiện một cách đồng bộ.

Trong buổi hội thảo về dự án “Tăng cường năng lực quản lý môi trường nước lưu vực sông” do Nhật Bản và Việt Nam phối hợp tổ chức, ông Võ Tuấn Nhân- Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường đã có cuộc trao đổi chia sẻ với báo giới về vấn đề cấp bách này.

-Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về tình hình nguồn nước ở lưu vực sông của chúng ta hiện nay?

-Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân: Nước đóng một vai trò hết sức quan trọng đối với đời sống của con người; trong giai đoạn hiện nay, tất cả các quốc gia đều quan tâm đến việc sử dụng nước. Ở Việt Nam đã có luật về tài nguyên nước và trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta cũng rất quan tâm đến vấn đề này.

Tuy nhiên, những năm gần đây, nguồn nước đang có xu hướng bị ô nhiễm, đặc biệt cùng với sự biến đổi khí hậu, sự đột biến trong thiên tai; do đó vấn đề ô nhiễm nước là vấn đề cực kỳ quan trọng.

-Dự án hợp tác như thế này có tác động và ảnh hưởng như thế nào đối với việc chúng ta cải thiện nguồn nước trong tương lai, thưa ông?

-Dự án có sự hợp tác từ phía Nhật Bản và Việt Nam với mục tiêu nâng cao năng lực quản lý đối với việc bảo vệ môi trường nước. Tôi cho rằng đây là một trong những giải pháp quan trọng nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước ở các lưu vực sông như sông Cầu, sông Nhuệ, sông Đáy, sông Đồng Nai.

Dự án này sẽ giúp cho cấp T.Ư xây dựng các thông tư để quản lý tốt hơn nguồn nước ở các lưu vực sông, giúp cho chính quyền địa phương và Sở Tài nguyên - Môi trường của các tỉnh trên lưu vực sông này tham gia vào dự án. Chúng ta sẽ tiếp nhận những kinh nghiệm cùng nguồn lực về kinh tế, tài chính từ phía Nhật Bản để phục vụ cho việc quản lý và khắc phục độ ô nhiễm trên các lưu vực sông.

-Trong những năm qua, Việt Nam đã đưa ra nhiều giải pháp để cải thiện nguồn nước ô nhiễm ở các lưu vực sông nhưng hiện nay nguồn nước đó vẫn chưa được cải thiện. Vậy theo ông, nguyên nhân chính là do đâu?

-Nguyên nhân chính là do chúng ta phát triển công nghiệp, phát triển kinh tế, đô thị hóa, vấn đề xử lý các chất thải, nước thải ở các đô thị ven sông chưa tốt. Cùng với đó là vấn đề khai thác khoáng sản, khai thác cát chưa hợp lý, vẫn còn trái phép đã tác động đến nguồn nước tại lưu vực sông.

Đồng thời, thói quen của người dân trong vấn đề bảo vệ môi trường cũng tác động không nhỏ tới việc ô nhiễm. Từ rác thải sinh hoạt, nước thải sinh hoạt,..... cũng vẫn còn tình trạng xả thẳng ra môi trường mà chưa được kiểm soát một cách chu đáo.

Do đó, chúng ta cần tăng cường quản lý và có giải pháp đồng bộ, nhiều biện pháp để khắc phục nguồn nước ô nhiễm tại các lưu vực sông mới mong giảm triệt để.

-Nói như vậy, nghĩa là từ trước tới nay, chúng ta chưa có sự đồng bộ trong việc đưa ra giải pháp bảo vệ nguồn nước hiện nay? Và theo ông, làm thế nào để chúng ta có thể quản lý tốt được nguồn nước xả thải từ bên trong?

-Chúng ta có nhiều tiến bộ trong quản lý nguồn nước; tuy nhiên, chưa có sự đồng bộ. Các đô thị ven sông, các làng nghề... vẫn tiếp tục xả thải ra môi trường. Các biện pháp lâu dài bền vững, nhất quyết phải xử lý từ bên trong.

Chúng ta đã có quy định trong việc xử lý rác thải, nước thải ở các khu công nghiệp nhưng trong thời gian vừa qua, vấn đề này vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Thời gian sắp tới, chúng ta sẽ tiến hành thực thi đồng bộ công tác bảo vệ môi trường từ các khu công nghiệp, khu đô thị, làng nghề và cả cộng đồng dân cư sống ven lưu vực sông.

-Phải chăng, chế tài của Việt Nam chưa đủ mạnh để buộc các khu công nghiệp, khi đô thị xả thải đúng quy định, thưa ông?

-Chúng ta thực thi điều này chưa tốt chứ không phải chưa đủ mạnh. Theo Luật Bảo vệ môi trường, ngoài biện pháp phạt về kinh tế thì chúng ta cần có biện pháp kèm theo, phải khắc phục sự cố đó. Nếu thực hiện một cách nghiêm túc, tôi nghĩ sẽ đủ răn đe với các cơ sở sản xuất mà gây ô nhiễm môi trường.

Thu Anh (thực hiện)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần thực thi đồng bộ nhiều biện pháp mạnh để giảm ô nhiễm nguồn nước