Từ năm 2003, khi thị trường bất động sản (BĐS) Cần Thơ bắt đầu khởi động và hàng chục dự án khu dân cư mọc lên như nấm sau cơn mưa, tiền bắt đầu đổ vô các khu đô thị ở Ninh Kiều, Nam Cần Thơ rồi Bình Thủy... Thời đó, hễ đổ tiền vào mua nền dự án khu dân cư là trong thời gian ngắn bán lại có lời...

Cần Thơ: Những bài học từ hợp đồng góp vốn mua đất nền

04/08/2020, 11:03

Từ năm 2003, khi thị trường bất động sản (BĐS) Cần Thơ bắt đầu khởi động và hàng chục dự án khu dân cư mọc lên như nấm sau cơn mưa, tiền bắt đầu đổ vô các khu đô thị ở Ninh Kiều, Nam Cần Thơ rồi Bình Thủy... Thời đó, hễ đổ tiền vào mua nền dự án khu dân cư là trong thời gian ngắn bán lại có lời...

Dân kéo đến văn phòng Công ty cổ phần Đầu tư - Xây dựng số 8 đòi sổ đỏ - Ảnh: Văn Khánh

Có chủ trương, quyết định đầu tư dự án của UBND TP.Cần Thơ, có lễ khởi công là chủ đầu tư cứ bán đất trên giấy và người dân các nơi cứ ào ào đổ tiền mua đất từ hợp đồng góp vốn... Từ đó đến nay có hàng ngàn người mua đất chưa nhận được sổ đỏ. Đây là lời cảnh tỉnh những người dễ dãi trong mua nhà đất dự án trên giấy hôm nay ở Hậu Giang và Cần Thơ.

Nhộn nhịp mua nền trên giấy

Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP.Cần Thơ, từ năm 2003 đến nay đã có 22 dự án khu dân cư, khu tái định cư được quy họach xây dựng ở khu đô thị Nam Cần Thơ. Hầu hết đã được khởi công, một số ít dự án có chủ trương, quyết định đầu tư dự án và tiến hành thi công xây dựng. Thời đó, mỗi công ty có 1 phòng kinh doanh, có bản đồ dự án, có hợp đồng góp vốn. Nhân viên kinh doanh và khách hàng mua nền dự án cứ kéo tới mua với hình thức ký kết hợp đồng góp vốn (HĐGV) mua nền trên giấy.

Chỉ có vậy thôi nhưng các công ty là chủ đầu tư dự án buôn bán rất nhộn nhịp. Khách hàng HĐGV 1 - 2 nền là bình thường, cá biệt có người mua 5 - 10 nền. Khách từ TP.HCM và Hà Nội có khi đến mua vài chục nền đến cả trăm nền... Cứ như thế, một số cò đất và công ty môi giới có khi trúng mánh thu tiền hoa hồng lên đến vài chục triệu mỗi ngày.

Trên địa bàn Q.Ninh Kiều, dự án khu dân cư, khu tái định cư có đến cả chục dự án. Tất cả tạo nên phong trào xây dựng khu dân cư, có phong trào người dân Cần Thơ và các nơi khác đổ về Cần Thơ mua đất nền đầu tư kiếm lời. Vào những năm đó, các dự án sau đây ở Nam Cần Thơ được khách hàng quan tâm mua nhiều là dự án 586, Nam Long, Công ty cổ phần Xây dựng số 8, Long Thịnh, Hưng Phú 1, Nông thổ sản, Diệu Hiền, Vạn Phát, Công ty Xây dựng Cần Thơ...

Không có con số thống kê, nhưng trong các dự án ở Nam Cần Thơ có 15.000 nền, từ năm 2003 đến nay, hầu hết đã bán đến 80 - 90%. Hiểu tường tận về khu đô thị này, anh Nguyễn Minh Trí, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng địa ốc Tín Phát cho rằng chỉ gần 1/2 trong số hơn 15.000 nền dự án được xây dựng để ở và kinh doanh buôn bán, số còn lại chủ yếu là mua đi, bán lại kiếm lời. Có những nền giao dịch đến lần thứ 5 - 10 trong gần 20 năm qua.

Thế nhưng trong số các nền đất dự án ở Nam Cần Thơ, có hàng ngàn nền đến nay có HĐGV đã 10 - 15 năm nhưng vẫn chưa ra được sổ đỏ cho khách hàng.

Những hệ lụy từ việc mua nền HĐGV và mua nhà trên giấy

Cách đây hơn 1 năm, một số khách hàng mua đất dự án khu dân cư Thiên Lộc (Nam Cần Thơ) có đến văn phòng dự án này để giải quyết tranh chấp đất đai với công ty, thi hành án và ngân hàng... Trong số những người đến có anh Trần Văn Dũng. Năm 2011, anh mua đất theo hình thức HĐGV với Giám đốc Công ty TNHH Thiên Lộc 11 nền đất dự án, số tiền thanh toán lên đến 80% giá trị mỗi nền.

Đất nền dự án Công ty cổ phần Phát triển nhà Cần Thơ - Ảnh: Văn Khánh

Tuy nhiên, năm 2013, khi có sổ đỏ nguyên lô, giám đốc công ty không ra sổ đỏ cho từng khách hàng mà đem lô đất 48 nền đó đi thế chấp ngân hàng để vay số tiền hơn 7 tỉ đồng. Nợ quá hạn, giám đốc qua đời, Ngân hàng NN-PTNT đưa vụ này ra tòa và thi hành án. Người dân không đồng tình, phản ứng rất dữ dội và họ lại đưa vấn đề ra tòa án. Đấy là một trong hàng ngàn vụ mua đất trên giấy và giám đốc công ty sau khi đã nhận tiền HĐGV với khách, khi có sổ đỏ lô lớn lại đem thế chấp ngân hàng.

Nhiều người mua đất của các dự án ở Nam Cần Thơ cũng như ở Q.Ninh Kiều khóc không còn nước mắt khi 10 - 15 năm nay xây nhà ở nhưng không có giấy quyền sử dụng đất như xác không hồn. Muốn bán nhà cũng không có giá, muốn cầm cố vay ngân hàng cũng không được. Muốn kiện tụng chủ đầu tư thì có 100 cách đổ lỗi cho nguyên nhân khách quan, chủ quan...

Theo nguồn tin PV nắm được, Công ty cổ phần Phát triển nhà Cần Thơ hiện nay còn khoảng 2.000 sổ đỏ nợ dân tại các dự án ở Ninh Kiều và Cái Răng; Công ty TNHH Thiên Lộc còn hơn 400 nền chưa có sổ đỏ cho dân, trong đó có vài trăm nền còn chưa giải phóng mặt bằng được.

Công ty cổ phần Đầu tư - Xây dựng số 8 (CIC8) còn hơn 800 trường hợp chưa ra sổ đỏ cho dân. Công ty này đang phối hợp với ngành TN-MT để ra sổ đỏ cho dân mua đất nền dự án. Trong đó có khoảng 210 căn nhà thu tiền bán nhà của dân lên đến 95%, nhưng sổ đỏ những căn nhà này hiện đang thế chấp ngân hàng. Ngân hàng và CIC8 đã có trao đổi ý kiến khách hàng về việc bán đấu giá số nhà đất cầm cố ngân hàng quá hạn... nhưng người dân không đồng tình. Đến nay, dù CIC8 tích cực giải quyết vấn đề trên nhưng vẫn chưa có kết quả cụ thể.

Ông Nguyễn Quang Bình, Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển nhà Cần Thơ cho biết do hoàn cảnh trước đây là doanh nghiệp Nhà nước, làm ăn thua lỗ, nợ ngân hàng nhiều, cơ chế chính sách ràng buộc... nên chậm ra sổ đỏ cho khách hàng. Các dự án đến 6.000 nền, trong số đó có khoảng 5.000 trường hợp là HĐGV.

“Hơn 2 năm nay, khi cổ phần hóa, chúng tôi đã cố gắng tối đa, hoàn tất giao cho khách hàng hơn 3.000 sổ đỏ, số còn lại gần 2.000 sổ đỏ, chúng tôi sẽ tranh thủ làm đến năm 2021 xong hết. Bây giờ ngoài chuyện công ty có tiền, các cơ quan chức năng không thể làm trong một sớm, một chiều được. Nếu khách hàng nào không đồng tình, đòi trả tiền lại, chúng tôi sẵn sàng hoàn tiền lại và tính lãi suất trả lại theo lãi suất ngân hàng. Công ty cũng tích cực hoàn thành hạ tầng các dự án theo tiến độ việc cấp sổ đỏ cho khách hàng”.

Tất cả là bài học cho những ai như con thiêu thân lao vào những dự án mới có chủ trưởng đầu tư lại bán đất đợt 1, đợt 2 như ở Cần Thơ, Hậu Giang quảng cáo nhan nhản trên mạng hiện nay, và bên chủ dự án liên tục tổ chức sự kiện.

Văn Khánh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
5 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần Thơ: Những bài học từ hợp đồng góp vốn mua đất nền