Những quy định hiện nay về đấu giá đất còn nhiều “kẽ hở” và đang bị doanh nghiệp lợi dụng để trục lợi làm nhiễu loạn thị trường bất động sản.

Cần phải bịt ngay “kẽ hở” trong đấu giá đất

Trọng Nguyên | 15/01/2022, 16:48

Những quy định hiện nay về đấu giá đất còn nhiều “kẽ hở” và đang bị doanh nghiệp lợi dụng để trục lợi làm nhiễu loạn thị trường bất động sản.

Phiên đấu giá 4 lô đất tại Thủ Thiêm vừa qua thật sự là một phiên đấu giá gay cấn và thành công, xét theo đúng bản chất và ý nghĩa của đấu giá.

Thế nhưng, sau vụ việc Công ty Tân Hoàng Minh đẩy giá lên 2,43 tỉ đồng/m2, sau đó bỏ cọc đã cho thấy các quy định về đấu giá còn khá nhiều “kẽ hở” bị doanh nghiệp lợi dụng để làm những việc phía sau.

Kẽ hở được các doanh nghiệp nhắc đến nhiều trong thời gian qua tại các thương vụ đấu giá đất nghìn tỉ đồng là việc chỉ phải đặt cọc 20 % và số tiền phải nộp đủ được kéo dài đến 3 tháng.

Đây được cho là kẽ hở rất lớn trong các vụ đấu giá, đặc biệt là đối với các vị trí “đất vàng” bởi lẽ với thời gian nộp tiền kéo dài, nhà đầu tư có thể thoải mái đẩy giá lên cao nhằm tăng giá bất động sản khu vực lân cận rồi bán thu lời, sau đó chấp nhận mất cọc để thu lợi lớn ở thương vụ khác.

Một kẽ hở nữa là Luật Đấu giá 2016 chưa quy định cụ thể về năng lực tài chính của nhà đầu tư tham gia đấu giá. Vì thế, nhiều doanh nghiệp không có năng lực tài chính đã tính bài “tay không bắt giặc” cứ trả giá cao trúng đấu giá để đẩy giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán hoặc trúng đấu giá rồi bán sang tay.

Sau vụ việc bỏ cọc trong vụ đấu giá đất ở Thủ Thiêm đã đến lúc các cơ quan quản lý nhà nước cần sửa đổi gấp các điều kiện đối với doanh nghiệp khi tham gia đấu giá đất.

Trong đó cần sửa đổi Luật đấu giá theo hướng nâng mức đặt cọc lên 50% trong tổng số tiền mà nhà đầu tư trúng đấu giá. Ở vụ đấu giá đất Thủ Thiêm vừa qua nếu quy định nhà đầu tư phải nộp 50% số tiền đặt cọc (vào khoảng hơn 12.000 tỉ đồng) thì chắc chắn nhà đầu tư sẽ không thể đẩy giá lên mức cao bất thường vì khi đó tiền đặt cọc cũng phải nộp cao.
Còn quy định hiện nay cho nhà đầu tư đặt cọc 20% so với giá khởi điểm được cho là thấp khi lợi nhuận thu được cao hơn nhiều so với số tiền cọc 20% thì nhà đầu tư sẵn sàng bỏ cọc.

Một quy định nữa cũng cần sửa đổi là bắt buộc nhà đầu tư phải chứng minh được năng lực tài chính thông qua giấy tờ, trong đó phải có xác nhận đảm bảo cho vay vốn của ngân hàng nếu doanh nghiệp đi vay vốn.

Và điều quan trọng nhất cần quy định rõ rằng trong trường hợp cơ quan điều tra chứng minh được doanh nghiệp đẩy giá lên cao bất thường sau đó bỏ cọc để trục lợi thì ngoài việc bị xử lý hình sự thì cần cấm tham gia đấu giá trong thời gian từ 3 đến 5 năm.

Có lẽ cần phải có những quy định chặt chẽ như vậy thì mới bịt được “kẽ hở”, tránh tình trạng lợi dụng đấu giá để trục lợi và làm nhiễu loạn thị trường bất động sản.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng chủ trì họp Ban Chỉ đạo sắp xếp tổ chức bộ máy của Chính phủ
một giờ trước Sự kiện
Chiều tối 30.11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25.10.2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa 12 "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" (Nghị quyết số 18 – NQ/TW) chủ trì phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần phải bịt ngay “kẽ hở” trong đấu giá đất