Liên quan đến việc Quốc ca Việt Nam bị tắt tiếng trong trận bóng đá giữa Việt Nam và Lào tại giải AF Cup, Bộ VH-TT-DL đã lên tiếng.

Cần có bản ghi Quốc ca chuẩn, phát hành miễn phí

Dạ Thảo - Ảnh: Chụp màn hình | 07/12/2021, 15:44

Liên quan đến việc Quốc ca Việt Nam bị tắt tiếng trong trận bóng đá giữa Việt Nam và Lào tại giải AF Cup, Bộ VH-TT-DL đã lên tiếng.

Việc Quốc ca Việt Nam bị tắt tiếng trong trận bóng đá Việt Nam - Lào phát trên YouTube tối 6.12 đã gây làn sóng bức xúc lớn trong xã hội. Ngày 7.12, lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch (VH-TT-DL) đã lên tiếng khẳng định Bộ sẽ có các biện pháp cần thiết để gìn giữ phát huy giá trị của Quốc ca.

Bộ VH-TT-DL đã cho biết Bộ hiện có nhiều phiên bản ghi Quốc ca được công bố và sử dụng rộng rãi, những bản này không hề vi phạm bản quyền trên môi trường số. Hiện nay, các đơn vị sử dụng bản ghi âm, ghi hình cần chú ý tới quyền tác giả và quyền liên quan đã được quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ. Pháp luật của Việt Nam quy định nghiêm cấm bất kỳ tổ chức, cá nhân nào, dưới bất kỳ hình thức nào có hành vi ngăn chặn, cản trở việc phổ biến tác phẩm này một cách trực tiếp hay gián tiếp (gồm cả trên mạng) theo quy định pháp luật. Sắp tới, Bộ sẽ sản xuất thêm nhiều phiên bản ghi và cung cấp cho các cơ quan ngoại giao, các đoàn Việt Nam ra nước ngoài để sử dụng trong các sự kiện chính thức có ghi âm, ghi hình. Bộ cũng sẽ xem xét để đăng ký bản quyền các bản ghi này với YouTube và các nền tảng số khác để sử dụng một cách hợp pháp.

Bản ghi âm Tiến quân ca của Việt Nam hiện được hãng đĩa Marco Polo sản xuất, chính vì thế tất cả các bản nhạc có sử dụng bản ghi âm của đơn vị này đều bị "đánh gậy bản quyền" của YouTube. Hiện có rất nhiều đơn vị sản xuất bản ghi Tiến quân ca, cả trong nước và ngoài nước. Theo Luật Sở hữu trí tuệ, nếu bất kỳ ai bỏ tiền, thời gian, công sức, kỹ thuật ra sản xuất bản ghi (mà đã thanh toán quyền tác giả) thì là chủ sở hữu hợp pháp của bản ghi; bất kỳ ai sử dụng bản ghi đó thì phải xin phép nhà sản xuất.

khai-giang-4.jpg
Bộ VH-TT-DL khẳng định không được có bất cứ hành vi nào ngăn chặn việc phổ biến quốc ca

Là đơn vị được nhà nước giao quản lý tác quyền Quốc ca Việt Nam, Bộ VH-TT-DL khẳng định hãng đĩa Marco Polo chưa hề liên hệ với Bộ để xin phép sử dụng, tổ chức ghi âm bản Quốc ca Việt Nam (nằm trong hệ thống các bản nhạc có tên "National Anthem of the World" (phiên bản 2019) sau đó bán cho YouTube. Đây là bản ghi âm Quốc ca Việt Nam được ban tổ chức dùng trong trận đội tuyển bóng đá Việt Nam gặp Ả Rập Saudi hôm 16.11 trong khuôn khổ vòng loại World Cup khiến kênh YouTube FPT bị "đánh gậy" bản quyền.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thu Đông - Trưởng phòng Quản lý biểu diễn và bản ghi âm ghi hình (Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ VH-TT-DL) cho biết cá nhân ông đã trăn trở từ lâu việc Bộ VH-TT-DL đứng ra làm các bản ghi để cho toàn dân, các trường học, cơ quan, doanh nghiệp… được sử dụng miễn phí, nhưng đến nay vẫn chưa chính thức có đề án nào cho việc này. Trong khi đó, theo ông Đông, hiện nay Quốc ca trong những dịp lễ hầu như là nghe từ bản ghi âm chứ không phải đang hát Quốc ca, mà hầu hết cũng là những bản ghi chưa đúng quy chuẩn, không phải bản ghi do dàn nhạc thể hiện, với âm hưởng hoành tráng, uy nghi, mang hồn sông núi. Vì vậy rất cần có một hội đồng cấp nhà nước quyết định bản ghi nào tốt nhất để cung cấp cho toàn dân sử dụng miễn phí, toàn dân đều hát theo được.

Ông Đông cho biết trước đây có một đĩa ghi âm do Bộ VH-TT-DL sản xuất, Nhà Xuất bản Văn hóa dân tộc (nay là Nhà Xuất bản Âm nhạc) in và phát hành, gọi là đĩa nhạc nghi thức. "Tôi trăn trở lâu nay là phải có các bản ghi âm nhạc chuẩn dưới các hình thức: dàn nhạc kèn, dàn nhạc giao hưởng, dàn nhạc giao hưởng và hợp xướng, và cần phải có bản Quốc thiều là phần âm nhạc của bản Quốc ca, từ đó khi vang lên toàn thể những người tham gia trong buổi lễ hát Quốc ca… để toàn dân sử dụng miễn phí. Có thể in đĩa phát miễn phí trong toàn quốc, tới các doanh nghiệp, cơ quan đảng, cơ quan nhà nước, hệ thống trường học, đưa lên mạng", ông Đông nói.

Trong khi đó, Hội Nhạc sĩ Việt Nam cũng từng đưa đề xuất sản xuất các bản ghi âm Quốc ca, Quốc thiều chuẩn mực, trang trọng để người dân sử dụng miễn phí, nhưng tới nay vẫn chưa thấy thực hiện.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
5 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần có bản ghi Quốc ca chuẩn, phát hành miễn phí