Sau gần 200 năm tồn tại, Phủ đệ của hoàng tử Tuy Lý Vương Nguyễn Phúc Miên Trinh vẫn được con cháu bảo tồn gần như nguyên vẹn giá trị nghệ thuật kiến trúc và lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị.

Cận cảnh vương phủ rộng 2.000m2, chứa nhiều đồ cổ ở Huế

14/07/2020, 11:18

Sau gần 200 năm tồn tại, Phủ đệ của hoàng tử Tuy Lý Vương Nguyễn Phúc Miên Trinh vẫn được con cháu bảo tồn gần như nguyên vẹn giá trị nghệ thuật kiến trúc và lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị.

Bên cạnh Đại nội và nhiều lăng tẩm, thì xứ Huế hiện nay còn lưu giữ được nhiều phủ đệ của các ông hoàng, bà chúa, hoàng thân quốc thích thời Nguyễn.

Một trong những phủ đệ đẹp và có giá trị kiến trúc bậc nhất của mảnh đất cố đô này chính là Phủ thờ Tuy Lý Vương.

Phủ Tuy Lý Vương tọa lạc ở số 140 đường Nguyễn Sinh Cung, thành phố Huế, cách Đại nội gần 3 km. Cổng tam quan được dựng theo kiến trúc Huế, được chạm khắc tinh xảo, biểu tượng cho sự vương quyền.

Theo ông Nguyễn Phúc Vĩnh Phú, cháu 4 đời của Tuy Lý Vương, theo quy định của hoàng tộc triều Nguyễn, chỉ hoàng tử được phong tước “vương” mới có quyền làm cổng tam quan và được phép trang trí hình rồng (4 móng). Các hoàng tử được phong tước “công” chỉ được dựng 1 cổng.

Bước vào khuôn viên rộng 2.000 m2 của phủ, công trình đầu tiên bắt gặp là bức bình phong được đắp hình long mã bằng các mảnh sành, sứ rất công phu.

Bên trong vương phủ có 2 gian thờ chính. Phía trước là gian thờ của Tiệp dư Lê Thị Ái, sinh mẫu của đức Tuy Lý Vương. Công trình này được xây dựng vào thời điểm đức Tuy Lý Vương còn sống.

Gian thờ được xây dựng theo phong cách nhà rường truyền thống của Huế, bao gồm 3 gian 2 chái. Hệ thống cột, xà đều được làm từ gỗ quý như đinh, lim, hương,...

Nội thất bên bao gồm gian thờ phật ở phía trước, kế tiếp là ban thờ bà Tiệp dư. Nhà này có treo tấm hoành phi đề dòng chữ Hán Tiền triều Lê tiệp dư từ với một ban thờ Phật phía trước, kế tiếp là ban thờ bà Tiệp dư.

Phía trên có bức hoành phi đề dòng chữ Hán “Tiền triều Lê tiệp dư”.

Ở phía sau là phủ thờ Tuy Lý Vương, được con cháu xây dựng sau khi ông mất. Đây là ngôi nhà rường ba gian hai chái được làm theo kiểu nhà kép, gồm hai bộ mái được nối lại với nhau bằng trần thừa lưu.

Trên nóc, trước cửa và xung quanh phủ thờ được đắp tứ linh, long, lân, quy, phụng bằng nghệ thuật sành sứ khảm cẩn.

Bên trong phủ thờ có bức hoành phi Tuy Lý Vương từ được sơn son thếp vàng, cùng bàn thờ và khám thờ Tuy Lý Vương.

Ở xung quanh có ảnh của Tuy Lý Vương, cùng các bài thơ được ông sáng tác.

Đặc biệt, bên trong vương phủ vẫn còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị liên quan tới Tuy Lý Vương, nổi bật nhất là hơn 150 mộc bản khắc in những tác phẩm văn thơ của ông.

Với nhiều tác phẩm văn thơ có giá trị nên Tuy Lý Vương được mệnh danh là một “ông hoàng thi ca” của triều Nguyễn.

Theo ông Nguyễn Phúc Vĩnh Phú, sinh thời, đức Tuy Lý Vương là người sống cần kiệm, không khoa trương nên gian thờ thân mẫu phía trước được đích thân ông xây dựng tương đối đơn giản. Trong khi đó, phủ thờ phía sau được thế hệ con cháu xây dựng hiện đại và độc đáo hơn.

Tuy Lý Vương, tên húy là Nguyễn Phúc Miên Trinh (1820 - 1897), sinh tại Thanh Hòa điện. Ông là Hoàng tử thứ 11 của vua Minh Mạng, mẹ ông là Tiệp dư Lê Thị Ái người An Triền (Phong Điền, Thừa Thiên). Với tư chất thông minh, hiếu học nên ông sớm nổi tiếng là người uyên bác, sáng tác thơ giỏi và thạo cả nghề thuốc.

Đương thời, Tuy Lý Vương đã có nhiều tác phẩm văn học và thơ nổi tiếng, nổi bật là Vỹ Dạ hợp tập gồm 12 quyển, trong đó có 5 quyển văn, 6 quyển thơ, 1 quyển tự truyện; tác phẩm Nữ phạm diễn nghĩa từ; Hòa Lạc ca;...

Theo Dân Trí

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
5 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cận cảnh vương phủ rộng 2.000m2, chứa nhiều đồ cổ ở Huế