Campuchia không ghi nhận ca tử vong do COVID-19 trong 24 giờ qua lần đầu tiên kể từ ngày 15.5 khi số ca mới hàng ngày vẫn ở mức thấp, theo trang Khmer Times.

Campuchia: Hàng loạt ca nhiễm Omicron, lần đầu không ghi nhận người chết do COVID-19 sau 7 tháng

Sơn Vân | 20/12/2021, 12:42

Campuchia không ghi nhận ca tử vong do COVID-19 trong 24 giờ qua lần đầu tiên kể từ ngày 15.5 khi số ca mới hàng ngày vẫn ở mức thấp, theo trang Khmer Times.

Hôm 20.12, Campuchia ghi nhận 7 ca mắc COVID-19 mới hàng ngày (được chẩn đoán bằng xét nghiệm PCR), nâng tổng số trường hợp lên 120.423.

Hàng loạt ca nhiễm Omicron được phát hiện trên hành khách nhập cảnh tại Sân bay Phnom Penh, làm tăng thêm mối lo ngại về làn sóng dịch mới quét qua Campuchia.

Một nguồn khác có thể lây nhiễm Omicron là lao động nhập cư từ Thái Lan qua biên giới.

Ngoun Mengchroun, Phó thống đốc tỉnh Banteay Meanchey (gần biên giới với Thái Lan), nói rằng chính quyền ở cả hai bên biên giới đang làm việc cật lực và số lượng người trở về nước từ Thái Lan đang tăng lên. Ông nói: “Có hơn 200 lao động nhập cư trở về mỗi ngày”.

Được báo cáo có khả năng lây truyền nhanh hơn và tái nhiễm cao hơn biến thể Delta, Omicron hiện lan ra khoảng 90 nước. Ở Đông Nam Á, ngoài Campuchia thì Indonesia, Singapore, Thái Lan, Malaysia và Philippines đã ghi nhận ca nhiễm Omicron.

Hôm 19.12, Tiến sĩ Or Vandine, Quốc vụ khanh kiêm Người phát ngôn Bộ Y tế Campuchia, dự đoán rằng 2022 sẽ là năm Omicron lan ra ra khắp thế giới, bao gồm cả Campuchia.

Nghiên cứu từ Đại học Hồng Kông (HKU) chỉ ra rằng, ở hầu hết cá nhân, hai liều vắc xin BioNtech hoặc Sinovac không tạo ra đủ lượng kháng thể trong huyết thanh chống lại biến thể Omicron. Tuy nhiên, người Campuchia có vẻ chậm chạp trong việc tận dụng liều vắc xin thứ ba.

Quốc gia Đông Nam Á đã triển khai tiêm mũi vắc xin COVID-19 thứ ba tại các cơ sở y tế công cộng từ ngày 11.10. Song theo số liệu được cung cấp, Campuchia mới tiêm khoảng 3 triệu liều vắc xin COVID-19 thứ ba, tức là chỉ khoảng 17,95% dân số.

Tỷ lệ hấp thụ thấp mũi vắc xin thứ ba có thể làm trật bánh các nỗ lực của chính phủ trong việc chống COVID-19 nói chung và Omicron nói riêng.

Thủ tướng Campuchia - Hun Sen cho biết chính phủ sẽ tiến hành chiến dịch tích cực để những người đã tiêm hai liều vắc xin cũng nhận mũi tăng cường, đặc biệt là người già, trẻ em và những người làm công tác tuyến đầu.

Bất chấp mối đe dọa từ Omicron, Campuchia đang thúc đẩy việc mở cửa trở lại và chính phủ đang nhấn mạnh việc chuyển sang “chế độ bình thường mới”. Theo đó, Campuchia mở cửa cho du lịch và kinh doanh khi quản lý các ca COVID-19 nhẹ hơn bằng cách điều trị tại nhà.

Vẫn còn phải chờ xem liệu việc phát hiện biến thể Omicron ở Campuchia có làm thay đổi các kế hoạch này không.

Xu hướng giảm sâu số ca COVID-19 ở Campuchia là kết quả của chính sách được đưa ra vào tháng 10.2021 về việc không tính các trường hợp xét nghiệm nhanh và bị nhẹ trong số liệu chính thức hàng ngày.

Nhìn vào các số liệu khác, Campuchia hiện ghi nhận tổng cộng 100.564 ca COVID-19 cộng đồng và 19.959 trường hợp nhập cảnh.

2 ca mắc COVID-19 nhập cảnh đã được công bố trong hôm nay.

Campuchia không ghi nhận số ca tử vong mới do COVID-19 trong 24 giờ qua. Như vậy, số người chết do COVID-19 ở quốc gia Đông Nam Á này hiện vẫn là 3.005.

11 người hồi phục đã được công bố khi các ca COVID-19 đang hoạt động tiếp tục giảm. Hiện chỉ có 608 ca COVID-19 đang hoạt động được chẩn đoán bằng xét nghiệm PCR ở Campuchia.

campuchia-hang-loat-ca-nhiem-omicron.jpg
Campuchia lần đầu không ghi nhận người chết do COVID-19 sau 7 tháng nhưng phải chứng kiến hàng loạt ca nhiễm Omicron nhập cảnh

Một nghiên cứu của Đại học Hoàng gia London (Anh) cho thấy nguy cơ tái nhiễm với Omicron cao hơn gấp 5,2 lần và biến thể này không có dấu hiệu gây bệnh nhẹ hơn Delta.

Kết quả nghiên cứu này dựa trên dữ liệu của Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh và Dịch vụ Y tế Quốc gia về những người có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 qua xét nghiệm PCR ở Anh từ ngày 29.11 đến 11.12.

"Chúng tôi không tìm thấy bằng chứng (cho cả nguy cơ nhập viện và tình trạng triệu chứng) của việc Omicron có mức độ nghiêm trọng khác với Delta", nghiên cứu cho biết, dù hé lộ thêm rằng dữ liệu về số lần nhập viện vẫn còn rất hạn chế.

"Theo dõi tình trạng vắc xin, tuổi, giới tính, dân tộc, tình trạng không có triệu chứng, khu vực và ngày lấy mẫu, Omicron có liên quan đến nguy cơ tái nhiễm cao hơn 5,4 lần so với Delta", trích nội dung nghiên cứu.

Khả năng bảo vệ do khỏi bệnh COVID-19 trước đó chống lại tái nhiễm Omicron có thể thấp tới 19%, Đại học Hoàng gia London cho biết, lưu ý rằng nghiên cứu vẫn chưa được đánh giá ngang hàng.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy nguy cơ phát triển ca nhiễm Omicron có triệu chứng tăng lên đáng kể so với Delta ở những người tiêm hai liều vắc xin khoảng 2 tuần hoặc hơn nữa trở lên cũng như người tiêm mũi vắc xin thứ ba sau 2 tuần trở lên. Nghiên cứu này liên quan đến vắc xin AstraZeneca và Pfizer.

Theo đó, hiệu quả của hai liều vắc xin COVID-19 ngăn nhiễm Omicron có triệu chứng dao động từ 0% đến 20% và 3 mũi vắc xin là từ 55% đến 80%.

"Nghiên cứu này cung cấp thêm bằng chứng về mức độ đáng kể mà Omicron có thể tránh được khả năng miễn dịch trước đó do từng khỏi COVID-19 hoặc tiêm vắc xin. Mức độ tránh miễn dịch này có nghĩa là Omicron gây ra một mối đe dọa lớn, sắp xảy ra với sức khỏe cộng đồng", trưởng nhóm nghiên cứu, Giáo sư Neil Ferguson, cho biết trong tuyên bố của Đại học Hoàng gia London.

Dữ liệu được Đại học Hoàng gia London phân tích dựa trên 333.000 ca mắc COVID-19, trong đó có 122.062 trường hợp nhiễm biến thể Delta và 1.846 người nhiễm Omicron thông qua giải trình tự bộ gen.

Giáo sư Azra Ghani của Đại học Hoàng gia London, người đồng dẫn đầu nghiên cứu, mô tả nó là "điều cần thiết để lập mô hình quỹ đạo tương lai có thể xảy ra với làn sóng dịch Omicron và tác động tiềm tàng từ việc tiêm vắc xin cùng các can thiệp sức khỏe cộng đồng khác".

Phát hiện mới có thể đẩy nhanh việc áp đặt các hạn chế chặt chẽ hơn ở một số quốc gia nhằm ngăn chặn sự lây lan biến thể Omicron.

Bài liên quan
WHO: Omicron xuất hiện ở 89 nước, số ca tăng gấp đôi sau 1,5 – 3 ngày tại nhiều khu vực
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết Omicron đã được báo cáo ở 89 nước và số ca nhiễm biến thể này tăng gấp đôi trong 1,5 đến 3 ngày tại nhiều khu vực có sự lây truyền trong cộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Campuchia: Hàng loạt ca nhiễm Omicron, lần đầu không ghi nhận người chết do COVID-19 sau 7 tháng