Bản Sin Chải nằm chót vót trên đỉnh núi, cách xa trung tâm xã và là một trong những bản nghèo nhất xã Hoang Thèn (huyện Phong Thổ). Một trong những nguyên nhân chính khiến đời sống bà con nơi đây cứ mãi bị đói nghèo đeo bám chính là nạn tảo hôn và sinh nhiều con.
Cả bản có hơn 130 hộ, nhưng số hộ nghèo chiếm quá nửa, lương thực chủ yếu phụ thuộc vào đảm ruộng bậc thang và một vài vạt nương quanh bản; thiếu thóc lúa nên Sin Chải luôn cận kề với cái đói và sự nghèo. Hình ảnh những cặp vợ chồng tuổi chưa tới đôi tám đã nheo nhóc mấy mặt con, sống trong những túp lều lụp sụp như một minh chứng rõ nét cho sự nghèo vì tảo hôn, đông con ở Sin Chải.
Trưởng bản Sùng A Lùng nói: “Đất đai ở Sin Chải màu mỡ lắm, nhưng trong bản thiếu lao động nên khó khăn cho việc khai hoang, mở rộng diện tích sản xuất. Bởi lẽ phần đa số hộ trong bản là các cặp vợ chồng “tự nhiên” – Trưởng bản giải thích vợ chồng tự nhiên vì cả vợ, chồng đều trong tuổi vị thành niên, thích thì về ở với nhau, không qua đăng ký kết hôn. Lấy nhau mà cầm quốc, cầm cày chưa thạo lại sinh đẻ không có kế hoạch, thiếu kỹ năng sống nên cuộc sống của họ ngày càng khó khăn”.
Thống kê sơ bộ, trong 5 năm trở lại đây, Sin Chải có hơn 30% số hộ trong bản tảo hôn, nhiều cặp “thích” thì về ở cùng nhau, chờ đến tuổi trưởng thành mới đăng ký kết hôn. Vì thế mới có chuyện, bố mẹ đi đăng ký khi con đã đến tuổi học mầm non. Câu chuyện tảo hôn – xử lý vụ việc tảo hôn ở Sin Chải cứ loanh quanh, không có lời giải. Trước dấu hiệu tảo hôn của con cái, bố mẹ khuyên can thì đám trẻ nói đó là bạn bè, chính quyền hay các đoàn thể tại địa phương cũng không thể cấm đoán việc đám trẻ kết bạn với nhau. “Mọi chuyện chỉ vỡ lẽ khi những bạn gái vừa tới tuổi dậy thì mà bụng cứ lùm lùm. Khi sự đã rồi, biết tính sao, gia đình lại tập trung giải quyết chứ không lẽ lại báo chính quyền” - anh Sùng A Sử một trong những ông bố có con tảo hôn ở Sin Chải đã lên chức bố vợ khi tuổi chưa tới ngũ tuần chia sẻ với chúng tôi.
Trong khi giải quyết việc tảo hôn chưa đi vào hồi kết, thì những cặp vợ chồng trẻ con ấy đã đóng góp không nhỏ cho việc nâng cao tỷ lệ hộ nghèo ở bản Sin Chải và là những minh chứng sinh động cho sự nghèo khó ở bản vùng cao này. Em Lý Thị Mẻ - là một điển hình, lấy chồng năm 14 tuổi, Mẻ đã là mẹ của 2 cháu bé khi mới 17 tuổi. Từ ngày lấy chồng, cuộc sống của Mẻ không gì ngoài sự đói nghèo và nheo nhóc. Khi đến thăm vào thời điểm chỉ còn hơn 1 tháng là đón tết, mà trong nhà Mẻ chỉ còn vẻn vẹn gần 1 bao thóc và mấy quả bí; gà, lợn cũng chẳng nuôi được nhiều, tài sản vật dụng trong nhà không có gì đáng giá. Chắc rằng năm nay, gia đình Mẻ sẽ đón thêm một cái tết trong sự cơ hàn. Nhìn người mẹ trẻ lê la dưới đất chơi với 2 con của mình như chị chơi với em, chúng tôi không khỏi chạnh lòng.
Ma Thị Khu sinh năm 1999 về nhà chồng năm mới 15 tuổi, vì thương 2 vợ chồng trẻ chưa biết làm ăn, gia đình nhà chồng không cho vợ chồng Khu tách hộ. Vốn đã nghèo, cứ tưởng thêm người, thêm của, nhưng từ khi vợ chồng Khu về ở cùng, kinh tế gia đình nhà chồng thêm eo hẹp. Nhà chồng phải nuôi 2 vợ chồng trẻ lại còn phải trông cháu vì vậy cuộc sống thêm gieo neo.
Lên Sin Chải lần này, chúng tôi cảm nhận rõ hơn những hệ lụy của tảo hôn bởi vòng luẩn quẩn: tảo hôn – thất học – đói nghèo. Nhìn cảnh mấy chị em đọc mãi không hết nội dung tờ rơi tuyên truyền về công tác dân số kế hoạch hóa, chúng tôi phần nào thấy sự học của những “người mẹ trẻ con” ở Sin Chải. Cả bản có hơn 100 chị em, phần lớn đều tảo hôn và mù chữ, khi chưa đọc thông viết thạo thì dù có mở các lớp tập huấn về kỹ thuật sản xuất cũng không hiệu quả. Bởi không ghi chép được, nên nghe tai này, lại thông sang tai kia, kiến thức mang về áp dụng trong sản xuất chẳng đáng là bao. Vì thế, nhiều năm rồi, người Sin Chải vẫn cứ giữ tập quán canh tác cũ, dùng giống lúa địa phương lưu giữ từ bao đời làm mũi nhọn phát triển kinh tế nên Sin Chải còn không ít khó khăn.
Lập gia đình khi còn quá trẻ, thiếu các kỹ năng sống rồi sinh đẻ không có kế hoạch – cả bản có tới 80% số hộ sinh con thứ 3 cũng là nguyên nhân khiến cho Sin Chải thêm khó khăn trong xóa đói giảm nghèo. Để cải thiện tình hình dân số và giúp Sin Chải từng bước vượt khó, thời gian qua UBND xã đã tập trung chỉ đạo, tăng cường hoạt động đội ngũ cộng tác viên dân số, cử các tổ đoàn thể tới từng hộ tuyên truyền, vận động bà con tránh tảo hôn và sinh đẻ có kế hoạch.
Câu chuyện dân số ở Sin Chải và những hệ lụy của nó như một hồi chuông báo động về thực trạng dân số ở vùng cao. Để khắc phục, cần sự vào cuộc mạnh mẽ của cấp ủy, chính quyền và lòng nhiệt tình của các đoàn thể để từng bước thay đổi nhận thức, tạo chuyển biến tích cực cho bà con dân bản.