Theo GS Hà Tôn Vinh, việc xây dựng Hồ Tây thành điểm du lịch cần được các tổ chức, chuyên gia đóng góp ý kiến, tư vấn về vấn đề quy hoạch và thiết kế dự án.

Cải tạo Hồ Tây thành điểm du lịch: Cần đánh giá rõ nét tác động kinh tế, môi trường

tuyetnhung | 30/12/2016, 07:03

Theo GS Hà Tôn Vinh, việc xây dựng Hồ Tây thành điểm du lịch cần được các tổ chức, chuyên gia đóng góp ý kiến, tư vấn về vấn đề quy hoạch và thiết kế dự án.

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa cho biết, thành phố đã giao Sở Xây dựng và quận Tây Hồ khởi động lại dự án tổng thể Hồ Tây, trong đó sẽ xây dựng nơi đây thành điểm du lịch, vui chơi hấp dẫn của Thủ đô.

Hồ Tây luôn được xem là khu vực có tiềm năng về du lịch với nhiều lợi thế lớn về địa hình và không gian. Tuy nhiên, điểm đến này giờ đã trở nên vắng vẻ do ít dịch vụ, khu vui chơi... nên không thu hút được nhiều khách du lịch.

Cụ thể, quanh khu vực Hồ Tây hiện nay, điểm đến đáng chú ý là Công viên nước Hồ Tây với 14 khu trò chơi dưới nước và 15 khu trò chơi trên cạn, cùng kinh doanh ẩm thực và du lịch lữ hành... Song thời gian qua, hoạt động kinh doanh của công viên nước đã sụt giảm mạnh, lợi nhuận năm 2015 đã giảm gần 50%, chỉ đạt 5,06 tỉ đồng so với năm 2014.

Trước tình hình này, quyết định quy hoạch xây dựng lại Hồ Tây của thành phố Hà Nội đã nhận được sự quan tâm lớn của dư luận.

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới về vấn đề này, GS Hà Tôn Vinh cho rằng quyết định xây dựng Hồ Tây thành điểm du lịch hấp dẫn của Thủ đô được xem là tin vui cho ngành du lịch trong nước. Vì nếu dự án được thiết kế quy mô, mang đẳng cấp quốc tế thì chắc chắn sẽ thu hút lượng lớn khách du lịch trong nước và ngoài nước.

GS Hà Tôn Vinh

Tuy nhiên, chỉ ra thực trạng của điểm đến này hiện nay, GS Vinh cho rằngHồ Tây vẫn còn có nhiều rác, nước bị ô nhiễm trầm trọng.... Điều này thực tế đã không tạo cho du khách một cảm giác đáng nhớ và muốn trở lại. Theo đó, việc cải tạo lại nơi đây được xem là tín hiệu đáng mừng.

Xét về góc độ kinh tế, GS Vinh phân tích: "Nếu dự án này làm tốt và trở thành điểm nhấn của Thủ đô thì chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Vì dụkhách sẽ đến nhiều, nếu trước đây họ chưa đến hoặc họ chỉ ở nửa ngày thì khi nơi đây được cải tạo lại, quy mô hơn, họ sẽ ở thêm vài ngày để tham quan và sử dụng các dịch vụ du lịch, giải trí xung quanh hồ hay trên mặt hồ. Bên cạnh đó, các khu ăn uống, giải trí, tham quan nếu được thiết kế đẹp và đẳng cấp sẽ có thêm nhiều du khách và tăng thêm nguồn thu nhập cho doanh nghiệp cũng như nguồn thu cho thành phố.

Trên thế giới, các khu du lịch đẳng cấp và nổi tiếng đều được hình thành dọc theo bờ sông hay xung quanh hồ của thành phố, như bên dòng sông Seine ở thủ đô Paris, hay “dòng sông xanh” Danube ở thủ đô Budapest, khu Darling Harbor ở Sydney, Australia, khu du thuyền ở trung tâm thành phố Dubai của Tiểu vương quốc Ả rập...

Qua đó, tôi cho rằng vấn đề hiện nay không phải là có nên làm hay không dự án này, mà làm thế nào, làm sao để hài hòa được nét truyền thống văn hóa của Thủ đô Hà Nội với nhu cầu phát triển du lịch quốc tế, và gìn giữ và bảo vệ được môi trường sinh thái của Hồ Tây. Với cách làm hiện tại và tình trạng ô nhiễm của Hồ Tây không được xử lý tốt và triệt để, tôi sợ rằng Hồ Tây sẽ bị ô nhiễm trầm trọng hơn"

Bên cạnh đó, GS Vinh cũng kiến nghị rằng khi thực hiện dự án này cần đặc biệt quan tâm tới vấn đề thiết kế, nghiên cứu thị trường, tâm lý khách hàng, khách du lịch, và tham khảo ý kiến cộng đồng trong và ngoài nước về tác động kinh tế và môi trường.

Trong khi đó, theo ý kiến của một số doanh nghiệp kinh doanh quanh khu vực Hồ Tây, dự án biến Hồ Tây thành địa điểm du lịch sẽ mang lại lượng khách và doanh thu lớn cho người dân, doanh nghiệp tại khu vực.

Đại diện một doanh nghiệp kinh doanh xe điện ở khu vực Hồ Tây cho rằng ngoài việc xây 2 đài phun nước như Chủ tịch UBND TP.Hà Nội yêu cầu, Hà Nội nên mở thêm các loại hình vui chơi giải trí khác như: tàu lượn siêu tốc, phố đi bộ, khu mua sắm, phố sách... quanh Hồ Tây

Trong năm 2016, ước tính Hà Nội sẽ đón 4 triệu lượt khách quốc tế, tăng 22,6% so với năm trước và hơn 17,8 triệu lượt khách du lịch nội địa, tăng 8,5% so với năm trước. Tổng thu từ khách du lịch cả năm 2016 dự kiến đạt 62.329 tỉ đồng

Mục tiêu đến năm 2020, Hà Nội phấn đấu đón 30 triệu lượt khách, trong đó có 5,7 triệu lượt khách quốc tế, tốc độ tăng trung bình từ 8-10%/năm. Tổng thu từ khách du lịch đến năm 2020 đạt 120.000 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân từ 15-17%/năm.

Trong phiên họp HĐND thành phố ngày 5.12 vừa qua, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, Thành phố giao Sở Xây dựng khởi động lại dự án tổng thể Hồ Tây,trong đó sẽ xây dựng nơi đây thành điểm du lịch, vui chơi hấp dẫn của Thủ đô

Theo Chủ tịch Thành phố, để biến Hồ Tây thành khu du lịch lớn của Thành phố trong tương lai cần một kế hoạch tổng thể, quận Tây Hồ không thể đảm đương được, mà Thành phố phải vào cuộc. Thành phố đã quyết định giao nhiệm vụ này cho Sở Xây dựng. Chính vì vậy, Thành phố không thể bố trí vốn cho Ban quản lý Hồ Tây được.

Chủ tịch UBND Thành phố cho biết thêm, để làm sạch Hồ Tây một cách cơ bản, phải tiến hành nạo vét; làm sạch nước môi trường Hồ Tây; hoàn thiện nốt việc thu gom cửa xả nước thải Hồ Tây về một đầu mối xử lý nước thải; đề xuất làm một cột phun nước cao 180-200m để tạo điểm nhấn. Trong đó riêng về nạo vét, theo khảo sát của 3 công ty tư vấn độc lập, ước tính cần phải nạo vét hơn 1,2 triệu khối bùn và cần chi phí từ 170-180 tỉ đồng.

Để cải tạo cảnh quan và môi trường Hồ Tây, UBND Thành phố cũng đã làm việc với CLB đua thuyền Hồ Tây để cải thiện vệ sinh khu vực thuộc CLB quản lý. CLB đã có công văn xin tặng TPmột cầu tàu tiêu chuẩn để sắp tới phục vụ việc đua thuyền, lướt ván Hồ Tây.

Tuyết Nhung
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Bước tiến mới cho Internet Việt Nam - Bứt phá với DC, Cloud, 5G và AI
một giờ trước Khoa học - công nghệ
Hội thảo, Triển lãm Internet Day 2024 diễn ra tại Hà Nội với chủ đề “Bước tiến mới cho Internet Việt Nam - Bứt phá với DC, Cloud, 5G và AI”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cải tạo Hồ Tây thành điểm du lịch: Cần đánh giá rõ nét tác động kinh tế, môi trường