Ở tuổi 73, Brenda Scofield khiến nhiều người kinh ngạc vì một cuộc đời đầy biến động. Từng quản lý cửa hàng thời trang 18+ nổi tiếng gây tranh cãi tại Hồng Kông, nay là nhà sáng lập tổ chức phi chính phủ đấu tranh trước vấn nạn tự tử, Scofield chia sẻ, bà luôn “sẵn lòng lắng nghe và không phán xét bất kì ai”.

Cách một chủ shop thời trang người lớn tư vấn chống nạn tự tử

09/05/2020, 09:02

Ở tuổi 73, Brenda Scofield khiến nhiều người kinh ngạc vì một cuộc đời đầy biến động. Từng quản lý cửa hàng thời trang 18+ nổi tiếng gây tranh cãi tại Hồng Kông, nay là nhà sáng lập tổ chức phi chính phủ đấu tranh trước vấn nạn tự tử, Scofield chia sẻ, bà luôn “sẵn lòng lắng nghe và không phán xét bất kì ai”.

Ít người có thể trải nghiệm ‘hành trình’ cuộc sống đổi dời liên tục đến khó tin như Brenda Scofield. Hẳn cũng hiếm có ai đủ sức kinh qua hàng loạt công việc đa dạng như những gì bà trải qua trong quá khứ.

Từ một giáo viên, đến làm chủ cửa hàng thời trang chuyên bày bán quần áo và đồ chơi người lớn, thử sức với lĩnh vực âm nhạc, mỹ thuật, về sau trở thành tư vấn viên được cấp phép hỗ trợ đấu tranh cho bình đẳng tính dục cũng như ngăn ngừa, phóng chống nạn tự tử, người phụ nữ da trắng 73 tuổi đã gắn bó nhiều năm với mảnh đất Hương Cảng sầm uất, giờ đây đang nắm giữ vô số hoài niệm sống thú vị.

Thoạt nhìn, mỗi công việc kể trên dường như không liên quan gì đến nhau, duy theo Scofield, tất cả trải nghiệm lao động của bà đều có chung một giá trị: để nuôi dưỡng kết nối con người, và để trải lòng, chia sẻ cùng những người bạn đến từ muôn nẻo ‘đường đời’.

Scofield có lúc bất đắc dĩ trở thành tâm điểm săm soi của dư luận vào năm 2001, sau khi cảnh sát địa phương đột ngột khám xét cửa hàng thời trang người lớn ‘Fetish Fashion’ bà làm chủ, từng tọa lạc tại quận trung tâm Hồng Kông. Mọi người đều tò mò về lý do một giáo viên ngoại quốc lại muốn tham gia vào loại hình kinh doanh 18+ đầy tranh cãi. Không ít tờ báo thậm chí quan ngại, liệu bà có ý định bất minh nào khi đứng tên một địa chỉ được gắn mác ‘sex shop’.

Scofield bên trong Festish Fashion, năm 2002.

Bấy giờ, Scofield và người đồng quản lý cửa hàng phải đối diện loạt cáo buộc về kinh doanh những mặt hàng 18+, thứ vốn khi ấy không thật sự được khuyến khích tại đô thị châu Á như Hương Cảng. Chồng bà, Laurence, bị tố cáo “xúi giục” và “tiếp tay” cho hoạt động buôn bán của Scofield.

Bằng chứng trong vụ xử án được thu thập bởi một nhân viên cảnh sát ‘chìm’, người từng trà trộn tham dự một số sự kiện tụ họp ở Fetish Fashion.

Gần 2 thập niên sau, Scofield, dẫu nay đã là một phụ nữ lớn tuổi với mái tóc ngã màu, vẫn năng nổ tường thuật lại vụ việc một thời gây xôn xao dư luận. Lòng nhiệt huyết, sự tự tin ở bà dễ khiến người đối diện cảm phục.

Scofield mô tả trải nghiệm tại tòa án khi ấy như “một nỗi bất công quá lớn”, và rằng, bà đã bị “hiểu lầm bởi tư tưởng ngờ vực”.

Từ góc nhìn của Scofield, Fetish Fashion đơn thuần là chốn lui tới dành cho những người muốn khám phá dấn ấn mới mẻ về tình dục, giữa bầu không khí an toàn, không kỳ thị hay phán xét.

Bà nói, “Phải biết chấp nhận con người thật của bạn. Cũng như chúng ta chẳng thể lựa chọn bản thân đồng tính hay dị tính. Điều quan trọng nhất là học cách sống thanh thản với con người thật trong bạn”.

Chịu buộc tội, ‘vấy bẩn’ danh dự theo cách không hề trông đợi, Scofield hồi tưởng: “Bị lấy dấu vân tay, bị cách ly tạm thời và không thể liên lạc cùng ai,.. đấy đều là những trải nghiệm hoàn toàn mới với tôi, và tôi thật không biết gì về quy trình kết án. Tôi chưa từng nhận dù là một tờ vé phạt chạy xe quá tốc độ”, bà bày tỏ.

Ảnh chụp bên ngoài Festish Fashion, năm 2001.

Scofield sinh tại South Wales (phía đông nước Anh, giáp xứ Wales), trong một mái ấm gia đình chịu nhiều ảnh hưởng từ nghệ thuật và âm nhạc. Bà đến Hồng Kông năm 1977 cùng người chồng đầu tiên.

Là đứa con độc nhất không nghĩa là bà được bố mẹ nuông chiều. Ngược lại từ nhỏ, Scofield phải làm quen một lối sống kĩ luật, thiếu vắng sự bày tỏ tình cảm.

Người mẹ nuôi dưỡng cô con gái duy nhất bằng những luật lệ đặc biệt khắc nghiệt. Để có thể xây dựng nhân cách cứng cỏi, Scofield bị hạn chế tối đa kể cả một số tiếp xúc thân mật thông thường như ôm hôn, vốn mẹ bà quy định không được kéo dài quá 10 phút mỗi ngày.

“Mẹ tôi cứng rắn theo cách xã hội Anh từng chấp nhận rộng rãi những năm 1940, 50”, Scofield hồi tưởng. “Tôi duy trì mối quan hệ tôn trọng nhưng xa cách với bà ấy. Bố lại là người tôi dành nhiều thời gian bên cạnh. Chúng tôi cùng chia sẻ tình yêu nghệ thuật, và tôi luôn cảm nhận được rằng ông thấu hiểu tôi”.

Ngày còn bé, Scofield ‘lắp đầy’ nỗi thiếu hụt về kết nối tình thân bằng cách chơi đùa cùng bạn bè. Bà kể, “thời ấy tôi chơi đùa cạnh đám bạn trên phố, nghĩ ra đủ loại trò chơi khi tất cả chúng tôi đều không có tiền, khi tuổi thơ mang khái niệm vui tươi và tự do hơn bây giờ”. Tạo lập những mối liên kết người với người, từ đó, dần trở thành một mục đích quan trọng trong cuộc đời Scofield.

“Nó là một thứ ‘nhựa sống’ với tôi. Một ‘sợi dây’ kết nối nhân sinh chân thành, chân thật, bất kể nó ngắn ngủi ra sao. Tôi không nghĩ chúng ta nhận ra mỗi người có thể tạo nên khác biệt đến đâu khi bạn dành cho ai đó một câu khen ngợi, một nụ cười hay lời chào hỏi thân thiện”, bà nói.

“Mọi người đang sống vội quá. Có thể ngồi bên ai đó cần được trò chuyện, im lặng lắng nghe họ chính là một ‘món quà’ tinh thần bạn dành tặng họ, và cả chính bạn. Phải sống như một con người, và phải kết nối cùng nhau. Bạn có gì để mất đâu chứ?”.

Một Scofield tươi cười trước ống kính báo chí sau khi rời phiên xử tại tòa án năm 2002.

Một hồi ức thú vị xoay quanh vụ kết án năm xưa, đáng ngạc nhiên thay, đến từ viên cảnh sát ‘chìm’ tên Dave, người bà thường gọi vui là ‘Dave mông to’ do thân hình tròn trĩnh của anh.

“Anh ấy cũng chỉ là một trong những vị khách tử tế đến với cửa hàng của tôi, có mặt trong một số bữa tiệc. Anh làm việc thầm lặng và cũng chỉ vì hoàn thành trách nhiệm công việc”.

Không lâu sau khi vụ việc khép lại, bà nhớ có lần thoáng thấy Dave trên phố, trong một chiếc xe chạy cùng chiều. Họ vẫy tay chào nhau, và cảm nhận kết nối vẫn nguyên vẹn. Scofield tin rằng, dù liên kết chúng ta tạo ra có chóng vánh chăng nữa, nó luôn để lại dư âm trong cuộc đời mỗi người.

“’Sợi dây’ liên kết của bạn có thể kéo dài vài phút, vài tuần, hay một đời. Chúng ta nhớ đến mỗi khoảnh khắc như thế, khi người và người gặp gỡ nhau chân thành. Chúng ta thường chọn cách đeo ‘mặt nạ’ vốn giúp bảo vệ bản thân. Đấy là điều tự nhiên thôi, vì lớp ‘mặt nạ’ xã giao giúp xã hội vận hành trơn tru hơn. Nhưng khi bạn lờ đi chiếc mặt nạ để tạo lập một kết nối tinh thần đúng nghĩa, tâm hồn bạn sẽ như được truyền thêm sức sống”.

Scofield, tuy nhiên, cũng nhấn mạnh vào ý nghĩa quan trọng của việc tiếp nhận con người thật ở mỗi người. Bà nhấn mạnh, hiểu mình khác biệt ra sao là điều tiên quyết để thật sự sống đúng.

Nỗ lực thúc đẩy ý chí sống tốt đẹp và truyền tải những thông điệp kết nối nhân sinh ở Scofield đã được minh chứng qua hàng loạt công việc, ngành nghề bà từng trải. Tất cả kinh nghiệm ấy giúp bà có thêm những mối liên kết xã hội lý thú. “Tôi giờ đây là ‘tổng hợp’ có được từ những trải nghiệm, và tôi sẽ tiếp tục thu thập thêm nhiều trải nghiệm nữa”, bà nói.

Hiện thời, Scofield làm việc với tư cách nhà điều hành và cố vấn một đường dây nóng chuyên phòng chống vấn nạn tự tử. Một vị trí, có lẽ, đòi hỏi vốn sống và tinh thần kết nối ở bà nhiều hơn bất kì công việc nào khác.


“Công việc này đã lôi kéo tôi”, bà tiết lộ. Scofield cho biết, nhà sáng lập tổ chức phi chính phủ kể trên (đặt trụ sở tại Anh), tóm lược vai trò một tư vấn viên qua câu nói ngắn gọn: “Bạn chỉ phải làm một việc duy nhất, đó là thể hiện tình người qua chiếc điện thoại”.

“Chúng tôi không cho lời khuyên. Chúng tôi đơn giản là lắng nghe từng cá nhân gọi đến tìm hỗ trợ, không phán xét, không kỳ thị bất kì ai. Được lắng nghe và được chấp nhận như chính con người thật của bạn, đấy chẳng phải điều mỗi người chúng ta đều mong muốn sao?”.

Như Ý (tin, ảnh: SCMP)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
10 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cách một chủ shop thời trang người lớn tư vấn chống nạn tự tử