Trần Thái Tông đã có dự định rõ ràng để cho không chỉ Trần Nhân Tông mà cả con của Trần Nhân Tông cũng là sự kết hợp của hai nhánh nhà Trần, để hậu duệ không còn bị tác động xấu từ mối oan tình giữa Thái Tông Trần Cảnh và An sinh vương Trần Liễu.

Các vua Trần cưới chị em họ để hóa giải mối oan tình

02/07/2018, 07:46

Trần Thái Tông đã có dự định rõ ràng để cho không chỉ Trần Nhân Tông mà cả con của Trần Nhân Tông cũng là sự kết hợp của hai nhánh nhà Trần, để hậu duệ không còn bị tác động xấu từ mối oan tình giữa Thái Tông Trần Cảnh và An sinh vương Trần Liễu.

Hình ảnh một hoàng hậu thời Lý - Trần trên phim ảnh - Ảnh: Internet

Hôn nhân của các vua Trần được coi là đặc biệt trong lịch sử Việt Nam vì xu hướng chủ đạo là kết hôn với người trong họ. Trong số 11 vua Trần (trừ Trần Thiếu Đế quá nhỏ) lập hoàng hậu thì có 9 người chọn chính cung là người cùng họ. Ngoài việc để củng cố quyền lực, tránh họa ngoại thích thì các mối duyên thời kỳ đầu còn nhằm để hóa giải mối oan tình giữa hai nhánh.

Mối oan tình này do Trần Thủ Độ gây ra khi ông ép vua Trần Thái Tông phải bỏ Lý Chiêu Hoàng để kết hôn với người chị họ, chị vợ và oan nghiệt nhất là chị dâu Thuận Thiên công chúa. Trước đó, Thuận Thiên công chúa là vợ của An Sinh vương Trần Liễu và khi bị đưa vào cung thì Thuận Thiên công chúa còn đang mang trong bụng thai nhi 3 tháng là con với Trần Liễu.

Chuyện tại sao Trần Thủ Độ lại chủ trương hành động vô luân và kỳ lạ như vậy thì chúng tôi đã bàn trong bài: "Thử giải mã chuyện Trần Thủ Độ ép Trần Thái Tông lấy chị dâu". Trong vụ hôn nhân gượng ép giữa Trần Thái Tông và Thuận Thiên công chúa thì Trần Liễu là người có lý do căm hận nhất khi mất cả vợ và con trong bụng (sau khi Quốc Khang ra đời thì nhận Trần Thái Tông là cha). Vì vậy, sử chép "Trần Liễu tức giận, tụ tập nhiều người ở sông Cái, nổi loạn"

Trần Liễu ở ngoài biển được hai tuần , tự biết việc mình làm không thể thành công được, nhân khi nhà vua ra chơi thuyền ở ngoài sông, Liễu giả dạng làm người đánh cá, lẻn đi thuyền độc mộc đến thuyền nhà vua xin hàng, nhà vua cùng Liễu đối diện nhau mà khóc. Thủ Độ nghe tin, đến thẳng thuyền nhà vua, tuốt gươm quát lên rằng: "Giết thằng giặc là Liễu". Nhà vua thấy thế, vội vàng đẩy Trần Liễu ẩn vào trong thuyền rồi bảo Thủ Độ rằng: "Phụng Kiền vương đến xin đầu hàng đấy". Miệng nói, nhưng lấy mình che đỡ cho Trần Liễu. Thủ Độ giận lắm, vất gươm xuống sông, nói rằng: "Tao thật là con chó săn, biết đâu anh em mày hòa thuận với nhau hay trái ý nhau". Nhà vua đứng ra hòa giải, dụ dỗ Trần Liễu phải bãi binh, rồi lấy đất An Phụ, An Dưỡng, An Sinh và An Bang ban cho Liễu để thu lấy tô thuế làm bổng lộc, lại nhân tên đất đã phong ấy cho Trần Liễu hiệu là An Sinh vương, còn những người theo Trần Liễu khởi loạn ở sông Cái đều bị giết.

Như vậy có thể thấy Trần Thái Tông ngay khi ấy đã tìm cách hóa giải mối hiềm khích giữa hai anh em. Và không chỉ đảm bảo tính mạng, phong đất cho anh trai Trần Liễu, Trần Thái Tông còn dùng hôn nhân để hóa giải mối oan tình sâu nặng giữa con cháu mình và con cháu của Trần Liễu. Năm 1258, Trần Hoảng, tức Trần Thánh Tông (con trai của Trần Thái Tông và Thuận Thiên công chúa) lên ngôi. Ngay sau khi lên ngôi, vào tháng 8 năm đó, Trần Thánh Tông lập Trần Thị làm Hoàng hậu. Trần Thị là con gái An Sinh vương Liễu, nhà vua lấy làm vợ, phong là Thiên cảm phu nhân, rồi lại sách lập làm Hoàng hậu.

Cần nhớ thời điểm đó, việc Thánh Tông lấy ai hay lập ai làm hoàng hậu đều do vua cha Trần Thái Tông chủ trì. Do Thái Tông rất muốn hàn gắn quan hệ giữa hai nhánh nhà Trần nên muốn con trai mình lấy con gái của Trần Liễu. Như vậy thì người về sau lên ngôi kế thừa cơ nghiệp nhà Trần sẽ là hậu duệ của hai nhánh.

Thời điểm được lập làm hoàng hậu, Thiên cảm phu nhân hay Nguyên Thánh Thiên Cảm hoàng hậu đang mang thai và cuối năm thì sinh hạ ra Trần Khâm, tức Trần Nhân Tông, người là cháu nội của Trần Thái Tông và là cháu ngoại của An Sinh vương Trần Liễu. Đó mới chỉ là lớp 1 của việc thắt chặt 2 nhánh nhà Trần.

Năm 1274, ở tuổi 16 tuổi, Trần Khâm được vua cha sách phong làm hoàng thái tử và tất nhiên quyết định quan trọng này phải được vua ông là Trần Thái Tông thông qua vì mãi đến 1277, Trần Thái Tông mới qua đời. Có lẽ Trần Thái Tông muốn tiếp tục thắt thêm lớp 2 mối giao hảo giữa hai nhà nên định danh sớm cho Trần Nhân Tông. Sau khi Nhân Tông Trần Khâm được phong làm thái tử thì lập Bảo thánh phu nhân làm Thái tử phi. Khâm Từ Bảo thánh phu nhân chính là con gái của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, và cháu nội của Trần Liễu. Như vậy thì mối liên kết giữa vua Trần và nhánh của chi Trần Liễu lại được cột thêm một mối thâm tình nữa.

Trần Thái Tông đã có dự định rõ ràng để cho không chỉ Trần Nhân Tông mà cả con của Trần Nhân Tông cũng là sự kết hợp của hai nhánh nhà Trần, để hậu duệ không còn bị tác động xấu từ mối oan tình giữa Thái Tông Trần Cảnh và An sinh vương Trần Liễu.

Tâm nguyện hóa giải oan tình đó của Trần Thái Tông đã được nhấn mạnh thêm lần nữa trước khi qua đời. Tháng 10.1276, khoảng 7 tháng trước khi Trần Thái Tông qua đời thì cháu nội của ông là Trần Nhân Tông và Bảo thánh phu nhân đã sinh ra Trần Thuyên, tức Trần Anh Tông. Để làm vui lòng Thái thượng hoàng, Trần Thánh Tông đã phong luôn cho Trần Anh Tông là hoàng thái tôn. Như vậy, rất hiếm hoi trong lịch sử nước ta mà lúc đó định danh sẵn 4 vị vua quá khứ lẫn tương lai là Trần Thái Tông (thái thượng hoàng) - Trần Thánh Tông (vua) - Trần Nhân Tông (hoàng thái tử) - Trần Anh Tông (hoàng thái tôn) và trong số đó thì Nhân Tông và Anh Tông mang trong mình cả dòng máu hai nhánh Thái Tông Trần Cảnh - Trần Liễu.

Chuyện hôn nhân kết tình giữa hai nhánh vẫn chưa hết. Cuối 1292, Trần Nhân Tông phong Hoàng thái tôn Trần Thuyên làm Hoàng thái tử, khi ấy ông đã 16 tuổi. Ngay dịp đó, Nhân Tông chủ trì luôn chọn Bảo Từ Thuận Thánh phu nhân để Anh Tông lập làm Thái tử phi. Bảo Từ Thuận Thánh phu nhân là con gái của Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng, tức cháu nội của Hưng đạo vương Trần Quốc Tuấn. Như vậy có thể thấy Nhân Tông đã hiểu dụng ý của ông nội Trần Thái Tông trong việc kiên định dùng hôn nhân để hóa giải oan tình giữa hai nhánh và muốn vua của nhà Trần là sản phẩm kết hợp của cả hai nhánh.

Chính vì vậy, Trần Nhân Tông dù có lúc rất không hài lòng với Trần Anh Tông vì hay uống rượu và định phế ngôi vua nhưng sau khi nghĩ lại thì vẫn để người con đặc biệt này tiếp tục giữ ngôi. Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép: Khi bấy giờ thượng hoàng từ phủ Thiên Trường về kinh, các quan trong triều đều không ai biết cả. Nhà vua uống rượu xương bồ, say, nằm ngủ, đánh thức mãi không dậy. Thượng hoàng đi thong thả, xem khắp các cung điện một hồi lâu. Lúc người hầu nội dâng cơm, Thượng hoàng không thấy nhà vua, lấy làm lạ, liền hỏi, sau khi biết chuyện, Thượng hoàng giận lắm, lập tức trở về Thiên Trường, hạ chiếu cho trăm quan đến ngày mai phải tề tập để nghe chỉ dụ. Đến quá trưa, nhà vua mới tỉnh dậy. Cung nhân đem việc đó tâu bày, nhà vua sợ quá, đi bộ ra ngoài cửa cung. Khi đi qua chùa Tư Phúc, gặp người học trò là Đoàn Nhữ Hài, nhà vua ban hỏi. Nhữ Hài vội vàng cúi rạp xuống đất thưa là "học trò đi học". Nhà vua cho theo vào cung, bảo rằng: "Mới đây trẫm say rượu, bị Thượng hoàng hỏi tội, nay muốn dâng biểu tạ tội, nhà ngươi nên thảo giúp ta tờ biểu ấy". Nhữ Hài vâng lời, thảo xong ngay. Nhà vua liền dùng chiếc thuyền nhỏ, cho Nhữ Hài đi theo, đêm đi đến Thiên Trường. Sớm hôm sau, sai Nhữ Hài đội tờ biểu dâng lên, Thượng hoàng hỏi: "Người dâng biểu là người nào?". Người hầu cận thưa rằng: "Đấy là người của quan gia sai dâng biểu tạ tội". Thượng hoàng không nói gì cả. Trời gần tối, gió mưa kéo đến ầm ầm, Nhữ Hài vẫn quỳ yên không di chuyển. Thượng hoàng bèn cho người lấy tờ biểu vào xem, thấy lời lẽ ý tứ trong tờ biểu thành khẩn thiết tha, mới cho triệu nhà vua vào dạy rằng: "Trẫm không còn có người con nào nữa để nối ngôi vua hay sao? Nay trẫm còn sống mà còn như thế, nếu sau này sẽ ra thế nào?". Nhà vua cúi đầu tạ tội".

Nếu không phải vì Trần Anh Tông là cháu ngoại của Hưng đạo vương Trần Quốc Tuấn, chắt ngoại của An Sinh vương Trần Liễu thì chưa chắc đã được Trần Nhân Tông dễ dàng tha thứ như vậy. Anh Tông cũng là một vị minh quân nhà Trần, chỉ tiếc là Bảo thánh phu nhân không sinh ra hoàng nam nào để tiếp nối truyền thống vua Trần là người của hai nhánh Thái Tông Trần Cảnh - Trần Liễu. Nhưng đến đời của Trần Anh Tông thì mối oan tình đó dường như đã hóa giải. Các vua Trần sau đều mang trong mình dòng máu của nhánh Trần Liễu nên có cái nhìn rất khoan dung với thời trước.

Anh Tú

Đọc thêm:

Vua Trần Thái Tông và nỗi oan tình chơi hoa rồi lại bẻ cành bán rao

Điểm chung giữa Trần Thái Tông và Thành Cát Tư Hãn trong việc đối đãi với con hờ

Nhà Lý mất nước vì nạn thái hậu tham nhũng quyền lực

Trần Thủ Độ dẹp nạn thái hậu tham nhũng quyền lực

Nhà Trần chống ngoại thích bằng hôn nhân cận huyết mà vẫn sơ hở

Số phận buồn đau của 2 hoàng hậu ngoại tộc khiến nhà Trần mất ngôi

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Các vua Trần cưới chị em họ để hóa giải mối oan tình