Lở đất có thể xuất hiện trên khắp Trái đất, bao gồm 7 lục địa và các đáy đại dương. Các chuyển động khối lượng lớn tương tự cũng được phát hiện ở các hành tinh đất đá trong hệ Mặt trời, trong đó có Mặt trăng.
Vậy nguyên nhân nào gây ra sạt lở đất? Trên Trái đất, các nguyên nhân có thể do áp lực nước ngầm, đất ướt hoặc thiếu các kết cấu thực vật để giữ đất, mưa lớn, băng tan hay động đất… Trên Mặt trăng hiển nhiên không có nhiều nước để tạo điều kiện thuận lợi cho các vụ lở đất, thay vào đó là vấn đề về lực hấp dẫn.
Sườn núi lửa hoặc hố va chạm có thể trở nên quá dốc dẫn đến mất ổn định và lãng phí khối lượng. Khi lực hấp dẫn tác dụng lên một độ dốc vượt quá lực cản của nó thì sạt lở sẽ xảy ra. Hình ảnh từ Tàu quỹ đạo trinh sát Mặt trăng (LRO) của NASA cho thấy một ví dụ về lở đất trên Mặt trăng, với các đường trượt tịnh tiến theo sườn của hố va chạm Kepler.
Các nhà khoa học nói rằng các vật chất vụn vỡ thường di chuyển xuống sườn dốc của các hố va chạm như Kepler. Việc quan sát những vụ lở đất như vậy trên Mặt trăng lần đầu tiên được thực hiện trong chương trình Apollo, khi các phi hành gia quan sát và chụp ảnh vệ tinh này từ module chỉ huy khi ở trên quỹ đạo Mặt trăng.
Máy ảnh độ phân giải cao của LRO (LROC) cho phép các nhà khoa học nghiên cứu cảnh quan trên Mặt trăng một cách chi tiết. Các nhà khoa học hành tinh giờ đây đã biết rằng chuyển động trên các sườn dốc của miệng núi lửa hay hố va chạm, có thể là vật chất chuyển động xuống sườn dốc theo thời gian hoặc xảy ra với một lượng lớn các mảnh vỡ đổ xuống dốc cùng lúc.
Theo các nhà khoa học, nhiều vụ lở đất xảy ra dọc theo các sườn của hố va chạm Kepler (có độ dốc khoảng 33 độ). Trong những hình ảnh được công bố, sự sụt lở của vật chất tối bắt đầu khoảng 100 mét bên dưới mép của một hẻm núi hình hộp rộng khoảng 50m và dài 300m. Vụ lở đất kéo dài khoảng 2.300m từ cuối hẻm núi đến chân của vết trượt đất.
Hồi tháng 11.2019, các mẫu vật được lấy từ Mặt trăng trong sứ mệnh Apollo 17 lần đầu tiên được tiếp xúc với môi trường Trái đất sau 47 năm được cất giấu kỹ lưỡng trong nhà kho của NASA.
Các mẫu vật được mở ra bao gồm một viên đá và sỏi được đánh số lần lượt là 73001 và 73002, do hai nhà du hành vũ trụ Eugene Cernan và Jack Schmitt đem về Trái đất sau sứ mệnh Apollo 17 năm 1972. Trong đó, mẫu 73002 được lấy từ lớp đất bao phủ bề mặt Mặt trăng - hay còn được gọi là regolith - được hình thành do tác động của thiên thạch.
NASA khẳng định việc phân tích hai mẫu vật này có thể giúp các nhà khoa học có được những thông tin hữu ích về Mặt trăng, kể cả lịch sử những xáo trộn trên bề mặt Mặt trăng, sự xuất hiện của các vụ lở đất đá tại đây cũng như quá trình phát triển của lớp đất bao phủ hành tinh này.