“Vấn đề hiện nay là phải chỉ rõ trách nhiệm. Còn nếu nói chỉ nói để đấy thôi thì không được. Chứ cái gì tốt, đúng thì anh nhận, còn sai thì đổ lỗi cho tập thể là không được” – chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nói với báo điện tử Một Thế Giới về các dự án nghìn tỉ “đắp chiếu”, thua lỗ.

Các dự án nghìn tỉ thua lỗ: Cần truy trách nhiệm rõ ràng!

Trí Lâm | 30/05/2016, 05:28

“Vấn đề hiện nay là phải chỉ rõ trách nhiệm. Còn nếu nói chỉ nói để đấy thôi thì không được. Chứ cái gì tốt, đúng thì anh nhận, còn sai thì đổ lỗi cho tập thể là không được” – chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nói với báo điện tử Một Thế Giới về các dự án nghìn tỉ “đắp chiếu”, thua lỗ.

Hàng loạt dự án gây lãng phí

Từng được kỳ vọng sẽ tạo ra những đột phá về kinh tế, tuy nhiên, không ít dự án được đầu tư hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn tỉ đồngtrong thời gian gần đây đã nhanh chóng rơi vào tình trạng thua lỗ, thoi thóp hoặc “đắp chiếu”.

Với số vốn đầu tư lên tới 7.000 tỉ đồng, Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ (PVTex, Hải Phòng) đã đứng trước nguy cơ phá sản chỉ sau hơn một năm hoạt động dothua lỗ liên tiếp. Nhà máy chỉ vận hành khoảng 7tháng mà đãlỗ hơn 1.085 tỉ đồng, doanh thu không đủ bù chi phí tối thiểu, khoảng 1.000 công nhân viên PVTex phải tạm nghỉ việc.

Tiếp đến là dự án gang thép Thái Nguyên. Đến nay công ty nàyđã chi cho dự án trên 4.565 tỉ đồng, mỗi tháng chịu khoảng 30 tỉ đồng tiền lãi vay, chưa tính thêm các chi phí khác. Nhiều năm nay dự án vẫn “đắp chiếu’’ và đứng trước tình thế “bỏ thì thương, vương thì tội’’.

Tình trạng đắp chiếu cũng tương tự như dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học Ethanol Phú Thọ với số vốn đầu tư 2.400 tỉ đồng đang nằm bất động hơn 4 năm nay. Chủ đầu tư trực tiếp là Công ty cổ phần Hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB).

Ngoài ra, còn rất nhiều dự án tương tự khiến thất thoát, lãng phí và ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế đất nước, làm hao mòn tài sản công và gây ra nhiều hệ lụy đến xã hội như dự án Đạm Ninh Bình lỗ 2.000 tỉ đồngsau 4 năm, nhà máy 12 nghìn tỉ này rơi vào“sống dở chết dở”; rồidự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam;Vinashin, Vinalines…

Đầu tư thiếu tính toán, khó quy trách nhiệm!

Nói tại tọa đàm “Lối thoát cho những đại dự án đang thoi thóp” mới đây, ông Tăng Ngọc Tráng - Vụ phó Vụ Giám sát và thẩm định đầu tư (Bộ Kế hoạch - Đầu tư) cho biếtcác dự án trên phần lớn được quyết định đầu tư trong giai đoạn phân cấp đầu tư rất lớn cho các bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp chịu trách nhiệm. Các dự án này Bộ KH-ĐT không tổ chức thẩm định.

Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằngnguyên nhân quan trọng nhất trong quá trình đầu tư làthiếu tính toán cẩn thận về mặt hiệu quả, gây lãng phí của cải, nhất là trong bối cảnh tiềm lực có hạn. Trong quá trình triển khai lại thiếu cơ chế giám sát, kiểm tra nên những sai sót không được chỉ ra và xử lý từ sớm.

Còn theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, vấn đề ở đây là tư duy, làm ra sản phẩm không tính tới vấn đề giá thành, hiệu quả kinh tế.

“Theo tôi, mỗi dự án phải bắt đầu bằng bản nghiên cứu khả thi một cách nghiêm túc,nếu không khả thi thì không làm, đừng có vì những lý do gì khác mà cứ thúc đẩy các dự án chưa được nghiên cứu đầy đủ về lợi ích kinh tế và điều kiện của thị trường để dẫn tới vấn đề không hiệu quả” – ông Thành nói.

Đồng tình với điềuđó, ông Nguyễn Văn Hùng - nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Xây dựngnhận định: “Những đại dự án “thoi thóp” do lỗi hệ thống. Dự án trước tiên phải đượcquy hoạch. Quy hoạch xuất phát từ nhu cầu. Lập dự án tiền khả thi vềtrách nhiệm củaai, trách nhiệm thế nào đã, sau đó mới đi vào dự án chi tiết.

“Tôi cho rằng cơ chế xin-cho là nguy hiểm. Nếu chúng ta không tách doanh nghiệp ra khỏi các bộ, nếu chúng ta không minh bạch về quy trình, về trách nhiệm, nếu không cải tiến về hệ thống thì hỏng” – ông Hùng nói.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương, những dự án này gây lãng phí, hao mòn tài sản công, nảy sinh tiêu cực nhưng chưa thấy ai chịu trách nhiệm. Điều này cũng cho thấy việc quản lý, giám sát chủ sở hữu nhà nước không tốt, không rõ trách nhiệm. Cần thiết phải có cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu nhà nước.

Theo ông Bùi Kiến Thành, nguyên nhân dẫn tới thực trạng này là tư duy công lao của cá nhân nhưng trách nhiệm tập thể nên không ai chịu trách nhiệm. Để xử lý vấn đề, chúng ta phải bắt nguồn từ đào tạo nhân lực. Đặt người có đúng chỗ hay không? Người đó được đào tạo ra sao? Có thực sự đủ tầm và đủ tài để làm việc hay không?

Đồng tình với nhận định này, ông Ngô Trí Long cho hay: “Vấn đề hiện nay là phải chỉ rõ trách nhiệm. Còn nếu nói chỉ nói để đấy thôi thì không được. Chứ cái gì tốt, đúng thì anh nhận, còn sai thì đổ lỗi cho tập thể làkhông được. Tuy nhiên, liệu có quy trách nhiệm được hay không thì hiện nay rất khó nói” – ông Long nói.

Đâu là giải pháp?

Theo ông Tăng Ngọc Tráng, cần tổ chức đánh giá toàn diện, làm rõ nguyên nhân, quy trách nhiệm cụ thể của các bên liên quan. Phải làm rõ chi phí tiếp tục bỏ ra so với lợi ích dự án mang lại. Trên cơ sở đó, ta mới có thể có được phương án cụ thể với từng dự án, không thể có biện pháp chung giải quyết cho tất cả các dự án.

Còn theo ông Ngô Trí Long, phải xem tìm đối tác có tiềm lực để liên kết liên doanh, nếu còn cảm thấy cứu vớt được thì cho hoạt động tiếp, còn không thì phải bỏ đi. Thà cắt đau còn hơn cứ phải chịu lỗ, không có hiệu quả.

“Đây là bài học răn đe cho những dự án sắp tới. Nếu cứ để đó, không có giải pháp thì các dự án sau cũng vấp phải. Đồng thời, phải tiếp tục đẩy mạnh việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, tăng cường công tác tiền kiểm và hậu kiểm để đảm bảo hiệu quả đầu tư của dự án” – ông Long nói.

Chuyên gia Bùi Kiến Thành cho haytất cả mọi dự án đều phải bắt đầu bằng nghiên cứu khả thi nghiêm túc, phải nghiên cứu về công nghệ tối ưu, được tính toán đầy đủ về đầu tư và vốn lưu động, cuối cùng là sản phẩm phải đáp ứng nhu cầu của thị trường và đủ sức cạnh tranh cùng những sản phẩm từ nước ngoài cũng như trong nước.

“Sự thành công hay thất bại còn tùy thuộc vào khả năng điều hành của lãnh đạo doanh nghiệp, người có đủ tâm và tầm” – ông Thành cho hay.

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh: "Chúng ta cần thay đổi hệ thống pháp luật, thể chế nhà nước về đầu tư công. Thực hiện công khai minh bạch, xác định rõ trách nhiệm giải trình, chế độ trách nhiệm cá nhân trong toàn bộ quá trình đề xuất, xét duyệt, quyết định dự án đầu tư công".

Ông Doanh nói thêm, về lâu dài, nên hạn chế quy mô đầu tư của Nhà nước, thu hút nhiều hơn đầu tư tư nhân để Nhà nước thực sự trở thành người lái thuyền chứ không phải người chèo thuyền.

Trí Lâm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
2 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Các dự án nghìn tỉ thua lỗ: Cần truy trách nhiệm rõ ràng!