Chiến dịch cải thiện điều kiện cho người lao động của chính phủ Trung Quốc đã thúc đẩy các công ty, đặc biệt là một số gã khổng lồ công nghệ khó điều khiển nhất, cắt giảm thời gian làm thêm giờ bắt buộc kéo dài nhưng không phải tất cả nhân viên đều hài lòng về điều đó.
Một số nhân viên tại ByteDance, chủ sở hữu TikTok, đã sốc khi phát hiện tiền lương tháng 8 của họ giảm 17% sau khi công ty chấm dứt chính sách yêu cầu nhân viên tại Trung Quốc làm việc 6 ngày/tuần hai tuần một lần.
"Khối lượng công việc của tôi thực sự không thay đổi, nhưng tiếc là lương thấp hơn", một giám đốc sản phẩm tại ByteDance nói với Reuters, từ chối tiết lộ danh tính vì tính nhạy cảm của chủ đề này.
Trong thập kỷ trước, các công ty công nghệ Trung Quốc được biết đến với 996, văn hóa làm việc khắc nghiệt có nghĩa là làm từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày một tuần. Thế nhưng, 996 cũng được coi là huy hiệu danh dự và được ca ngợi là một lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ Mỹ, châu Âu.
Đó cũng là một sự đảm bảo về mức lương cao vì luật pháp Trung Quốc quy định rằng người lao động được trả gấp đôi khi làm thêm giờ vào cuối tuần và gấp ba lương vào những ngày nghỉ lễ.
ByteDance từ chối bình luận về việc cắt giảm lương, vốn đã được thảo luận rộng rãi trên mạng xã hội. Một nguồn tin riêng của ByteDance cho biết nhân viên vẫn có thể được trả lương làm thêm giờ vào cuối tuần nếu họ cần đáp ứng thời hạn, nói thêm rằng một số nhân viên trong đơn vị game của họ đã làm như vậy gần đây.
Một số người làm trong lĩnh vực công nghệ bắt đầu chống lại 996 khoảng 2 năm trước - phong trào thu hút sự ủng hộ từ các nhà chức trách quan tâm đến việc thúc đẩy các giá trị xã hội chủ nghĩa và quyền của người lao động khi họ tiến hành các cải cách quy định trên phạm vi rộng. Tòa án cấp cao nhất Trung Quốc vào tháng trước đã mô tả 996 là bất hợp pháp.
Tòa án Tối cao Trung Quốc ngày 26.8 lên án văn hóa 996, đang rất phổ biến ở các công ty công nghệ lớn, công ty khởi nghiệp và các doanh nghiệp tư nhân khác của nước này.
"Gần đây, tình trạng làm thêm giờ quá mức trong một số ngành công nghiệp đang được quan tâm rộng rãi. Người lao động xứng đáng được hưởng các quyền lợi nghỉ ngơi và đi nghỉ mát, đồng thời việc tuân thủ hệ thống giờ làm việc quốc gia là nghĩa vụ pháp lý của người sử dụng lao động", Tòa án Tối cao viết trong văn bản gửi Bộ Nhân lực và An sinh Xã hội Trung Quốc.
Tòa án Tối cao Trung Quốc dẫn chứng một số ví dụ về các công ty trong hàng loạt ngành nghề mà theo họ là đã vi phạm các quy tắc lao động, bao gồm một hãng chuyển phát nhanh giấu tên được cho là đã yêu cầu nhân viên làm việc theo guồng 996.
Yêu cầu nhân viên làm việc nhiều như vậy "vi phạm nghiêm trọng quy định về việc nâng giới hạn giờ làm và nên bị coi là không hợp lệ", trích tuyên bố của Tòa án Tối cao Trung Quốc.
Các công ty công nghệ khác như nền tảng video ngắn Kuaishou và gã khổng lồ giao đồ ăn Meituan gần đây cũng đã cắt giảm thời gian làm thêm giờ cuối tuần bắt buộc.
Trong một lợi ích khác cho quyền của người lao động, gã khổng lồ gọi xe Didi Global và công ty thương mại điện tử JD.com đã thành lập các công đoàn được chính phủ hậu thuẫn vài tuần qua - bước phát triển đột phá trong công nghệ cho đến nay, khu vực mà lao động có tổ chức là rất hiếm.
Các nhà chức trách cũng đang làm việc để yêu cầu người lao động nghỉ nhiều hơn, đặc biệt là trong lĩnh vực giao hàng thực phẩm, nơi các công ty bị cáo buộc đã thúc ép tài xế thực hiện thời hạn chặt chẽ với chi phí không cao.
Meituan cho biết sẽ đưa ra những khoảng thời gian nghỉ ngơi như vậy. Thành phố Hạ Môn ở miền nam Trung Quốc đã yêu cầu các công ty thực hiện "20 phút nghỉ giải lao cho mỗi 4 giờ làm việc" cho nhân viên giao hàng, tờ Nhân dân Nhật báo (cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc) cho biết trong tuần này.
Những lo lắng vẫn còn dù về hậu quả không mong muốn.
"Điều này sẽ không hạn chế thu nhập của họ phải không? Điều này sẽ gây ra nhiều vấn đề hơn, họ sẽ không lái xe để giao hàng nhanh hơn?”, một người dùng trên Weibo cho biết, nhắc đến cách những tài xế này được trả tiền cho mỗi đơn hàng.
Giảm lương cũng có thể gây rắc rối cho việc giữ chân nhân viên và chủ đề liệu các công ty có nên tăng lương để bồi thường cho người lao động vì mất giờ làm thêm hay không đã trở thành một trong những chủ đề được xem nhiều nhất trên Weibo trong tuần này, với hơn 120 triệu lượt xem.
“Sau khi nhận được tiền lương tháng này, tôi muốn biết có những công ty nào khác vẫn thực hiện 996 ở Thượng Hải không?”, một nhân viên ByteDance viết trên Weibo, với ngụ ý muốn làm tăng thêm giờ để có lương cao hơn.