Bộ Công an cho biết, từ ngày Luật Căn cước có hiệu lực (1.7.2024) đến ngày 1.8, Bộ Công an đã triển khai thực hiện cấp căn cước gắn chip cho hơn 770 nghìn công dân dưới 6 tuổi.
Theo dòng thời sự

Các bước làm căn cước gắn chip cho công dân dưới 6 tuổi

Ánh Dương 04/08/2024 14:00

Bộ Công an cho biết, từ ngày Luật Căn cước có hiệu lực (1.7.2024) đến ngày 1.8, Bộ Công an đã triển khai thực hiện cấp căn cước gắn chip cho hơn 770 nghìn công dân dưới 6 tuổi.

Theo đó, đối với công dân dưới 6 tuổi, khi thực hiện thủ tục cấp căn cước, không thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học. Người đại diện hợp pháp của công dân thực hiện thủ tục cấp căn cước cho người dưới 6 tuổi thông qua cổng dịch vụ công hoặc ứng dụng định danh quốc gia VNeID. Đến nay công an cả nước đã cấp được căn cước cho 770.549 trường hợp thuộc đối tượng này

Theo Luật Căn cước 2023, trẻ em 0 - 6 tuổi không bắt buộc phải làm thẻ căn cước mà chỉ thực hiện khi có nhu cầu. Đồng thời, Bộ Công an cũng quy định 2 mẫu thẻ căn cước khác nhau, chia theo độ tuổi từ 0 đến 6 tuổi và từ 6 tuổi trở lên.

anh-1.jpg
Một trong những điểm đáng chú ý của Luật Căn cước 2023 là cấp thẻ căn cước cho người trong độ tuổi từ 0 đến dưới 6 tuổi nếu có nhu cầu - Ảnh: Internet

Cụ thể, đối với công dân Việt Nam dưới 6 tuổi, mặt trước thẻ căn cước gồm các thông tin sau: dòng chữ Căn cước; biểu tượng chip điện tử; số định danh cá nhân; họ, chữ đệm và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; quốc tịch. Mặt sau gồm các thông tin: nơi cư trú; nơi đăng ký khai sinh; chíp điện tử; mã QR; ngày, tháng, năm cấp; ngày, tháng, năm hết hạn; dòng MRZ.

Về thủ tục đi làm thẻ căn cước cho trẻ từ 0 đến 6 tuổi, người đại diện hợp pháp gồm: cha, mẹ hoặc người giám hộ thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước trực tuyến trên cổng dịch vụ công. Người đại diện hợp pháp lưu ý là với nhóm tuổi này khi làm thẻ căn cước, cơ quan quản lý căn cước không thu nhận thông tin sinh trắc học ảnh mặt, vân tay và mống mắt.

Khi người đại diện hợp pháp gồm cha, mẹ hoặc người giám hộ thực hiện thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước cho người dưới 6 tuổi thì lựa chọn thủ tục, kiểm tra thông tin của người dưới 6 tuổi trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trường hợp thông tin chính xác thì người đại diện hợp pháp xác nhận chuyển hồ sơ đề nghị đến cơ quan quản lý căn cước xem xét, giải quyết việc cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước.

Nếu trẻ em từ 0 đến 6 tuổi chưa đăng ký khai sinh thì người đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước khi đi đăng ký khai sinh trên cổng dịch vụ công, hoặc ứng dụng định danh quốc gia (VNeID) hoặc trực tiếp tại cơ quan quản lý căn cước.

Nếu nộp hồ sơ làm thẻ căn cước trực tiếp tại cơ quan quản lý căn cước thì người đại diện hợp pháp phải mang theo giấy tờ tùy thân của mình là thẻ căn cước (hoặc CCCD ) để làm thủ tục cấp thẻ căn cước cho trẻ dưới 6 tuổi. Thủ tục gồm 5 bước:

Bước 1: Người đại diện hợp pháp cho trẻ dưới 6 tuổi cung cấp thông tin để làm thủ tục cấp căn cước.

Bước 2: Cán bộ thu nhận thực hiện khai thác thông tin của trẻ dưới 6 tuổi trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Bước 3: Cán bộ thu nhận thực hiện tạo lập hồ sơ cấp căn cước từ thông tin khai thác được từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Bước 4: Trường hợp công dân có nhu cầu tích hợp thêm thông tin giấy tờ (giấy khai sinh, thẻ bảo hiểm y tế...) thì cán bộ thu nhận thực hiện tiếp nhận yêu cầu tích hợp thông tin giấy tờ.

Bước 5: Cán bộ thu nhận thực hiện in phiếu thu nhận thông tin căn cước. Người đại diện hợp pháp cho trẻ dưới 6 tuổi kiểm tra thông tin trên phiếu thu nhận và ký xác nhận, chờ nhận giấy hẹn lấy thẻ căn cước.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
một giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Các bước làm căn cước gắn chip cho công dân dưới 6 tuổi