Trong phần đối đáp, VKS cho biết cơ quan công tố đã rà soát và thấy có trường hợp trùng tên người sử dụng tài khoản, xác định lại số lượng bị hại hơn 25.000 người, nhưng "không làm ảnh hưởng hoặc thay đổi kết quả điều tra, truy tố".
Theo dòng thời sự

Vì sao số bị hại trong vụ án Trịnh Văn Quyết thay đổi?

Nhật Anh 04/08/2024 11:41

Trong phần đối đáp, VKS cho biết cơ quan công tố đã rà soát và thấy có trường hợp trùng tên người sử dụng tài khoản, xác định lại số lượng bị hại hơn 25.000 người, nhưng "không làm ảnh hưởng hoặc thay đổi kết quả điều tra, truy tố".

Theo kế hoạch, chiều 5.8, HĐXX TAND TP.Hà Nội sẽ tuyên bản án sơ thẩm đối với cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết cùng 49 bị cáo trong vụ án “Thao túng thị trường chứng khoán, lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (Tập đoàn FLC) và các đơn vị liên quan.

Hành vi phạm tội của Trịnh Văn Quyết là mới và rất tinh vi

Trong những ngày xét xử, HĐXX, VKS đã tập trung làm rõ hành vi sai phạm của các bị cáo.

Cụ thể, trong phần luận tội, đại diện VKS nêu rõ: “Trong vụ án này, phần lớn các bị cáo có trình độ, có hiểu biết, am hiểu pháp luật; một số bị cáo có sức ảnh hưởng, có quyền quyết định, đã chỉ đạo, điều hành các pháp nhân thuộc “hệ sinh thái FLC”, trong đó có Công ty cổ phần Chứng khoán BOS và Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros; chỉ đạo các cá nhân giữ chức vụ lãnh đạo và các cá nhân liên quan trong vụ án cùng thực hiện hành vi trái pháp luật”.

anh-2-dai-dien-vks-tai-phien-toa.jpg
Đại diện VKS tại phiên tòa xét xử vụ án Trịnh Văn Quyết - Ảnh: M.H

Đặc biệt, theo VKS, một số bị cáo am hiểu sâu về chứng khoán và thị trường chứng khoán, đã cố ý thực hiện hành vi trái pháp luật, tạo điều kiện cho các bị cáo khác thực hiện tội phạm, gây hậu quả thiệt hại đặc biệt lớn; làm giảm uy tín của cơ quan nhà nước trong quản lý, giám sát thị trường chứng khoán.

Điều này còn ảnh hưởng, tác động xấu đến môi trường đầu tư chứng khoán, tác động tiêu cực đến tâm lý các nhà đầu tư, gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc thu hút vốn đầu tư, môi trường đầu tư phát triển kinh tế...

VKS xét thấy hành vi của các bị cáo trong vụ án này đã tác động tiêu cực đến trật tự quản lý kinh tế của nhà nước trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Đối với bị cáo Trịnh Văn Quyết, VKS nhận thấy hành vi, thủ đoạn phạm tội của Trịnh Văn Quyết là mới và rất tinh vi. Bị cáo đã lợi dụng sơ hở của pháp luật về góp vốn chủ sở hữu, thủ tục niêm yết cổ phiếu, sử dụng Công ty Faros làm công cụ và sàn HoSE là phương tiện để niêm yết, bán cổ phiếu ROS chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn của các nhà đầu tư trên sàn chứng khoán.

Đại diện VKS cũng khẳng định đây là một chuỗi hành vi cố ý, bắt đầu từ việc nâng vốn góp khống đến cuối cùng là bán cổ phiếu ROS, chiếm đoạt tiền. Hành vi của bị cáo trước là tiền đề, là điều kiện để các bị cáo sau thực hiện hành vi phạm tội; hành vi của bị cáo sau là sự tiếp nối, là kết quả của hành vi do bị cáo trước đã thực hiện.

z5655794462662_368895e51788f974ce4fe6025d5fb9bf.jpg
Bị cáo Trịnh Văn Quyết bị dẫn giải tới tòa - Ảnh: M.H

Phương án tiếp tục khắc phục hậu quả của cựu Chủ tịch FLC

Tại phần luận tội, VKS đã ghi nhận thái độ hợp tác và nguyện vọng của bị cáo Trịnh Văn Quyết, cũng như luật sư bảo về quyền lợi cho bị cáo về việc khắc phục hậu quả.

Nhưng trên thực tế, “Cơ quan tố tụng mới chỉ có cơ sở xác định bị cáo Quyết đã khắc phục được hơn 200 tỉ đồng. Số tiền này là không đáng kể so với hậu quả thiệt hại do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra”, VKS cho biết.

Liên quan đến việc khắc phục hậu quả vụ án, trong phần xét hỏi, bị cáo Trịnh Văn Quyết cho biết từ khi bị khởi tố, bị bắt tạm giam về tội “Thao túng thị trường chứng khoán”, ông đã liên tục làm việc với CQĐT và luôn xin được khắc phục số tiền trên 700 tỉ đồng.

Tiếp đó, bị cáo Quyết trình bày rằng bản thân ông đã làm việc cùng luật sư với mong muốn xin dùng tài sản để khắc phục. Ông Quyết trình bày rằng bản thân đã “bán đi tài sản tâm huyết của mình là hãng hàng không Bamboo” để có tiền đền bù, thu được 200 tỉ đồng và nộp vào tài khoản của CQĐT để khắc phục. Còn lại 500 tỉ đồng, ông cam kết chuyển về tài khoản của CQĐT để bị cáo tiếp tục khắc phục hậu quả.

anh-1-quang-canh-phien-toa.jpg
Quang cảnh phiên tòa - Ảnh: M.H

Đến tháng 8.2022, cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết tiếp tục bị khởi tố thêm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, với số tiền bị quy kết đã chiếm đoạt là trên 3.000 tỉ đồng.

Theo lời khai của bị cáo Quyết, ông đã xin bán toàn bộ tài sản tích góp, bao gồm tài sản cá nhân cùng 30% cổ phần của ông tại FLC; và cho rằng “toàn bộ tài sản đó đủ để khắc phục hậu quả”.

Tại tòa, ông Quyết khẳng định bản thân vẫn luôn tìm mọi cách để khắc phục hậu quả nếu bị HĐXX tuyên phải bồi thường; đồng thời cho biết tài sản đang bị phong tỏa ước tính khoảng 4.800 - 5.000 tỉ đồng, cộng thêm số tiền người mua hãng hàng không Bamboo chưa trả thì cũng đủ khắc phục hậu quả của vụ án…

Trong quá trình khai báo, ông Quyết đều thừa nhận những nội dung nêu trong cáo trạng, đồng thời khẳng định chưa bao giờ có mục đích chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư.

Nói lời sau cùng, bị cáo Quyết gửi lời xin lỗi, mong muốn được khoan hồng từ “những người được coi là bị hại” của vụ án; đồng thời mong HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho tất cả các bị cáo bị liên đới trong vụ án để họ sớm được trở về đoàn tụ cùng gia đình.

Theo bị cáo Quyết, vụ án là bài học quá lớn và sẽ ám ảnh suốt cuộc đời. Cuối lời, cựu Chủ tịch FLC kính mong HĐXX phán xét công tâm, khách quan, nhân văn, thấu tình đạt lý để bản thân và các bị cáo trong vụ án có cơ hội làm lại cuộc đời.

anh-3-quang-canh-phien-toa.jpg
Phiên tòa diễn ra trong nhiều ngày - Ảnh: M.H

Vì sao số lượng bị hại là hơn 25.000 người?

Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án TP.Hà Nội xác định 30.403 nhà đầu tư mua cổ phiếu (lần bán ra ban đầu) của Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros (mã chứng khoán ROS) là bị hại trong vụ án.

Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là hơn 63.000 nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu của Công ty Faros và những người có quyền lợi, nghĩa vụ quyền lợi liên quan khác được tòa án triệu tập.

Tại phần tranh luận, các luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị cáo Quyết cho rằng chỉ có cơ sở xác định 133 nhà đầu tư hiện đang nắm giữ cổ phiếu ROS ban đầu hình thành từ vốn góp khống là bị hại của vụ án; không có cơ sở xác định 30.403 nhà đầu tư là bị hại.

Về quan điểm này, theo đại diện VKS, các nhà đầu tư ban đầu đã bỏ một lượng tiền thật vào 30.403 tài khoản chứng khoán để mua hơn 391 triệu cổ phiếu ROS nâng khống, bị thiệt hại hơn 3.621 tỉ đồng. Xác định bị hại của vụ án là hoàn toàn có căn cứ.

Tuy nhiên, sau khi các luật sư của bị cáo Quyết trình bày, cơ quan công tố đã rà soát và thấy có trường hợp trùng tên người sử dụng tài khoản như luật sư đề cập. Đến nay, có hơn 25.000 bị hại sử dụng 30.403 tài khoản chứng khoán để mua hơn 391 triệu cổ phiếu, với trị giá hơn 4.800 tỉ đồng.

VKS khẳng định “Việc xác định lại số bị hại không làm ảnh hưởng hoặc thay đổi kết quả điều tra, truy tố của cơ quan tố tụng”.

Bài liên quan
Cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết gửi lời xin lỗi các bị hại
Nói lời sau cùng, bị cáo Trịnh Văn Quyết gửi lời xin lỗi đến các bị hại và những bị cáo bị liên đới trong vụ án này.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
6 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao số bị hại trong vụ án Trịnh Văn Quyết thay đổi?