Các sản phẩm đặc sản, OCOP của tỉnh Cà Mau đang từng bước khẳng định được giá trị của mình trên thị trường.

Cà Mau: Nâng tầm sản phẩm đặc sản, OCOP

T.Đ | 29/05/2022, 20:47

Các sản phẩm đặc sản, OCOP của tỉnh Cà Mau đang từng bước khẳng định được giá trị của mình trên thị trường.

Những năm qua, các cấp, các ngành, địa phương đã tích cực vào cuộc, triển khai quyết liệt nhiều giải pháp định hướng, phát triển Chương trình “mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) của tỉnh Cà Mau gắn với vùng nguyên liệu đặc trưng, truyền thống ở địa phương. Tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp chủ động phát huy nội lực, tổ chức sản xuất theo hướng mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại mở rộng thị trường tiêu thụ… Từ đó, góp phần từng bước khẳng định vị thế và nâng tầm sản phẩm đặc sản, đặc trưng, OCOP của Cà Mau trên thị trường.

cua-cm.jpg
Cua biển - sản phẩm mang thương hiệu nổi tiếng của Cà Mau

Cà Mau là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển ngư, nông lâm nghiệp. Những năm qua, tận dụng lợi thế của địa phương, tỉnh đã tạo điều kiện, hỗ trợ người dân và các cơ sở sản xuất, hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp phát triển nhiều sản phẩm OCOP mang đặc trưng, đặc sản nổi tiếng của vùng đất Cà Mau như: Cá khô bổi, ba khía muối, chả cá phi, dưa bồn bồn, bánh phồng hàu, gạo, chuối sấy… Đặc biệt, các sản phẩm làm từ tôm như: Bánh phồng tôm, tôm khô, tôm rang, chà bông tôm, tôm khô sinh thái, tôm xẻ, tôm khô tách vỏ…

Nếu như năm 2020 tỉnh Cà Mau chỉ có 33 sản phẩm OCOP được công nhận, xếp hạng thứ 34/63 tỉnh, thành trên cả nước và đứng thứ 5/13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL thì đến cuối năm 2021, Cà Mau đã có được 77 sản phẩm OCOP được công nhận (từ 3 – 4 sao), xếp thứ 27/63 tỉnh, thành trên cả nước, đứng thứ 4/13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL.

Hai năm qua, ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 khiến các hoạt động xúc tiến, quảng bá sản phẩm đặc sản, đặc trưng Chương trình OCOP của tỉnh Cà Mau gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực vào cuộc các ngành, các cấp, đặc biệt là sự tham gia của các chủ thể OCOP trong việc giới thiệu sản phẩm trên các trang thương mại điện tử, giao thương kết nối tiêu thụ các sản phẩm theo hình thức trực tuyến… đã góp phần tích cực trong việc quảng bá giới thiệu sản phẩm đặc sản, đặc trưng, OCOP của tỉnh Cà Mau trên thị trường.

Tỉnh Cà Mau hiện có 9 điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP và 15 cửa hàng tiện lợi bán các sản phẩm đặc sản, đặc trưng, OCOP của tỉnh. Hiện tỉnh đã đưa vào vận hành Sàn thương mại điện tử tỉnh tại địa chỉ madeincamau.com với hơn 300 sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu qua các năm được bày bán trên sàn.

Anh Huỳnh Minh Triều, Giám Đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Thủy sản Đoàn Phát, ngụ huyện Thới Bình cho biết: “Thời gian qua, mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 khiến hoạt động của HTX gặp rất nhiều khó khăn, nhưng HTX vẫn nhận được sự hỗ trợ tích cực từ phía các cấp, chính quyền trong việc hướng dẫn làm thủ tục hồ sơ, đánh giá phân hạng OCOP và kết nối giao thương tiêu thụ sản phẩm.

Năm 2021, sản phẩm Gạo sinh thái Từ Tâm của HTX sản xuất đạt 3 sao OCOP cấp tỉnh. Năm nay, HTX dự kiến đăng ký tham gia OCOP thêm sản phẩm Rượu Hương Quê. Hiện sản phẩm của HTX chủ yếu tiêu thụ thị trường nội địa và các tỉnh lân cận. Thời gian tới, HTX mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của các cấp, các ngành trong việc mở rộng tiêu thụ sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử, góp phần tăng doanh thu trong thời gian tới”.

Thời gian qua, tỉnh đã tạo điều kiện tổ chức các hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ nội địa sản phẩm nông, lâm, thủy sản, đặc biệt là các sản phẩm OCOP của tỉnh, lồng ghép các hoạt động khởi nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp gắn với phát triển các sản phẩm OCOP. Hiện nhiều sản phẩm đã được tiêu thụ trong hệ thống siêu thị: Tập đoàn Central Retail Việt Nam, Saigon Coop, trên các sàn thương mại điện tử như: Tiki, Lazada, Sendo, Chợ tốt… Nhờ đó, giá trị sản phẩm OCOP của các chủ thể từng bước được nâng lên. Theo kết quả khảo sát sơ bộ, có trên 30% sản phẩm OCOP có doanh thu tăng từ 5 – 8%, hầu hết giá bán sản phẩm tăng từ 5 – 10%, cá biệt có một số sản phẩm giá bán tăng từ 15 – 20%.

ocop.jpg
Một quầy trưng bày sản phẩm đặc sản của Cà Mau - Ảnh: Trúc Đào

Ông Bùi Văn Chương, Giám đốc HTX Tân Phát Lợi, ấp Tân Lập, xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển cho hay: “Thời gian qua, HTX đã sản xuất và đưa thị trường rất nhiều sản phẩm đặc sản, đặc trưng của vùng đất Cà Mau. Trong số đó, có nhiều sản phẩm đã đạt 3 sao OCOP cấp tỉnh như: Bánh phồng hàu, tôm khô tách vỏ, muối tôm, chà bông tôm. Từ khi tham gia OCOP giá trị sản phẩm của HTX tăng lên rất nhiều so với trước đây.

Thời gian tới, HTX tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã, bao bì, sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, tiếp tục tham gia OCOP cho các sản phẩm thế mạnh của HTX nhằm từng bước khẳng định thương hiệu trên thị trường”.

Ông Nguyễn Văn Quân Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau đề xuất: “Để phát triển các sản phẩm nông sản, thủy sản chủ lực và sản phẩm OCOP của tỉnh trong thời gian tới, các ngành, địa phương, doanh nghiệp, chủ thể OCOP cần chủ động thực hiện tốt công tác dự báo thị trường; tăng cường đổi mới, áp dụng công nghệ tiên tiến, đặc biệt là công nghệ chế biến sâu nhằm nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng, phát triển sản phẩm đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng và thị trường. Tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại; mở rộng các điểm trưng bày sản phẩm trên địa bàn tỉnh.

Nâng cao về năng lực maketing cho chủ thể OCOP, doanh nghiệp, HTX trong việc giới thiệu quảng bá sản phẩm; xây dựng website riêng để quảng bá cho thương hiệu, sản phẩm; chú trọng thực hiện tốt công tác đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng, vị thế các sản phẩm nông sản, thủy sản chủ lực và sản phẩm OCOP của tỉnh Cà Mau trên thị trường”.

Bài liên quan
Cà Mau: Mô hình tôm-rừng đạt chuẩn ASC nhóm
Sáng 21.11, tại xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau), Công ty TNHH Xã hội tôm chứng nhận Minh Phú phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức hội nghị "Tổng kết thực hiện nuôi tôm - rừng", đồng thời làm lễ công bố chứng nhận đạt chuẩn ASC nhóm.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
5 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cà Mau: Nâng tầm sản phẩm đặc sản, OCOP