Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM có tổng chiều dài 76,3km, đi qua địa bàn TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An, gồm 8 dự án thành phần với tổng vốn đầu tư khoảng 147.292 tỉ đồng.

Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM: Đất ở dân cư sẽ được đền bù 26 triệu/m2

Hồ Quang | 28/05/2022, 17:11

Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM có tổng chiều dài 76,3km, đi qua địa bàn TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An, gồm 8 dự án thành phần với tổng vốn đầu tư khoảng 147.292 tỉ đồng.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM - đơn vị được UBND TP giao nhiệm vụ tổ chức lập, hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường Vành đai 3 TP.HCM vừa thông tin làm rõ một số nội dung chi tiết liên quan đến phạm vi đầu tư, bố trí làn dừng xe khẩn cấp, sơ bộ tổng mức đầu tư, nguồn vốn…

du-an-duong-vanh-dai-3-tphcm-dat-kho-dan-cu-se-duoc-den-bu-26-trieu-m2-hinh-anh(1).png
Bản đồ quy hoạch dự án đường Vành đai 3 TP.HCM - Ảnh: PV

Theo ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM, về phạm vi đầu tư, dự án này được thực hiện theo Quyết định số 1454/QĐ-TTg phê duyệt mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến vành đai 3 TP.HCM là đường vành đai đô thị được quy hoạch nằm trong mạng lưới đường bộ cao tốc, thuộc nhóm dự án quan trọng quốc gia và được ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021-2030.

Theo Quyết định số 1697/QĐ-TTg ngày 28.9.2011 phê duyệt quy hoạch chi tiết đường Vành đai 3 TP.HCM, quy mô của đường Vành đai 3 TP.HCM gồm đường cao tốc vành đai mặt cắt ngang với 6 - 8 làn xe cao tốc, vận tốc thiết kế 100 km/giờ và đường song hành hai bên được quy định “quy mô có ít nhất 2 làn xe tiêu chuẩn TCVN 4054 - 05 hoặc TCXDVN 104 - 2007".

Đường song hành sẽ được đầu tư phân kỳ tùy theo nhu cầu vận tải, sự phát triển các đô thị hai bên và sẽ được tính toán, hoạch định cụ thể trong giai đoạn lập dự án đầu tư.

Quy mô đường song hành phù hợp với tiêu chuẩn/quy chuẩn (TCVN 4054 - 05 hoặc TCXDVN 104 - 2007), trong đó, đối với các đoạn ngoài đô thị được thiết kế với quy mô 2 làn xe hỗn hợp, nền 9m, mặt đường 7m - TCVN 4054-05, riêng đoạn qua đô thị tại TP.Thủ Đức được thiết kế với quy mô 3 làn xe trong đó có 2 làn xe cơ giới và 1 làn xe hỗn hợp, chiều rộng nền đường 13m, mặt đường 12m (không kể vỉa hè bố trí các công trình hạ tầng) - TCXDVN 104-2007.

Về bố trí làn xe khẩn cấp, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM cho biết báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án trình Quốc hội đã bố trí các điểm dừng xe khẩn cấp (không liên tục) với khoảng cách 4-5km/điểm, mỗi điểm dừng xe khẩn cấp được thiết kế với bề rộng 3m, chiều dài 270m theo quy định tại Quyết định số 5109/QĐ-BGTVT ngày 31.12.2014 về hướng dẫn thiết kế và tổ chức giao thông trong giai đoạn phân kỳ đầu tư xây dựng đường ô tô cao tốc.

Một trong những vấn đề mà người dân quan tâm là tổng mức đầu tư, nguồn vốn cho dự án đường Vành đai 3 TP.HCM. Ông Phúc cho biết, đối với đơn giá đất thương mại, dự kiến đấu giá là 15 triệu đồng/m2. Trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, TP.HCM đã chỉ đạo Sở Tài nguyên - Môi trường phối hợp với các địa phương nơi dự án đi qua khảo sát, tính toán sơ bộ đơn giá các khu đất dọc theo dự án tối thiểu dự kiến 15 triệu đồng/m2. Đơn giá này chưa bao gồm chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật - xã hội.

Sau khi dự án được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, quá trình triển khai dự án cùng với đầu tư các tuyến đường kết nối với các khu đất dọc theo dự án, lợi thế tiềm năng sẽ tăng lên và qua quá trình đấu giá giá trị các khu đất này sẽ tăng lên.

Riêng đối với giá đền bù đất dân cư trong công tác giải phóng mặt bằng là 26 triệu đồng/m2. Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, sơ bộ kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được lập trên cơ sở khối lượng giải phóng mặt bằng dự kiến và các đơn giá đất, tài sản trên đất, mức hỗ trợ áp dụng tại thời điểm năm 2022.

Kinh phí trên đã bao gồm cả kinh phí dự kiến để xây dựng hạ tầng khu tái định cư. Kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giảm trừ các nút giao chưa xây dựng trong giai đoạn 1 và đã tính đã bao gồm dự phòng phí cho công tác này là 10%.

Ở bước tiếp theo, TP.HCM sẽ thực hiện công tác đo vẽ, kiểm kê, thẩm định giá, xây dựng và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án theo đúng quy định; đảm bảo tính đúng tính đủ và đã tính đến các chính sách về đào tạo nghề, sinh kế cho người dân, đảm bảo người dân tái định cư có nơi ở mới tốt hơn, tạo sự ủng hộ và đồng thuận của người dân trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Đối với phương án huy động nguồn vốn và cân đối vốn, ông Phúc cho biết nguồn vốn ngân sách địa phương, hội đồng nhân dân các địa phương đã rà soát nguồn vốn trung hạn của các địa phương, tập trung nguồn vốn cho các dự án trọng điểm, cấp bách (trong đó có đường Vành đai 3). Vốn ngân sách địa phương tham gia dự án trong năm 2023-2024 chủ yếu tập trung đối với TP.HCM (13.326 tỉ đồng) và Bình Dương (5.350 tỉ đồng). Đây là 2 địa phương có điều kiện thu ngân sách nhà nước lớn. Dự kiến huy động được nguồn thu khi phục hồi kinh tế sau dịch COVID-19; trong trường hợp cần thiết sẽ báo cáo Chính phủ về việc phát hành trái phiếu chính quyền địa phương để đảm nguồn vốn cho dự án. Như vậy, sẽ hoàn toàn đảm bảo nguồn vốn cho dự án theo tiến độ đề ra.

Cũng theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM, dự án Vành đai 3 đã xem xét các phương thức đầu tư PPP (hợp đồng BOT) với nhiều kịch bản khác nhau, trong đó kịch bản khả thi nhất là đầu tư PPP phần đường cao tốc (không bao gồm giải phóng mặt bằng và đường song hành, nhà nước hỗ trợ tối đa 50% đối với phần vốn đầu tư PPP) thì thời gian hoàn vốn là 29 năm.

Kinh nghiệm của Bộ Giao thông vận tải cho thấy, khi thực hiện các dự án theo phương thức PPP, thời gian hoàn vốn kéo dài (29 năm) khó hấp dẫn nhà đầu tư. Với kịch bản này, vốn do nhà đầu tư huy động là 13.545 tỉ đồng (chiếm tỷ lệ rất nhỏ khoảng 18% tổng mức đầu tư dự án), vốn nhà nước đóng góp là 61.833 tyỉ đồng (chiếm khoảng 82% tổng mức đầu tư dự án), không phù hợp Luật PPP, tính khả thi rất thấp.

“Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM có vai trò hết sức quan trọng không chỉ đối với việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương có tuyến đi qua gồm TP.HCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An mà còn là tiền đề, điều kiện cần để kêu gọi đầu tư, phát triển khu đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ của các khu vực có tuyến đi qua, nâng cao khả năng kết nối giữa các đô thị vệ tinh dọc theo hai bên đường; giảm ách tắc giao thông ở TP.HCM; tạo không gian phát triển mới để khai thác tiềm năng sử dụng quỹ đất; tăng hiệu quả đầu tư đối với các dự án khác đang được triển khai thực hiện”, ông Phúc nhấn mạnh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
4 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM: Đất ở dân cư sẽ được đền bù 26 triệu/m2