Tỉnh Cà Mau đang đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trên nhiều lĩnh vực nhằm hướng đến phát triển kinh tế bền vững.
Thúc đẩy chuyển đổi số, thương mại điện tử
Trong xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế và chuyển đổi số, thương mại điện tử đang trở thành “chìa khóa” giúp các địa phương nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ. Tại Sở Công Thương tỉnh Cà Mau, đơn vị đặc biệt coi trọng việc phát triển thương mại điện tử, hỗ trợ doanh nghiệp địa phương bắt nhịp với xu hướng hiện đại hóa.
Theo đó, năm 2024, Sở Công Thương tỉnh Cà Mau đã tổ chức nhiều chương trình tập huấn dành cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và cơ sở sản xuất kinh doanh. Tham gia chương trình, học viên sẽ được trang bị kiến thức nền tảng và kỹ năng thực hành để vận dụng vào việc kinh doanh nhằm đạt hiệu quả trên các nền tảng thương mại điện tử như TikTok Shop, Shopee. Đặc biệt, việc hướng dẫn sử dụng công cụ livestream trên các nền tảng này đã tạo ra sự đột phá trong quảng bá và tiêu thụ sản phẩm địa phương.
Cụ thể, các sản phẩm OCOP đặc trưng của Cà Mau như tôm khô, bánh phồng tôm, và ba khía đã được đưa lên các sàn thương mại điện tử, tiếp cận hàng chục nghìn khách hàng. Trong khuôn khổ chương trình “Ngày hội chuyển đổi số quốc gia”, các phiên livestream đã đạt hơn 1.400 đơn hàng với tổng lượt xem vượt 300.000. Điều này không chỉ giúp tăng doanh thu mà còn khẳng định giá trị thương hiệu của sản phẩm Cà Mau trên thị trường cả nước.
Bên cạnh đó, việc tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại lớn nhằm quảng bá sản phẩm Cà Mau đến các đối tác tiềm năng đã đạt được nhiều kết quả tích cực . Tại hội chợ “Đặc sản vùng miền Việt Nam 2024”, các sản phẩm OCOP như tôm khô, mắm tôm đã thu hút sự chú ý lớn, với nhiều hợp đồng tiêu thụ dài hạn được ký kết.
Ông Dương Vũ Nam, Phó giám đốc Sở Công Thương cho biết: “Chuyển đổi số không chỉ là xu hướng mà còn là yếu tố sống còn trong việc phát triển kinh tế. Thương mại điện tử giúp chúng ta mở rộng thị trường, gia tăng giá trị sản phẩm và xây dựng thương hiệu bền vững”.
Theo ông Nam, trong những năm qua, các thành tựu đạt được trong việc triển khai thương mại điện tử đã cho thấy hiệu quả rõ rệt, đặc biệt thông qua các sản phẩm OCOP và đặc sản địa phương. Để đảm bảo tính bền vững và lâu dài, ngành công thương tỉnh Cà Mau đã đề ra những giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, không chỉ trong kinh doanh mà còn trong quản lý và vận hành kinh tế.
Đồng thời, tỉnh Cà Mau tiếp tục xây dựng chiến lược thương mại điện tử dài hạn, trọng tâm là phát triển hệ sinh thái thương mại điện tử toàn diện. Bao gồm việc tạo dựng các nền tảng trực tuyến dành riêng cho tỉnh, nơi các doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã và hộ kinh doanh có thể quảng bá sản phẩm một cách hiệu quả mà không phụ thuộc hoàn toàn vào các nền tảng thương mại điện tử lớn. Các nền tảng này không chỉ cung cấp một kênh giao dịch mới mà còn tạo sự kết nối chặt chẽ giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng, nâng cao giá trị sản phẩm địa phương.
Việc đầu tư vào hạ tầng công nghệ và internet tốc độ cao là điều kiện tiên quyết để thương mại điện tử phát triển đồng bộ. Đặc biệt tại các khu vực nông thôn sâu, việc cải thiện khả năng tiếp cận mạng internet sẽ mở ra cơ hội để các hộ kinh doanh nhỏ lẻ tiếp cận khách hàng trên toàn quốc. Cùng với đó, hạ tầng thanh toán trực tuyến cũng cần được chú trọng, với sự hợp tác chặt chẽ giữa các tổ chức tài chính, ngân hàng và doanh nghiệp địa phương nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, giảm chi phí giao dịch và tăng tính tiện lợi cho người tiêu dùng.
Bình ổn thị trường đảm bảo kinh tế phát triển
Dịp cuối năm là thời điểm sức tiêu thụ hàng hóa tăng cao, để bình ổn thị trường, lãnh đạo tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo ngành chuyên môn đẩy mạnh triển khai nhiều giải pháp nhằm cân đối cung cầu và duy trì sự ổn định của thị trường.
Theo đó, ngành công thương tỉnh Cà Mau đã xây dựng kế hoạch dự trữ các mặt hàng thiết yếu như gạo, dầu ăn, thịt gia cầm và thủy sản. Đặc biệt, các sản phẩm nông sản và thực phẩm chế biến của Cà Mau được ưu tiên nhằm thúc đẩy tiêu thụ nội địa và nâng cao giá trị sản phẩm địa phương.
Đồng thời, các đội quản lý thị trường đã tăng cường giám sát giá cả và xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, hoặc tăng giá bất hợp lý. Điều này giúp duy trì sự ổn định trên thị trường và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giai đoạn cao điểm.
Để đảm bảo nguồn cung đến được tay người tiêu dùng, ngành chức năng tỉnh Cà Mau đã tổ chức nhiều hoạt động kết nối giữa doanh nghiệp phân phối và nhà cung cấp. Đặc biệt, các chuyến bán hàng lưu động đã được triển khai tại vùng sâu, vùng xa và các khu vực khó khăn. Những hoạt động này đã góp phần mang hàng hóa thiết yếu đến gần hơn với người dân và giúp giảm chi phí tiêu dùng cho các hộ gia đình có thu nhập thấp.
Trong thời gian tới, tỉnh Cà Mau cũng tập trung phát triển các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp và người sản xuất địa phương; chú trọng phát triển, nâng cao chất lượng các sản phẩm nông sản và thủy sản vốn là thế mạnh của địa phương để đáp ứng cả nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Không chỉ tập trung vào hàng hóa tiêu dùng, ngành chuyên môn tỉnh Cà Mau cũng đảm bảo cung cấp đầy đủ năng lượng trong các dịp cao điểm. Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu được yêu cầu dự trữ đủ lượng hàng hóa theo quy định, đồng thời phải có các phương án phân phối hợp lý, tránh tình trạng thiếu hụt cục bộ.
Ngoài ra, các chương trình tuyên truyền về tiêu dùng an toàn và ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam đã tạo được sự đồng thuận lớn từ cộng đồng. Sở Công Thương tỉnh Cà Mau đã phối hợp cùng các cơ quan truyền thông đưa thông tin đến từng hộ gia đình, khuyến khích người dân chọn mua các sản phẩm địa phương, góp phần thúc đẩy kinh tế tỉnh nhà.
Những giải pháp toàn diện của tỉnh Cà Mau trong năm 2024 đã mang lại hiệu quả rõ rệt, từ thúc đẩy chuyển đổi số và thương mại điện tử đến bình ổn thị trường và đảm bảo an sinh xã hội. Những thành quả này đã góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh trong phát triển kinh tế, đồng thời cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân.