Câu chuyện nổi bật trong nền kinh tế tuần qua là các vấn đề liên quan đến chất lượng chính sách và điều hành chính sách. Hiếm khi nào mà chất lượng và việc thực hiện các chính sách trong nền kinh tế Việt Nam lại bị phàn nàn nhiều như trong tuần qua.

Cả chất lượng chính sách lẫn thực thi chính sách đều đang 'có vấn đề'

Nhàn Đàm | 19/03/2017, 15:02

Câu chuyện nổi bật trong nền kinh tế tuần qua là các vấn đề liên quan đến chất lượng chính sách và điều hành chính sách. Hiếm khi nào mà chất lượng và việc thực hiện các chính sách trong nền kinh tế Việt Nam lại bị phàn nàn nhiều như trong tuần qua.

Từ vấn đề những bất hợp lý trong Nghị định 109 về xuất khẩu lúa gạo buộc Thủ tướng phải yêu cầu các chuyên gia phản ánh thẳng thắn để gỡ vướng cho lĩnh vực này, cho đến câu chuyện được chia sẻ bởi vị giáo sư nước ngoài Eddy Malesky về tình trạng hoạch định chính sách một cách tùy tiện tại nhiều bộ ngành ở Việt Nam. Tất cả đang vẽ nên một bức tranh không lấy gì làm sáng sủa về một trong những vấn đề đóng vai trò then chốt trong việc tái cơ cấu nền kinh tế: Chất lượng chính sách và điều hành chính sách của Việt Nam hiện đang có vấn đề.

Một trong những sự kiện đáng chú ý nhất tuần qua là cuộc tọa đàm trực tuyến ngày 14.3 về bảo đảm tính nhất quán trong việctạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, trong đó Thủ tướng đã không dưới một lần nhắc nhở các bộ ngành, địa phương tránh tình trạng chính sách “sớm nắng chiều mưa”, làm nản lòng các nhà đầu tư và doanh nghiệp,theo CafeF.

Trước đó ít ngày, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại hội nghị triển khai Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh cũng gặp không ít những lời phàn nàn từ phía các doanh nghiệp về những khó khăn mà hệ thống các quy định dày đặc đồng thời lại thiếu rõ ràng minh bạch cũng như thái độ thiếu thiện chí từ phía nhiều cơ quan chức năng gây ra. Bản thân Nghị quyết 19/2017 vốn được Chính phủ kỳ vọng rất nhiều về việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cũng nhận được những phản hồi không mấy tích cực từ phía cộng đồng doanh nghiệp, không chỉ ở những thiếu sót cần khắc phục về nội dung mà còn ở sự thiếu hợp tác từ phía cơ quan công quyền.

Trên thực tế, điều này cũng không có gì lạ lùng khi mà các chính sách được nhiều bộ ngành ban hành nhận được sự phản ứng tiêu cực từ phía doanh nghiệp đã là chuyện quá quen thuộc. Có thể kể đến các quy định về kiểm tra hàm lượng formaldehyt trong vải và nhập khẩu ô tô dưới 9 chỗ gây tranh cãi trong suốt vài năm qua và chỉ gần đây mới được gỡ bỏ sau khi doanh nghiệp phản đối quá gay gắt. Và mới nhất có thể kể đến Nghị định 109 về xuất khẩu lúa gạo được xem như một rào cản nghiêm trọng gây ra sự kém hiệu quả của lĩnh vực cốt yếu trong nền nông nghiệp, thậm chí buộc Thủ tướng phải lên tiếng yêu cầu các chuyên gia và lãnh đạo có mặt tại hội nghị nói thẳng nói thật các vướng mắc ngành lúa gạo đang gặp để gỡ vướng, theo The Saigon Times.

Không khó để nhận ra, hầu hết các chính sách bị cộng đồng doanh nghiệp phản đối gay gắt đều có điểm chung là sự xung đột về lợi ích giữa các cơ quan công quyền với các doanh nghiệp và nhà đầu tư. Như một số chuyên gia kinh tế đã chỉ ra, tình trạng các cơ quan công quyền cài cắm lợi ích riêng trong việc ban hành các chính sách điều hành kinh tế là rất phổ biến, gây ra tình trạng méo mó và hiệu quả thấp trong nền kinh tế. Một chính sách được ban hành bị chi phối bởi lợi ích nhóm có thể ngăn cản quá trình phát triển của cả một lĩnh vực trọng yếu của đất nước trong suốt một thời gian rất dài.

Và kể cả khi không bị lợi ích nhóm chi phối, thì chất lượng chính sách của Việt Nam hiện nay cũng đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi khả năng xây dựng yếu kém của những cá nhân và cơ quan soạn thảo. Nếu không được xây dựng một cách nghiêm túc, chu đáo và sáng suốt, một chính sách có thể lỗi thời ngay lập tức ngay khi vừa mới ban hành, và thực tế đã chứng minh điều đó không hề hiếm gặp ở Việt Nam trong vài năm trở lại đây.

Một câu chuyện đáng chú ý và phần nào là đáng buồn trong vấn đề này thời gian vừa qua là những chia sẻ của giáo sư Eddy Malesky tại cuộc hội thảo “Triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam và vai trò của Nhà nước kiến tạo trong việc hoàn thiện thể chế và môi trường kinh doanh”. Vị giáo sư cho biết: “Tôi đã làm việc với Vụ an toàn lao động thuộc Bộ Lao động thương binh và xã hội. Chỉ có 7 người trong vụ nhưng viết tất cả các nghị định và thông tư có ảnh hưởng tới 50 triệu công nhân”,theo CafeF.

Theo giáo sư Malesky, số lượng như vậy là quá ít và khả năng của cơ quan soạn thảo đang gặp những hạn chếnhất định. Tình trạng mà giáo sư Eddy Malesky vừa cho biết, hẳn là không quá hiếm hoi trong phần lớn các cơ quan soạn thảo luật, chính sách, quy định tại mọi lĩnh vực và các cấp ở Việt Nam hiện nay.

Không chỉ quy trình soạn thảo chính sách thiếu nghiêm túc và chuyên nghiệp, mà như giáo sư Eddy cho biết, việc thực thi và giám sát thực thi chính sách ở Việt Nam cũng là điểm còn yếu kém. Thực tế là ngay cả những bộ luật được đánh giá là quan trọng nhất Việt Nam hiện nay cũng chưa có cơ chế kiểm tra chất lượng thực hiện thực thi và phản hồi. Trong khi trên thế giới, việc kiểm tra thực thi và phản hồi luôn được xem là giai đoạn quan trọng bậc nhất để có thể kịp thời chỉnh sửa các điểm bất hợp lý, thì ở Việt Nam lại không. Chúng ta cẩu thả trong làm luật, bóp méo trong thực thi và thậm chí không cần kiểm tra và phản hồi.

Điều này, như Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ, một phần lỗi đến từ các doanh nghiệp, khi hiện nay vẫn còn quá ít doanh nghiệp lên tiếng góp ý cho việc soạn thảo và thực thi chính sách. Theo Phó thủ tướng, các doanh nghiệp hiện chỉ đang kêu mà ít có kiến nghị cụ thể: “Khi đăng thông tin thì chỉ góp ý sơ sơ. Thường đến lúc ban hành rồi mới quyết liệt. Bây giờ phải xác định lại, đã ra rồi thì cực kỳ khó sửa”.

Tuy nhiên, theo góp ý của giáo sư Eddy Malesky, thì điều Chính phủ cần trong vấn đề này là một nhóm các doanh nghiệp được phổ biến và tham vấn ý kiến về chính sách có mức độ am hiểu luật rất cao, thay vì trải rộng ra khắp mọi đối tượng doanh nghiệp một cách dàn trải và không hiệu quả. Thực tế hiện nay, quá trình soạn thảo chính sách dù dành ra tới 60 ngày để lấy ý kiến người dân, nhưng chủ yếu là đăng trên website theo kiểu ai góp ý thì góp một cách khá thụ động. Cách làm này chắc chắn là không hiệu quả bằng tham vấn trực tiếp một nhóm các doanh nghiệp hàng đầu trong các lĩnh vực.

Nhàn Đàm
Bài liên quan
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
4 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cả chất lượng chính sách lẫn thực thi chính sách đều đang 'có vấn đề'