Chỉ mới cách đây gần 2 năm vào tháng 8.2013, đội ngũ các nhà khoa học tại đại học Maastricht ở Hà Lan đã sản xuất ra một miếng Burger từ thịt bò nhân tạo đầu tiên trên thế giới. Miếng bánh nhỏ như sẽ làm thay đổi thế giới trong tương lai khi mà con người sẽ không phải giết mổ nhiều động vật nữa, tiết kiệm đất, nước, năng lượng cần thiết cho gia súc và giảm khí thải nhà kính.
Dự án nghiên cứu Burger từ thịt bò nhân tạo gặp phải không ít trở ngại trong thực tế khi mà thời điểm đó sẽ chỉ có đại gia mới ăn được miếng Burger của các nhà nghiên cứu vì giá thành chóng mặt của sản phẩm, miếng thịt bò nhân tạo đầu tiên này trị giá 273.000 USD.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu đã nhanh chóng tìm ra một cách để cắt giảm chi phí sản xuất. trong một cuộc phỏng vấn với ABC News mới đây, giáo sư Mark Post cho biết rằng chi phí để tạo ra một kg thịt bò nhân tạo giờ đây chỉ còn 80 USD, nghĩa là một Hamburger sẽ có giá chỉ khoảng 11,40 USD một sự giảm giá ấn tượng với cái giá 273.000 USD ban đầu.
Những khó khăn còn ở phía trước
Lý do tại sao mà giá thịt bò nhân tạo lại nhanh chóng "đại hạ giá" như vậy là vì chỉ cần một tế bào gốc ban đầu được nuôi cấy trong huyết tương làm từ phôi thai bê các nhà nghiên cứu có thể tạo ra 10.000 kg thịt bò nhân tạo.
Trong khi chi phí sản xuất đã giảm xuống mức giá đủ để làm cho thịt bò trong phòng thí nghiệm khả thi hơn, thì không phải các vấn đề đã được khắc phục một cách triệt để. Điều quan trọng nhất là, mặc dù kỹ thuật nuôi cấy này có chi phí thấp nhưng nó vẫn quá chậm để tạo thành dây chuyền sản xuất hàng loạt.
Trở ngại thứ hai là, huyết tương đồng chất đã khiến cho giá thành thịt bò nhân tạo giảm. Huyết tương thai bê, nơi các tế bào thịt phát triển lại được lấy từ các lò giết mổ. Sự phụ thuộc vào huyết tương này đi ngược lại tiêu chí chính của nghiên cứu là cắt giảm giết mổ động vật. Giáo sư Post cho biết ông và cộng sự đang tìm kiếm một môi trường thay thế cho loại huyết tương này mà không dính dáng tới động vật.
Cuối cùng, điều quan trọng đối với người tiêu dùng là hương vị. nhà phê bình ẩm thực Josh Schonwald và nhà nghiên cứu dinh dưỡng Hanni Rutzler, cả hai người đều là những thực khách đã thử vị của miếng thịt bò nhân tạo hai năm trước cho biết rằng sự thiếu đi chất béo trong thịt bò nhân tạo làm mất đi hương vị tự nhiên của thịt.
Dù còn nhiều khó khăn nhưng các nhà khoa học tại Đại học Maastricht mong đợi rằng dự án này sẽ sớm biến giấc mơ thịt nhân tạo có mặt ở khắp các siêu thị trong một thời gian nữa. "Tôi nghĩ rằng chỉ trong khoảng thời gian 20 đến 30 năm nữa chúng ta sẽ có được một ngành công nghiệp sản xuất thịt thay thế", ông Post lạc quan.
Thịt nhân tạo vừa tốt cho sức khỏe vừa tốt cho môi trường
Thịt nhân tạo là những loại thực phẩm có chất lượng tốt, lành hơn, sạch hơn vì không có nguy cơ nhiễm vi khuẩn Salmonella và E. coli gây bệnh hoặc bệnh bò điên! Tiêu thụ thịt nhân tạo cũng giảm nguy cơ mắc các bệnh như ung thư, tim mạch, đái tháo đường...
Ngoài ra, loại thịt nuôi cấy trên còn thân thiện với môi trường hơn thịt động vật: sản xuất 1kg thịt vật nuôi cần 9kg thức ăn gia súc, 2.000 lít nước. Việc chăn nuôi chiếm 70% diện tích đất đai nông nghiệp, đồng cỏ. Sản xuất thịt nhân tạo giảm khí methan, giảm hiệu ứng nhà kính.
Để kết luận, có thể nói: “Việc sản xuất thịt bằng cách nhân giống tế bào gốc động vật hay thịt nhân tạo có khả năng là một giải pháp sinh thái thay thế bền vững cho các chu kỳ sinh sản hữu hiệu của đàn gia súc”.
Thiên Hà (theo Sputnik News)