Bước vào tuổi “băm”, phụ nữ sẽ đối mặt với nhiều vấn đề về sức khỏe và sắc đẹp. Do đó, việc có một kế hoạch chăm sóc bản thân rõ ràng và nghiêm túc để duy trì vẻ thanh xuân là mối quan tâm hàng đầu của phái đẹp.
Dưới đây là những mối nguy các chị em có thể chạm mặt khi bước qua tuổi 30.
Dễ tăng cân và cơ thể chảy xệ
Càng lớn tuổi, chị em càng có khả năng bị tăng cân và béo phì do quá trình thai nghén, sinh nở, cộng với chế độ ăn uống, sinh hoạt ngày càng ít được quan tâm. Mặt khác, từ tuổi 25 trở đi, lượng collagen trong cơ thể bị hao hụt khá nhiều khiến da dễ bị nhão, nhăn nheo, chảy xệ.
Chính vì vậy, vòng ngực, vòng hông, eo, mông trở nên thiếu săn chắc. Vì thế, nếu muốn duy trì một vóc dáng thanh xuân, gọn gàng, bạn cần thường xuyên tập thể dục, thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý.
Nhanh rụng tóc
Trung bình, phụ nữ có thể mất 50 - 100 sợi tóc mỗi ngày. Nhưng ở tuổi 30, con số thậm chí sẽ gấp nhiều lần như thế nếu không cẩn thận.
Nguyên do một phần là vì sự căng thẳng trong cuộc sống, vì tuổi 30 có rất nhiều thứ phải lo. Tuy nhiên, cũng có thể đó là dấu hiệu cho thấy bạn đang thiếu hụt những chất dinh dưỡng quan trọng.
Theo bác sĩ Heather Wickless, phụ nữ bị rụng tóc nhiều thường là do thiếu hụt sắt. Ở tuổi 30, kinh nguyệt có thể khiến lượng sắt trong người sụt giảm. Vậy nên, lượng sắt tiêu thụ mỗi ngày cần đảm bảo ở mức 18 mg - nhiều hơn 10 mg so với nam giới.
Mất ngủ
Bệnh mất ngủ ở phụ nữ trung niên nói chung và ở độ tuổi 30 nói riêng có thể do nhiều nguyên nhân, ngoài những thói quen về sinh hoạt, thì mất ngủ còn liên quan đến các yếu tố nội tiết và các bệnh lý liên quan. Bệnh mất ngủ ở phụ nữ trung niên phần nhiều là do những thay đổi nội tiết tố, nhất là phụ nữ từ tuổi 30 trở đi, bởi đây là thời kỳ trục não bộ – tuyến yên – buồng trứng dần bị suy yếu, dẫn đến tình trạng phối hợp lạc nhịp giữa các cơ quan này.
Thay đổi chế độ sinh hoạt và ăn uống hợp lý để giúp tránh được bệnh mất ngủ là những việc chị em nên làm ngay trước tuổi 30. Đi ngủ đúng giờ vào mỗi tối và thức dậy đúng giờ mỗi sáng. Không nên ngủ muộn vào ngày cuối tuần bởi nó sẽ phá hỏng chu kỳ mà cơ thể đã quen. Không nên ngủ quá nhiều vào ban ngày, quá 7 đến 8 tiếng/ngày.
Lão hóa diễn ra rất nhanh
Hiện tượng lão hóa có thể bắt đầu ngay từ năm 20 tuổi trở đi nhưng đến khoảng tuổi 30 thì hiện tượng này biểu hiện rõ với tiến độ nhanh hơn. Dấu hiệu lão hóa rõ nhất ở làn da như da bị khô sạm, nhiều mụn, nhăn nheo, các vết chân chim xuất hiện ở khóe mắt, khóe môi, nếp nhăn trên trán. Không chỉ vậy, mái tóc của chị em cũng kém bóng bẩy, khỏe mạnh, trí nhớ giảm sút, các vấn đề về thần kinh cũng trở nên rắc rối hơn như dễ căng thẳng, mệt mỏi, dễ bị ốm yếu hơn.
Các bệnh về xương khớp
Ở lứa tuổi cận kề 30, phụ nữ đã có khả năng mắc các bệnh về xương khớp, chứ chưa nói đến những lứa tuổi lớn hơn. Lối sống ít vận động, ngồi nhiều, ăn uống không điều độ và thiếu dưỡng chất, nhất là canxi, khiến cho tình trạng này càng có nguy cơ xảy ra.
Tình trạng lão hóa của cơ thể sẽ khiến xương khớp bạn không còn duy trì được độ dẻo dai như trước đây, mà có thể gặp một số rắc rối như đau mỏi cơ, vai gáy, thắt lưng, chuột rút, đau thần kinh tọa, tăng nguy cơ loãng xương, thoái hóa cột sống.
Vì vậy, để xương khớp luôn dẻo dai, tránh bệnh tật, bạn nên tập thể dục, thể thao thường xuyên, hạn chế ngồi nhiều. Ăn uống đầy đủ chất, bổ sung thêm canxi và dưỡng chất để hạn chế và cải thiện tình trạng xương khớp.
Các bệnh về tiêu hóa
Nguy cơ bị mắc các bệnh đường ruột và táo bón của phụ nữ cao gấp 2-3 lần nam giới. Do đặc điểm cấu tạo thể chất, cùng với tuổi tác, khả năng tiêu hóa của phụ nữ khi bước vào xấp xỉ tuổi “băm” trở đi kém hơn.
Bên cạnh đó, chế độ ăn uống không cân bằng và hợp lý, thiếu rau quả và chất xơ, ít vận động, khiến các bệnh này càng có khả năng xảy ra. Táo bón và bệnh trĩ thường có liên quan đến nhau. Vì vậy, để tránh những phiền hà này, chị em nên tập thể dục thường xuyên, ăn uống giàu chất xơ giúp tránh gặp phải các bệnh tiêu hóa.
Thu Thủy (t/h)