Chỉ trong vòng chưa tới 10 ngày, 3 mẫu smartphone Việt đã được hai nhà sản xuất ở hai đầu đất nước trình làng. Liệu đây có phải là khởi đầu cho một cuộc đua sản xuất điện thoại thông minh "made in Vietnam"?
Ngày 15.8 tại TP.HCM, thương hiệu điện tử Việt Asanzo đã cho ra mắt bộ đôi smartphone của mình, đánh dấu việc lấn sân từ chế tạo điện máy gia dụng sang thị trường sản xuất thiết bị di động.
Trước đó tại Hà Nội vào ngày 8.8, Bkav cũng cho ra mắt sản phẩm Bphone 2017 trong một sự kiện được đánh dấu bằng chữ "chất".
Như vậy, sau một thời gian dài im hơi lặng tiếng khi Bphone thế hệ đầu thất bại, các thương hiệu Việt lại liên tục cho ra những mẫu smartphone mới trong thời điểm gần như cùng lúc cho thấy có thể sẽ bùng nổ cuộc đua sản xuất smartphone Việt trong thời gian tới.
2 quan điểm 2 cách làm
Dù cùng là smartphone Việt và ra mắt gần như cùng thời điểm nhưng cách tiếp thị cũng như phân khúc sản phẩm của Bkav và Asanzo lại hoàn toàn khác nhau.
Với Bkav, ông Nguyễn Tử Quảng và các cộng sự vẫn tiếp tục theo đuổi phân khúc hạng "sang" dù thị trường Việt Nam vốn là nơi tiêu thụ mạnh smartphone tầm trung và thấp. Bkav cũng tuyên bố smartphone của họ 100% được làm ở Việt Nam, từ khâu thiết kế cho tới chế tạo và lắp ráp.
Ngược lại, Asanzo không đưa ra các tuyên bố kiểu như tự thiết kế, tự chế tạo các linh kiện của smartphone của mình. Hãng này cho biết họ sẽ mua linh kiện từ các nhà cung cấp uy tín và lắp ráp thành smartphone chất lượng cao, giá thành phù hợp cho người tiêu dùng.
Kết quả là thay vì tạo ra một sản phẩm "chất từng đồng" như Bphone 2017 giá gần 10 triệu, Asanzo tạo ra hai sản phẩm Z5, S5 với mức giá tương ứng chỉ 5 triệu đồng và 3 triệu đồng.
Tương lai chưa rõ ràng
Dù cùng lúc hai thương hiệu Việt tung ra sản phẩm smartphone trên thị trường nhưng tương lai của những dòng điện thoại thông minh này là chưa rõ ràng.
Với Bphone 2017, sự thất bại của Bphone khiến nhiều người tiêu dùng ngần ngại cho tương lai của sản phẩm này, nhất là khi smartphone của Bkav có thể lặp lại những lỗi cố hữu của sản phẩm trước đây.
Số phận các smartphone của Asanzo có lẽ sẽ tốt hơn Bphone 2017, khi hãng này lựa chọn phân khúc thị trường của mình phù hợp hơn so với Bkav. Chưa hết, Asanzo lại còn có tới 6.000 điểm bán hàng trên khắp cả nước, đây rõ ràng là một lợi thế không nhỏ cho hãng này.
Tất nhiên, đây chỉ là những nhận định dựa trên thị trường... nhưng thế giới mà chúng ta đang sống lại có nhiều sự kiện có thể đi vượt ngoài sự mong đợi của công chúng. Vì vậy sự thành công hay thất bại của những smartphone Việt vừa ra mắt trong tháng 8 này vẫn còn là ẩn số và tất cả sẽ được thời gian giải đáp.
Thiên Hà