Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, một số hợp đồng BT đã được ký trước ngày luật có hiệu lực thi hành, không đảm bảo nguyên tắc ngang giá. Diện tích đất chấp thuận thanh toán cho nhà đầu tư BT có giá trị lớn hơn rất nhiều so với giá trị dự án BT.

BT Đinh Tiến Dũng: Diện tích đất trả cho nhà đầu tư giá trị hơn nhiều dự án BT

31/05/2019, 17:08

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, một số hợp đồng BT đã được ký trước ngày luật có hiệu lực thi hành, không đảm bảo nguyên tắc ngang giá. Diện tích đất chấp thuận thanh toán cho nhà đầu tư BT có giá trị lớn hơn rất nhiều so với giá trị dự án BT.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng - Ảnh: Cafef

Phát biểu tại Quốc hội ngày 31.5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, việc ban hành nghị định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT đặt ra yêu cầu xử lý hài hòa lợi ích Nhà nước và nhà đầu tư, đồng thời khắc phục tồn tại hạn chế, tiêu cực trong thời gian vừa qua.

“Chính phủ đã xem xét lỹ lưỡng và cân nhắc thận trọng nhiều mặt để vừa đảm bảo mục tiêu chặt chẽ đúng pháp luật vừa đảm bảo không hồi tố, đồng thời giải quyết các vấn đề phát sinh, ông Dũng thông tin.

Theo ông Dũng, việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư trong hợp đồng BT phải đảm bảo ngang giá. Tuy nhiên, trên thực tế, một số hợp đồng BT đã được ký trước ngày luật có hiệu lực thi hành, không đảm bảo nguyên tắc ngang giá. Diện tích đất chấp thuận thanh toán cho nhà đầu tư BT có giá trị lớn hơn rất nhiều so với giá trị dự án BT.

Cùng với đó, việc đấu thầu đồng thời dự án BT và đấu giá quyền sử dụng đất còn một số tồn tại vì theo pháp luật về đất đai thì việc giao đất cho nhà đầu tư để thực hiện dự án kinh doanh bất động sản phải thực hiện đấu giá.

Tuy nhiên, đối với quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư BT, nếu thực hiện đấu giá là không khả thi vì khi đấu thầu dự án BT thì nhà nước đóng vai trò là bên mua và nhà đầu tư đóng vai trò là bên bán, còn khi đấu giá tài sản công thì nhà nước lại đóng vai trò là bên bán còn nhà đầu tư đóng vai trò là bên mua. Pháp luật hiện hành không có quy định đồng thời vừa đấu thầu vừa đấu giá, bán cùng một giá.

Nguyên tắc tiếp theo là giá đất để xác định giá trị quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư theo quy định của pháp luật thì phải xác định theo giá thị trường. Thực tế cho thấy việc xác định giá đất trong thời gian vừa qua chưa đạt yêu cầu của nguyên tắc này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.

Về thanh toán cho nhà đầu tư bằng tiền đấu giá quyền sử dụng đất, ông Dũng cho biết, theo quy định của pháp luật, việc đấu giá chỉ thực hiện được với đất sạch, tức là đất đã giải phóng mặt bằng, trong trường hợp này là sử dụng ngân sách nhà nước để đầu tư công, không phải hình thức đầu tư BT.

Thực tế đối với hình thức đầu tư BT, các địa phương đã chấp thuận sử dụng đất chưa bồi thường giải phóng mặt bằng đã có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai để thanh toán cho nhà đầu tư, quỹ đất chưa bồi thường giải phóng mặt bằng thì chưa đủ điều kiện đưa ra đấu giá.

Báo cáo của Quốc hội về việc thực hiện các dự án BT cho biết, hiện có 22 tỉnh, thành phố thực hiện các dự án theo hình thức BT. Hầu hết các dự án BT đều chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu, việc thanh toán cho nhà đầu tư bằng quỹ đất đã giải phóng mặt bằng mà không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất chưa phù hợp với quy định của Luật Đất đai, có thể dẫn đến thất thoát ngân sách Nhà nước.

Luật sư Nguyễn Tiến Lập, thành viên NHQuang và Cộng sự đánh giá, về mặt chính sách, Việt Nam đang tập trung quá lớn các nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng, chiếm tới 5,7% GDP, vào mức cao nhất Đông Nam Á. Trong khi các cấp các ngành vẫn muốn đầu tư nhiều cho cơ sở hạ tầng nhưng lại thiếu nguồn vốn ngân sách, thì liệu có phương cách nào khác nếu không bám lấy loại hình BT?

“Đơn giản là loại hình đầu tư này rất tiện lợi cho nhiều phía: Chính quyền phê duyệt nhanh vì coi đó là nguồn vốn xã hội hóa lại giúp có điểm cộng về thành tích GDP; ngân hàng cho vay yên tâm có ngay tài sản an toàn để bảo đảm; chủ đầu tư thì dễ kiếm lời bằng đầu cơ đất và ngay cả người dân nói chung, trừ đối tượng bị tác động trực tiếp do thu hồi đất, cũng hoan nghênh khi thấy bộ mặt địa phương thay đổi tích cực”, ông Lập nói.

“Tôi muốn nói rằng, nếu động cơ của chính sách phát triển theo hướng này không thay đổi thì khó có cách nào khác để tạm biệt hay thậm chí hạn chế các dự án BT. Đổi đất lấy cơ sở hạ tầng vốn đã từng và vẫn luôn luôn là giải pháp tình thế chứ không dựa trên cơ sở lý luận nào”, ông Lập nói.

Bên cạnh đó, người dân bị thu hồi đất để làm dự án được đền bù rất thấp và họ sẽ chịu thiệt thòi trong khi chủ đầu tư lại kiếm lời lớn, như thế là không công bằng. Do đó, chính quyền cần thực hiện cơ chế công khai, minh bạch cho các dự án BT, thông qua vừa tham vấn người dân vừa giải trình đối với họ, đồng thời bảo đảm lợi ích hài hòa giữa cả chủ đầu tư, người bị tác động và lợi ích công cộng.

Về lâu dài, luật sư này cho rằng điều căn bản nhất cần làm là việc thành lập một cơ quan chuyên trách về PPP theo hình mẫu “PPP Center” ở các nước. Đó là không phải là một cơ quan phê duyệt dự án tập trung mà là một tổ chức tư vấn chuyên nghiệp và độc lập về PPP.

Hai là, hãy cho dừng hẳn cơ chế “đổi đất lấy hạ tầng” như là giải pháp huy động vốn đầu tư tư nhân vì đã lỗi thời. Thay vào đó cần xây dựng và phát triển một thị trường tài chính chuyên biệt với các giải pháp chuyên nghiệp cho các dự án BT.

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
10 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
BT Đinh Tiến Dũng: Diện tích đất trả cho nhà đầu tư giá trị hơn nhiều dự án BT