Lần đầu tiên trong nhiều năm trở lại đây, một sự kiện bóng đá futsal lại nhận được nhiều sự quan tâm tương đương với những giải bóng đá quốc tế dành cho sân 11 người. Chúng ta đang nói tới giải futsal các CLB châu Á năm 2015, giải đấu mà Thái Sơn Nam thiếu chút nữa đã lọt vào chung kết và sau đấy đã làm nên lịch sử cho futsal Việt Nam bằng chiếc HCĐ.

Bóng đá Việt và câu chuyện về những ông bầu

Một Thế Giới | 08/08/2015, 08:21

Lần đầu tiên trong nhiều năm trở lại đây, một sự kiện bóng đá futsal lại nhận được nhiều sự quan tâm tương đương với những giải bóng đá quốc tế dành cho sân 11 người. Chúng ta đang nói tới giải futsal các CLB châu Á năm 2015, giải đấu mà Thái Sơn Nam thiếu chút nữa đã lọt vào chung kết và sau đấy đã làm nên lịch sử cho futsal Việt Nam bằng chiếc HCĐ.

Sự trỗi dậy mạnh mẽ của futsal Việt Nam ở đấu trường châu lục gắn liền với vai trò của ông Trần Anh Tú, Chủ tịch LĐBĐ TP.HCM (HFF) và đồng thời là ông chủ của CLB Thái Sơn Nam. Nói tới futsal Việt Nam trong khoảng 10 năm qua thì không thể không kể tới vai trò của ông Tú, và bản thân HLV trưởng đội tuyển futsal Việt Nam hiện nay cũng là HLV trưởng của HLV Thái Sơn Nam.
Việc một ông bầu là doanh nhân đứng sau thành công của một đội bóng không còn là câu chuyện lạ với bóng đá Việt Nam, bởi chúng ta đã thấy điều này từ khi V-League mới bắt đầu xuất hiện, và cho đến bây giờ tình hình vẫn không có gì thay đổi, khi các đội bóng chuyên nghiệp đều phụ thuộc trực tiếp hoặc gián tiếp vào một hoặc một số doanh nghiệp.
Chỉ có điều những ông bầu thực sự gắn bó bền bỉ và thể hiện quyết tâm xây dựng bóng đá từ nền móng vững chắc như bầu Tú với futsal, bầu Hiển hay bầu Đức với sân cỏ 11 người là không nhiều. Thay vào đó, vẫn có không ít ông bầu đến với bóng đá vì những toan tính khác, và khi đạt được hoặc không đạt được mục đích thì họ đột ngột "dứt áo" ra đi, cũng bất ngờ như lúc họ xuất hiện.
Bong da Viet va cau chuyen ve nhung ong bau-hinh-anh-1
 Niềm vui chiến thắng của các cầu thủ Thái Sơn Nam  - Ảnh: Ngô Nguyễn
Những nhà điều hành bóng đá Việt Nam đều biết rất rõ tình trạng này, song tất cả vẫn buộc phải chấp nhận, và thế mới có chuyện trước khi mùa bóng mới khởi tranh, BTC giải cứ phấp phỏng nơm nớp lo lắng không biết có đủ số lượng đội bóng tham dự giải hay sẽ có kẻ theo bầu bỏ cuộc chơi.
Trường hợp của Đồng Tháp là một dẫn chứng tiêu biểu, khi đội bóng này gần như chỉ xác định chuyện tham dự V-League 2015 vào sát giờ khai mạc, đến nỗi thầy trò HLV Phạm Công Lộc không còn thời gian huấn luyện thể lực và họ phải tranh thủ nhồi thể lực khi đang thi đấu.
Cũng may là V-League năm nay có quá nhiều quãng nghỉ để các ĐTQG làm nhiệm vụ nên Đồng Tháp còn có thời gian mà tích lũy thể lực, nếu không chẳng biết họ sẽ xoay sở thế nào với tình cảnh cầu thủ không đủ sức để chơi trọn 90 phút với cường độ cao như thế.
Những trường hợp như Đồng Tháp không hiếm thấy ở sân cỏ chuyên nghiệp Việt Nam trong những năm qua, và đội bóng xứ bưng biền xem ra vẫn còn may mắn hơn rất nhiều so với những CLB láng giềng đã phải giải thể vì không có kinh phí hoạt động như K.Kiên Giang hay HV.An Giang.
Từ đó mới thấy sự gắn bó bền bỉ của những ông bầu đã có hàng chục năm đổ tiền vào bóng đá Việt Nam như bầu Tú, bầu Đức hay bầu Hiển thật đáng trân trọng. Người ta vẫn nói rằng bóng đá là kênh quảng bá hữu hiệu cho các doanh nghiệp để khuếch trương thương hiệu, song công bằng mà nói thì bóng đá cũng không phải là cách thức duy nhất để doanh nghiệp đưa tên tuổi của mình đến với người hâm mộ.
Không cần mất nhiêu công sức tìm kiếm chúng ta cũng có thể tìm thấy những doanh nghiệp Việt Nam được xếp hạng rất cao ở quy mô châu lục, song họ chưa từng và cũng chưa bao giờ có ý định đầu tư hoặc gắn bó với bóng đá dưới bất cứ hình thức nào. Và cũng có những doanh nghiệp giàu có nhất nhì Việt Nam, hầu như ai cũng biết đến tên tuổi, nhưng cho đến giờ họ vẫn là "kẻ ngoài cuộc" hoàn toàn với bóng đá đỉnh cao Việt Nam.
Nói vậy để thấy có những ông bầu, những doanh nghiệp đến với bóng đá là vì tình yêu thực thụ, và lợi ích đạt được từ bóng đá với họ có lẽ không phải là ưu tiên số một. Chúng tôi từng có dịp ngồi trò chuyện với một ông bầu đang nổi đình nổi đám ở V-League và ông này đã đưa ra một phát biểu rất đáng suy ngẫm.
Ông nói rằng nếu muốn bóng đá phát triển thì hãy trao bóng đá cho những người có điều kiện kinh tế, bởi chỉ những người đã có sẵn sự giàu có và đến với bóng đá bằng đam mê thuần túy thì họ mới có thể làm giàu cho bóng đá, còn nếu coi bóng đá là phương tiện để làm giàu hoặc đánh bóng thương hiệu thì không thể coi là làm bóng đá một cách tử tế.
Theo Huy Anh/ Thể thao & Văn hóa
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
12 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bóng đá Việt và câu chuyện về những ông bầu