Có quá nhiều câu lạc bộ bóng đá Việt Nam đồng loạt rơi vào khủng hoảng tài chính như hiện nay, mà gần đây nhất là trường hợp đội Đông Á Thanh Hóa.
Thể thao

Bóng đá Việt Nam: Rất cần nhà đầu tư chân thành và sự chia sẻ của cầu thủ

Đặng Hoàng 18/08/2024 13:13

Có quá nhiều câu lạc bộ bóng đá Việt Nam đồng loạt rơi vào khủng hoảng tài chính như hiện nay, mà gần đây nhất là trường hợp đội Đông Á Thanh Hóa.

th2.jpg
Các cầu thủ Thanh Hóa đã được nhận lương tháng 5 và tháng 6.2024

Rất may, rất đúng hẹn, lãnh đạo CLB Đông Á Thanh Hóa (ĐATH) đã thực hiện đúng lời hứa khi trả phần lớn các khoản nợ để thành viên đội bóng yên tâm trước khi mùa giải 2024-2025 khởi tranh.

Cụ thể, các cầu thủ Thanh Hóa đã được nhận lương tháng 5 và tháng 6.2024, một số khoản thưởng của mùa giải 2023 và mùa giải 2023-2024, đồng thời cũng nhận luôn khoản phí lót tay theo thỏa thuận hợp đồng của mỗi cá nhân.

Như vậy lãnh đạo ĐATH chỉ còn nợ cầu thủ lương tháng 7.2024, các khoản thưởng khi CLB thắng 2 trận đấu trước Nam Định và Hà Nội FC tại Cúp quốc gia 2023-2024 cũng như là tiền thưởng từ Ban Tổ chức giải dành cho đội đoạt cúp. Tổng số tiền nợ trước đó ước tính khoảng 16 - 18 tỉ đồng thì này còn khoảng trên dưới 7 tỉ và lãnh đạo đội cũng hứa sẽ quyết toán dứt điểm trong thời gian sớm nhất có thể.

Chưa bao giờ nhà đầu tư nghĩ đến việc trả đội bóng ĐATH cho tỉnh

Đó là quan điểm rất rõ ràng của gia đình ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Bất động sản Đông Á, Chủ tịch điều hành CLB ĐATH. Việc nợ lương, thưởng, phí lót tay, ban lãnh đạo cũng đã nói rất rõ ràng trước đội bóng cũng như thời gian sẽ quyết toán. Ngoài chuyện sống với nhau vì tình nghĩa, điều quan trọng vẫn là lý dựa trên hợp đồng giữa người sử dụng lao động với người lao động. Với những gì đã trải qua suốt 4 năm qua kể từ khi nhận đội bóng, rõ ràng CLB ĐATH dưới thời bầu Đoan đã khác rất nhiều theo chiều hướng tích cực.

Cùng nhớ lại thuở ban đầu nhận đội bóng rất là khó khăn khi thành tích chuyên môn từ đội 1 cho đến các tuyến trẻ của đội đã đồng loạt sa sút, cơ sở vật chất thiếu thốn, thậm chí đội 1 vất vả tranh suất trụ hạng V-League.

Sau đó thì sao?

Như mọi người đã biết, thành tích bóng đá Thanh Hóa đã tốt dần lên: V-League 2021 xếp thứ 5; Huy chương đồng Cúp quốc gia 2021; Huy chương đồng U.21 quốc gia 2022. Năm 2023, ĐATH vô địch U.19 quốc gia, vô địch Cúp quốc gia, xếp thứ 4 V-League rồi đoạt Siêu cúp quốc gia; năm 2024, ĐATH bảo vệ thành công danh hiệu vô địch Cúp quốc gia.

Để có được chuỗi thành tích được xem là tốt nhất trong lịch sử bóng đá Thanh Hóa, ngoài tài chính tính trung bình mỗi năm chi tiêu từ 100 đến 120 tỉ đồng, mùa bóng đầu tiên ông Đoan còn phải dành 1/3 thời gian để điều hành, tái cấu trúc đội bóng, còn con trai ông là Cao Hoàng Đức đã phải nghỉ công việc ở tập đoàn để về đội ĐATH làm Giám đốc điều hành.

Vì sao ông Đoan lại nhận đội bóng trong khi cả gia đình đều cản, để rồi đúng như gia đình âu lo: đầu tư vào bóng đá vừa hao tiền tốn của, vừa mất thời gian, vừa mất công mất sức mà vẫn không tránh khỏi bị người đời gièm pha.

Vượt qua tất cả, ông Đoan đã thuyết phục được gia đình vì ông nói gia đình mà ông sinh ra, lớn lên và có được sự nghiệp như ngày hôm nay, tất cả đều từ vùng đất Thanh Hóa. Do đó đây là cơ hội để ông cùng gia đình trả ơn cho quê hương Thanh Hóa qua con đường bóng đá.

Suy nghĩ này của ông Đoan đã truyền ngọn lửa lan tỏa đến cả gia đình và mọi thành viên tự hào khi ông Đoan từng nói rằng: “Bóng đá là một môn thể thao có thể xây dựng được hình ảnh của quê hương, do đó thành công trong những năm qua là công sức, là nỗ lực của ban lãnh đạo CLB, của cầu thủ, là sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, chính quyền, nhân dân trong tỉnh, là tình yêu của người hâm mộ”.

Trong khi đó ông Hoàng Đức đã nghĩ gì sau 4 năm cùng bố Đoan điều hành CLB ĐATH? Ông Đức tâm sự: Có đầu tư, có bước vào và hoạt động trực tiếp trong đời sống bóng đá, chúng tôi càng hiểu hơn bóng đá quan trọng ra sao với người dân Thanh Hóa. Do đó chúng tôi càng không thể làm điều gì không phải với bóng đá Thanh Hóa, có nghĩa là chúng tôi không được phép làm người dân Thanh Hóa thất vọng. Bố tôi luôn dạy, sống và làm việc là phải sạch. Sạch ở đây là sạch trong tư tưởng, sạch trong tâm hồn, sạch trong công việc. Với triết lý sống này, kể từ khi nhận đội bóng cho đến nay, chúng tôi chưa bao giờ có ý nghĩ trả đội bóng lại cho tỉnh. Nếu không còn đủ khả năng, chắc chắn bố tôi sẽ báo cáo với tỉnh, vì đội bóng là của chung người Thanh Hóa chứ không của riêng bất kỳ ai.

Đào tạo trẻ - con đường của tương lai bền vững

Đầu tư vào bóng đá ở Việt Nam hoàn toàn không lợi nhuận, mà làm bóng đá phải là tiền tươi, tiền rất nhiều, nếu kinh doanh thuận lợi thì không nói làm gì, ngược lại khi khó khăn, các nhà đầu tư vào các CLB BĐVN sẽ rơi vào hoàn cảnh nợ lương, thưởng, phí lót tay các cầu thủ, HLV. Thực trạng hiện nay, các CLB BĐVN không thể cân bằng được tài chính.

Cần biết rằng, những năm kinh tế chưa khó khăn, ngoài lương, phí lót tay, mỗi trận thắng dù là trên sân nhà hay trên sân khách, mức thưởng bình thường ông Đoan dành cho đội là 1 tỉ đồng. Có những trận với tính chất đặc biệt có khi còn thưởng hơn con số này.

Thế nhưng từ mùa trước, mức thưởng đã giảm xuống còn 500 triệu đồng/trận. Tuy nhiên cũng vào mùa trước, khi ĐATH thua nhiều trận, đến khi gặp đội Hạng nhất và lại không phải là đội mạnh, khả năng thắng là rất cao và xem như là chuyện đương nhiên, nhưng ông Đoan vẫn ra mức thưởng 1 tỉ đồng với mục đích tạo thêm động lực, động viên anh em cầu thủ chiến đấu với niềm tin chiến thắng.

Với cổ động viên, ngoài việc hỗ trợ không giới hạn số lượng xe vận chuyển cổ động viên đi sân khách ủng hộ CLB, không giới hạn số lượng vé phát miễn phí các các thành viên của Hội CĐV, mỗi mùa bóng đội gửi Hội CĐV 1.000 chiếc áo màu vàng truyền thống của đội, ngoài ra mỗi trận thắng của đội, chúng tôi hỗ trợ Quỹ hoạt động của Hội CĐV ít nhất 10 triệu đồng - ông Đức cho biết.

Ngoài ra, khi đại dịch COVID-19 khiến cho nhiều gia đình người khốn khó, đặc biệt là với những ai đi làm xa quê, ông Đoan đã chuyển cho Hội đồng hương Thanh Hóa ở TP.HCM 10 tấn gạo, đồng thời chuyển vào Hội CĐV bóng đá Thanh Hóa miền Nam ở TP.HCM 200 triệu đồng để chia sẻ với những người con Thanh Hóa khó khăn 500.000 đồng để có thể di chuyển về quê nhà, hoặc phụ thêm phần sinh hoạt cho họ trong thời kỳ rất đặc biệt này.

Nhắc lại không phải là kể công mà để muốn nói rằng quê hương Thanh Hóa đã cho gia đình ông Đoan quá nhiều thứ và giờ đây khi có điều kiện, ông Đoan muốn đền đáp.

Với riêng bóng đá, hiện nay giá cầu thủ Việt Nam quá cao. Thực tế này không chỉ là hiện tượng phá giá mà còn cho thấy cầu thủ tài năng của BĐVN ngày càng ít. Từ đây cho thấy chất lượng đào tạo trẻ chưa hiệu quả. Vì vậy với lãnh đạo ĐATH, SLNA là mô hình mà ĐATH cho rằng cần nghiên cứu và học tập rồi áp dụng sao cho phù hợp với bóng đá Thanh Hóa vì từ hoàn cảnh cho đến vị trí địa lý, Thanh Hóa với SLNA gần như là tương đồng.

Học theo mô hình đào tạo trẻ của SLNA vì chất lượng đào tạo trẻ của SLNA quá tốt khi thường xuyên và liên tục SLNA sử dụng chính cầu thủ của họ đào tạo và nhiều CLB khác phải mua cầu thủ của SLNA. Đó là chưa nói có không ít cầu thủ SLNA khoác áo đội tuyển quốc gia Việt Nam.

Khi làm bóng đá trẻ tốt sẽ vừa giảm được kinh phí đầu tư, lại chủ động được lực lượng của đội, đó là quan điểm của lãnh đạo ĐATH.

Ông Hoàng Đức cho biết rất vui mừng khi lãnh đạo tỉnh đã hỗ trợ kinh phí đào tạo trẻ cho CLB ĐATH, dù không nhiều nhưng qua đó cho thấy sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh đối với bóng đá tỉnh nhà.

Ngoài ra lãnh đạo tỉnh cũng vừa cấp cho CLB ĐATH 30ha đất với công năng sử dụng làm các cơ sở hoạt động thể thao, sân tập bóng đá. Dù vị trí hơi xa, nhưng CLB ĐATH sẽ đầu tư vì bao năm nay, ngoài sân chính mà đội một thi đấu ở V-League cũng như là đội U.19+ tập luyện, CLB phải thuê sân ở Trường đại học Hồng Đức cho các cầu thủ lứa U.15, U.16; còn các đội U lứa dưới phải tập trên sân cỏ nhân tạo.

Đó là thực trạng hiện tại về hệ thống bóng đá trẻ với hơn 200 cầu thủ năng khiếu. Làm bóng đá cho đội 1 rất tốn kém, nhưng ông Đoan vẫn quyết liệt đầu tư và làm đến nơi đến chốn cho bóng đá trẻ. Do đó từ mùa 2024 này, CLB ĐATH sẽ có đội trẻ tham gia thi đấu giải Hạng 3 với mục đích tạo điều kiện cho các cầu thủ trẻ thi đấu, tích lũy kinh nghiệm, nâng cao trình độ để sẵn sàng bổ sung cho tuyến trên.

Ông Hoàng Đức cho biết CLB sẽ xây dựng giáo trình chung cho bóng đá trẻ với triết lý tuyển chọn và đào tạo theo phong cách lối chơi kiểm soát bóng vừa phù hợp với xu hướng bóng đá hiện đại, vừa có được lối chơi đẹp, cống hiến thu hút người hâm mộ như CLB ĐATH thể hiện vài năm qua. Cần xác định hướng đi cho đội ĐATH, qua đó mới mời HLV xây dựng lối chơi và đào tạo cầu thủ phù hợp với triết lý này.

Với cách làm này, nếu thực hiện đúng như những gì chia sẻ, rõ ràng lãnh đạo ĐATH rất mong muốn cùng mọi người nâng bóng đá Thanh Hóa lên một tầm cao mới, không chỉ là bây giờ mà còn hướng đến các thế hệ sau để Thanh Hoa có một nền tảng vững chắc làm bệ phóng vươn cao, vươn xa.

***

VFF và VPF đã phải lùi lại lịch bốc thăm giải Hạng nhất và Cúp quốc gia 2024-2025 khi có tới 5/12 CLB Hạng nhất chưa biết số phận ra sao khi tất cả đều gặp khó về tài chính, là Long An, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Định hướng Phú Nhuận, Khánh Hòa; không ít CLB V-League trong quá khứ đã phải giải thể cũng bởi nguyên nhân khủng hoảng tài chính.

Vì thế, qua câu chuyện Tình và Lý của CLB ĐATH, đã đến lúc nhà đầu tư cần trung thực, giữ đúng lời hứa với cầu thủ; ngược lại cầu thủ cũng phải chia sẻ khi nhà đầu tư rơi vào hoàn cảnh khó khăn về tài chính. Đó mới là giải pháp để các bên cùng tồn tại, thay vì lãnh đạo thì thất hứa, còn cầu thủ thì kêu cứu!

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 1: Giá bấp bênh, diêm dân vẫn quyết không bỏ nghề
Nghề làm muối ở tỉnh Bạc Liêu đã hình thành và phát triển đến nay trên 100 năm. Với diêm dân, nghề muối là nghề phải “đội nắng tắm sương” mới tạo ra được hạt muối ngon.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bóng đá Việt Nam: Rất cần nhà đầu tư chân thành và sự chia sẻ của cầu thủ