Đừng nghĩ rằng người bị oan sai thường vòi vĩnh, nâng khống lên thiệt hại của họ. Hãy đặt mình vào trường hợp của họ đã rồi hãy kết luận.

Bồi thường oan sai: Cao hay thấp, nhiều hay ít..?

09/01/2017, 20:41

Đừng nghĩ rằng người bị oan sai thường vòi vĩnh, nâng khống lên thiệt hại của họ. Hãy đặt mình vào trường hợp của họ đã rồi hãy kết luận.

TAND tỉnh Bình Thuận chỉ chịu trả bồi thường oan sai cho ông Huỳnh Văn Nén - người tù thế kỷ bị tù 17 năm oan sai nếu có giấy tờ chứng minh thiệt hại - Ảnh: Trung Kiên (Báo NLĐ)

Quả thật rất khó nói khi đọc thông tin này: Sáng 9.1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp cho ý kiến về dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước (sửa đổi).

Tại buổi thảo luận, ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, với tư cách người đứng đầu một cơ quan tư pháp cấp cao nhất của nhà nước đã nhắc lại chuyện bồi thường những vụ oan sai vừa qua, vụ đã bồi thường ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang, đang rắc rối vụ ông Huỳnh Văn Nén ở Ninh Thuận, rồi có thể tiếp là vụ ông Hàn Đức Long (cũng Bắc Giang) nữa. Tinh những vụ oan sai kinh người, “chấn động địa cầu”.

Dưới góc độ cá nhân, ông Nguyễn Hòa Bình nhận định rằng số tiền bồi thường cho ông Chấn Bắc Giang là quá cao, nó gây khó khăn, tạo tiền lệ xấu cho những vụ bồi thường tiếp sau. Ông Bình dẫn ra vụ ông Nén – người tù thế kỷ. Ông bảo rằng đang gặp nhiều trở ngại, khó khăn bởi nếu theo quy định của Bộ Tài chính thì mức bồi thường sẽ rất thấp, thấp hơn nhiều so với bồi thường cho ông Chấn, trong khi ông Nén bị tù nhiều năm hơn (17 năm, so với 10 năm).

Dĩ nhiên với những nhà chức việc như ông chánh án Bình thì xử lý những điều hệ trọng vậy phải căn cứ vào các điều luật, quy định, con số cụ thể.

Sai một li có thể đi ngàn dặm. Việc xét xử kết án ông Chấn, ông Nén, ông Long và bao nhiêu vụ oan sai khác đều bắt đầu từ những cái sai, nay không cho phép sai tiếp theo nữa. Đồng tiền bồi thường oan sai không phải là vô hạn, bao nhiêu cũng được. Càng chính xác, sát hợp, càng thuyết phục và dễ được chấp nhận.

Có điều, giải quyết bồi thường oan sai đều không thể chỉ căn vào những định lượng, quy tắc nhiều khi vô cảm ấy. Có những thiệt hại của con người sau những năm dài chìm trong đau khổ oan sai không tài nào bù đắp được. Đúc tượng vàng to bằng người thật mà đền cũng không đền được, chứ đừng nói gì đến chuyện cân nhắc bao nhiêu tháng, bao nhiêu năm, tính theo lương cơ bản bằng bao nhiêu.

10 năm, 17 năm… đã trôi qua trong tù chỉ có thể tính bằng cách đem nhân với câu “nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại” mà đền bù cho người bị oan sai mới xứng đáng. Đó là chưa kể, nói như bà Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga “một người bị tù oan thì cả dòng họ, con cái của họ bị thiệt hại rất nặng chứ đâu phải bản thân họ. Do đó, bồi thường không chỉ đối với bản thân người bị oan, mà còn phải bồi thường cho vợ con họ, những người chịu thiệt hại do người thân của mình vướng vào vòng lao lý oan”.

Nhà tù là nơi giam giữ kẻ phạm tội, và nói theo lý thuyết, còn là nơi cải tạo, giáo dục con người, buộc con người từ bỏ tội lỗi để hướng thiện. Nhưng đó là đối với những kẻ có tội. Còn đối với người bị oan sai, người lương thiện bị kết án oan, thì nhà tù là địa ngục.

Bị cách ly khỏi xã hội, bị cộng đồng ruồng bỏ, bị đày đọa cả về thể xác lẫn tinh thần, bị chen chúc sống giữa những “đại bàng” có thể đánh đập, lấy mạng mình bất cứ lúc nào, hàng trăm hàng nghìn thứ “bị” khiến người ta sống cũng như chết. Mấy chữ “bị oan sai” chẳng khác gì dấu sắt nung đỏ mà quan đề hình ngày xưa đóng lên trán kẻ phạm tội, có xóa mấy cũng chả sạch được.

Cá nhân họ đã vậy, mà đâu chỉ một mình họ, các ông Chấn, ông Nén, ông Long… Kèm theo đó, bao nhiêu tổ ấm gia đình sau cái án oan sai ấy bị bão tố cuộc sống dập vùi. Gia đình tan nát, người thân ly tán, đổ vỡ tình cảm, thiệt hại vật chất, xã hội ghẻ lạnh, tương lai mờ mịt…, cái giá trả cho sự oan sai của mỗi người cực kỳ lớn, có bù có đền bao nhiêu đi chăng nữa cũng không đủ.

Tấn bi kịch thậm chí kéo dài đến vài thế hệ. Chả mấy ai không biết vụ oan sai lịch sử thời Lê thế kỷ thứ 15. Vua Thái Tông qua đời, công thần bậc nhất Nguyễn Trãi bị nghi là thủ phạm. Ông bị kết án tru di tam tộc (giết cả 3 họ), gần như tuyệt tộc. Dù sau này vua Thánh Tông có giải oan cho ông, “Ức Trai tâm thượng quang Khuê tảo” (lòng Ức Trai sáng tựa sao Khuê), đền bù oan sai như thế cũng tưởng hết mức rồi, nhưng cái bi kịch tuyệt tộc kia thì làm sao bù được.

Có những ai đó khi biết việc ông Chấn, ông Nén, ông Long bị oan, bị người ta đặt lên bàn cân tính toán đền bù, cò kè bớt một thêm hai, đã không kìm được mà “quát” lên rằng, thế thì cứ mời những ông bà gây ra oan sai vào hưởng mùi nhà tù, chừng ấy năm. Ân oán rạch ròi.

Nói vậy thôi, chứ còn có luật. Và bên cạnh luật, cùng với luật, còn phải có tình, có trách nhiệm với số phận con người. Đạt lý nhưng cũng phải thấu tình. Chỉ đếm tiền bằng lý để trả cho người bị oan sai chẳng khác nào gây tiếp ra sự oan sai khác. Rồi biết bao giờ mới trả xong.

Đừng nghĩ rằng người bị oan sai thường vòi vĩnh, nâng khống lên thiệt hại của họ. Hãy đặt mình vào trường hợp của họ đã rồi hãy kết luận. Những đòi hỏi phi lý, tất nhiên không ai chấp nhận, nhưng với những thứ mà không hóa đơn, văn bản, chứng thực nào tính đếm được thì cũng đừng nên so đo, cò kè, bớt một thêm hai.

Nguyễn Thông

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bồi thường oan sai: Cao hay thấp, nhiều hay ít..?