Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh sốt xuất huyết năm nay, Bộ Y tế đã cảnh báo người dân về vấn đề tự chữa bệnh tại nhà khi người dân không muốn vào bệnh viện vì sợ lây nhiễm chéo.
Chia sẻ với phóng viên, ông Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết số ca mắc sốt xuất huyết hiện nay không phải tập trung vào trẻ nhỏ hoặc người già mà hơn 50% ca mắc là người đang trong độ tuổi lao động. Vì vậy, người dân cần được biết các đặc điểm nhận diện rõ ràng về loại muỗi truyền bệnh, cách lây bệnh và các típ sốt xuất huyết để có cách chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh chủ quan.
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do vi rútDengue gây ra với 4 típ gây bệnh được ký hiệu là D1, D2, D3, D4. Do miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ có tính đặc hiệu đối với từng típ nên một người có thể mắc bệnh sốt xuất huyết lần thứ 2, 3, 4 với những típ vi rútkhác nhau. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rútsau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Hai loại muỗi vằn truyền bệnh là Aedes aegypti và Aedes albopictus, trong đó chủ yếu là do muỗi Aedes aegypti.
Các chuyên gia y tế cho biết, muỗi lây bệnh sốt xuất huyết là muỗi vằn cái, đốt người vào ban ngày, đốt mạnh nhất là vào sáng sớm và chiều tối. Muỗi vằn thường trú đậu ở các góc, xó tối trong nhà, trên quần áo, chăn màn, dây phơi và các đồ dùng trong nhà. Muỗi vằn đẻ trứng, sinh sản chủ yếu ở dụng cụ chứa nước sạch trong và xung quanh nhà như bể nước, chum, vại, lu, khạp, giếng nước, hốc cây... các đồ vật hoặc đồ phế thải có chứa nước như lọ hoa, bát nước kê chạn, lốp xe, vỏ dừa.... Đây là loại muỗi không đẻ ở ao tù, cống rãnh. Đặc biệt, muỗi vằn phát triển mạnh vào mùa mưa, khi nhiệt độ trung bình trên 20ºC.
Các bệnh viện đều quá tải khi dịch bệnh sốt xuất huyết diễn biến phức tạp
Lãnh đạo Cục Y tế dự phòng cũng cho biết, số ca mắc sốt xuất huyết mọi năm chủ yếu ở thể D1 và D4, nhưng năm nay có sự gia tăng số ca mắc ở thể D2. Hiện, các típ vi rútnày chưa có sự biến đổi về độc lực và cũng chưa có biến đổi gien. Tính từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận 58.888 trường hợp mắc bệnh, 18 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2016, số trường hợp nhập viện tăng gần 10%. Số mắc chủ yếu ở khu vực miền Nam, riêng miền Bắc gần đây có gia tăng số ca mắc tại Hà Nội rất cao. Hiện Hà Nội đứng thứ 3 cả nước về số mắc tuyệt đối và bị lây nhiễm chéo khi mắc bệnh sốt xuất huyết, và số ca bị lây nhiễm chéo khi vào bệnh viện cũng tăng cao.
Để phòng chống dịch bệnh bùng phát, lan rộng và kéo dài trước diễn biến phức tạp trên mà hiện nay chưa có thuốc phòng, trị bệnh, ông Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh khuyến cáo người dân không tự ý chữa bệnh tại nhà khi có các triệu chứng về sốt xuất huyết. Nếu tự ý điều trị, bệnh sốt xuất huyết ở nhà lâu không khỏi, bệnh nhân rất dễ gặp các biến chứng như tràn dịch màng phổi, bụng to, cổ trướng... Ngoài ra, một biến chứng nữa có thể xuất hiện đó là xuất huyết bất thường do rối loạn đông máu, suy giảm tiểu cầu gây chảy máu cam dữ dội, rong kinh, xuất huyết đường tiêu hóa, suy tạng, xuất huyết não, phổi... và tử vong.
Ngoài ra theo Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, khi bị sốt người dân cũng tuyệt đối không tự ý truyền dịch. Thực tế cho thấy hiện đa phần mọi người đều nghĩ sốt cần truyền dịch. Tuy nhiên, truyền dịch khi không thích hợp chẳng những bệnh không thuyên giảm mà còn xuất hiện những biến chứng nặng do thừa dịch như: Phù phổi cấp, suy tim do quá tải tuần hoàn. Đặc biệt, với những bệnh nhân đang có các triệu chứng sốc, phù nề nhiều hoặc có bệnh lý về thận tuyệt đối không bù dịch bằng đường truyền.
Ông Khuê cũng khẳng định tất cả các đối tượng đều có thể bị sốt xuất huyết. Sốt xuất huyết không lây qua đường hô hấp, dịch tiết hay tiếp xúc với người bệnh, mà chỉ lây qua muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút, sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Đến nay, chưa có cơ sở khoa học nào chứng minh người mắc sốt xuất huyết kiêng tắm, kiêng ăn sẽ khỏi bệnh, vì vậy người bệnh nên vệ sinh sạch sẽ, bổ sung đủ chất dinh dưỡng, ăn thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu, uống nhiều nước bù dịch.
Dịch bệnh sốt xuất huyết có thể phòng được và chữa được song cần phải truyền thông mạnh hơn nữa, tới tận các xã, phường để người dân có ý thức vệ sinh tại chỗ ở, để phòng chống loại muỗi gây bệnh sinh sản. Ngay từ đầu năm 2017 Bộ Y tế đã chỉ đạo các địa phương thực hiện đầy đủ, đồng bộ các hoạt động phòng chống dịch, triển khai quyết liệt chiến dịch diệt lăng quăng tới tất cả các xã, phường, phun hóa chất chủ động.Đồng thời các cơ quan chức năng của một số tỉnh, TP cũng tiến hành xử phạt một số hộ dân không hợp tác chống dịch.
Chia sẻ với phóng viên, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh vai trò của người dân trong việc phối hợp phòng, chống dịch sốt xuất huyết, việc phun thuốc muỗi phòng chống dịch là quan trọng nhưng chỉ có tính nhất thời. Cái gốc vấn đề và lâu dài là phải diệt lăng quăng, bọ gậy thường xuyên, liên tục tại từng gia đình và khu dân cư. Có như vậy, việc phòng chống dịch mới mang tính triệt để.
"Hiện nay, các cơ sở y tế tuyến dưới hoàn toàn có thể điều trị khỏi bệnh, chính vì vậy, Bộ Y tế đã thực hiện phân tuyến rất cụ thể để người dân có thể an tâm chữa bệnh. Kkhi người dân mắc bệnh, tuyệt đối không tự ý điều trị, mua thuốc kháng sinh hay tự truyền dịch tại nhà mà phải đến các cơ sở y tế uy tín, tránh tình trạng biến chứng. Khi bị biến chứng rồi thì lúc vào viện chữa bệnh sẽ khá khó khăn vì người bệnh dễ bị phù hoặc tràn dịch khi không điều trị đúng cách",Bộ trưởng cho hay.
Dạ Thảo