Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng trong 7 tháng đầu năm 2017, số ca mắc được ghi nhận là 58.888 ca, gần 50.000 ca nhập viện, có 17 ca tử vong.
Muỗi đốt vào ban ngày, đốt mạnh nhất vào sáng sớm
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), muỗi lây bệnh sốt xuất huyết là muỗi vằn cái, đốt người vào ban ngày, đốt mạnh nhất là vào sáng sớm và chiều tối. Muỗi vằn thường trú đậu ở các góc, xó tối trong nhà, trên quần áo, chăn màn, dây phơi và các đồ dùng trong nhà.
Đây là loại muỗi không đẻ ở ao tù, cống rãnh có nước hôi thối. Muỗi vằn phát triển mạnh vào mùa mưa, khi nhiệt độ trung bình vượt trên 20ºC.
Bệnh sốt xuất huyết do vi rút Dengue gây ra, hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh. Bệnh do muỗi vằn đốt, muỗi truyền bệnh từ người bệnh sang người lành do đó có thể gây thành dịch. Biện pháp phòng chống sốt xuất huyết chủ động, hiệu quả nhất là diệt muỗi, diệt lăng quăng và diệt bọ gậy.
Dấu hiệu khi bị sốt xuất huyết
Khi người bị muỗi đốt, ban đầu có dấu hiệu ngứa, sưng đỏ tấy nơi đốt. Và tùy theo sức đề kháng của mỗi người, sau 3 - 4 ngày sẽ có biểu hiện sốt cao đột ngột từ 37 - 40 độ C. Còn biểu hiện nhẹ thìđau đầu, buồn nôn và nổi phát ban.Tuy nhiên, sau sốt cao khoảng 3 – 4 ngày, một số dấu hiệu chứng tỏ bệnh có thể diễn biến nặng lên như đột nhiên người bệnh cảm thấy mệt lả, vã mồ hôi lạnh kèm đau đầu dữ dội và nôn nhiều.
Một số trường hợp bệnh nhân bị đau dữ dội vùng gan, suy hô hấp do tràn dịch, tràn máu màng phổi, chảy máu phổi hoặc bội nhiễm ở những ngày sau luôn là một dấu hiệu tiên lượng xấu cho bệnh nhân.
Khi bệnh nhân bị sốt có dấu hiệu nặng, người nhà bệnh nhân tuyệt đối không được chữa trị tại nhà, để lâu, phải ngay lập tức đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất tránh nguy cơ dẫn đến tử vong. Khi điều trị, bạn cần chú ý đảm bảo nuôi dưỡng, chăm sóc vệ sinh thân thể bệnh nhân.
Cách phòng
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát, lan rộng, kéo dài trong thời gian tới, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ mỗi cộng đồng thực hiện những hành động đơn giản nhưng rất thiết thực và quan trọng để phòng chống dịch, cụ thể như sau:
- Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
- Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn. Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá ...
- Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.
- Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
- Khi bị sốt, đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.
Lam Khuê (tổng hơp)