Bộ Tư pháp cho rằng, các quy định về xuất xứ hàng Việt Nam đang được lấy ý kiến có nhiều sạn, đa số nội dung sao chép Nghị định 31/2018 quy định về xuất xứ hàng hóa theo Luật Ngoại thương.

Bộ Tư pháp: Dự thảo thông tư về xuất xứ hàng Việt Nam có nhiều sạn

tuyetnhung | 26/09/2019, 14:42

Bộ Tư pháp cho rằng, các quy định về xuất xứ hàng Việt Nam đang được lấy ý kiến có nhiều sạn, đa số nội dung sao chép Nghị định 31/2018 quy định về xuất xứ hàng hóa theo Luật Ngoại thương.

Bộ Công Thương nói dự thảo thông tư nhiều ưu điểm

Bộ Công Thương ngày 25.9 đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý cho dự thảo thông tư quy định cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam. Đây là dự thảo được các doanh nghiệp và người dân quan tâm sau khi một số doanh nghiệp bị tố bán hàng không rõ xuất xứ.

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, cho tới nayViệt Nam đã ban hành nhiều quy định về xuất xứ hàng hóa, trong đó có việc như thế nào thì một sản phẩm được coi là có xuất xứ Việt Nam.

Tuy nhiên, các quy định này mới chỉ áp dụng cho hàng xuất khẩu và hàng nhập khẩu, giúp hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu theo cam kết tại các hiệp định thương mại tự do hoặc phục vụ các mục tiêu khác của quản lý ngoại thương. Với hàng hóa sản xuất, bao gồm cả sản xuất từ đầu vào nhập khẩu, sau đó lưu thông trong nước, hiện chưa có quy định như thế nào thì được gắn nhãn "sản phẩm của Việt Nam" hay "sản xuất tại Việt Nam".

Bên cạnh đó, việc thiếu vắng các quy định về việc như thế nào thì một sản phẩm được coi là “sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam” hay “sản xuất tại Việt Nam” đã khiến nhiều tổ chức và cá nhân lúng túng khi muốn ghi chính xác nước xuất xứ trên nhãn sản phẩm theo quy địnhNghị định 43. Trên thực tế, một số mặt hàng dù chỉ trải qua các công đoạn gia công, lắp ráp, chế biến đơn giản tại Việt Nam nhưng cũng gắn nhãn "sản xuất tại Việt Nam" khiến người tiêu dùng thắc mắc, thậm chí bức xúc nhưng các cơ quan chức năng lại không có căn cứ để phân xử.

"Bộ Công Thương đã hoàn thành xong Thông tư. Thông tư này đưa ra chuẩn mực để giúp doanh nghiệp có thể soi vào đánh giá với hàm lượng, quy trình sản xuất như vậy, doanh nghiệp có thể hoàn toàn tự tin dán nhãn hàng sản xuất tại Việt Nam hay chưa. Doanh nghiệp có thể lấy Thông tư này làm thước đo chuẩn để biết được như thế nào thì một sản phẩm, hàng hóa được coi là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hay sản xuất tại Việt Nam", ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khẳng định, Thông tư sẽ không làm phát sinh thêm chi phí cho doanh nghiệp bởi ghi nhãn hàng hóa và công bố nước xuất xứ trên nhãn hàng hóa đã từ lâu là yêu cầu bắt buộc theo quy định của Nghị định 43. Thông tư chỉ giúp các tổ chức, cá nhân có căn cứ để thực hiện đúng yêu cầu của Nghị định 43, giúp loại bỏ các trường hợp vô tình hay cố tình vi phạm thông tin về nước xuất xứ.

Các doanh nghiệp chân chính sẽ không phải đối diện với nguy cơ cáo buộc “gian lận xuất xứ”, tránh được rủi ro kiện tụng và mất uy tín với người tiêu dùng. Ngoài ra, kết hợp với việc thực thi nghiêm túc Nghị định 43 tại cửa khẩu, Thông tư cũng sẽ giúp loại bỏ dần tình trạng hàng nhập khẩu nhập nhèm "đội lốt" hàng Việt Nam như đã rải rác xảy ra trong thời gian qua.

Bộ Tư Pháp phản biện dự thảo thông tư sao chép, nhiều sạn

Tuy nhiên, đại diện Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế thuộc Bộ Tư pháp lại cho rằng dự thảo thông tư có nhiều sạn, đa số nội dung sao chép Nghị định 31/2018 quy định về xuất xứ hàng hóa theo Luật Ngoại thương.

Bộ Tư pháp dẫn chứng Điều 8 dự thảo thông tư về cơ bản giữ nội dung quy định tại Điều 7 Nghị định 31; ban soạn thảo chỉ sửa đổi kỹ thuật theo hướng thay thế cụm từ “nước”, “nhóm nước”, “vùng lãnh thổ” thành cụm từ “Việt Nam”.

Do đó, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo thông tư không quy định lại các nội dung đã được thể hiện tại Nghị định 31. Bên cạnh đó, đại diện Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Công Thương rà soát dự thảo thông tư để đảm bảo sự thống nhất trong cách sử dụng thuật ngữ.

Ngoài ra, theo Bộ Tư pháp, quy định tại khoản 1 Điều 14 dự thảo thông tư chưa rõ ràng. “Nếu tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa trên thị trường Việt Nam có quyền không thể hiện nội dung hàng hóa của Việt Nam thì có nghĩa là tổ chức, cá nhân này được thể hiện là hàng hóa của nước khác? Trong khi theo quy định tại điểm c khoản 1 điều 10 Nghị định số 43/2017 về nhãn hàng hóa thì xuất xứ hàng hóa là một nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa và việc ghi nhãn hàng hóa là trách nhiệm của tổ chức, cá nhân”

Đặc biệt, đại diện Bộ Tư pháp cho rằng nội dung của dự thảo thông tư chứa đựng những quy định về yêu cầu, tiêu chí để sản phẩm, hàng hóa được xác định là hàng hóa của Việt Nam. Nghĩa là chứa đựng những quy định về điều kiện kinh doanh. Trong khi đó, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, các điều kiện kinh doanh không thể ban hành dưới hình thức thông tư của bộ trưởng. Từ những phân tích trên, đại diện Bộ Tư pháp đề nghị: “Một hình thức văn bản như nghị định sẽ phù hợp hơn là thông tư”.

Tại hội thảo, nhiều doanh nghiệp đã nêu ra một số vướng mắc trong việc xác định xuất xứ hàng hóa. Ông Trần Quang Trung - Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Namcho biết, với mặt hàng sữa bột cho trẻ em, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu cả sữa bột, vitamin nhưng công thức để phối trộn sữa dinh dưỡng phù hợp với trẻ em Việt Nam là chất xám của doanh nghiệp.

"Trên thực tế, nhiều trường hợp nếu tính theo giá trị gia tăng chỉ đạt tỉ lệ 10-20%, không đạt tỉ lệ sản xuất trong nước trên 30% như dự thảo quy định. Thế nhưng khâu sản xuất cuối cùng ở Việt Nam thì sẽ ghi xuất xứ như thế nào, nếu ghi xuất xứ New Zealand hay xuất xứ Mỹ có coi là gian lận hay không?", ông Trung nêu ý kiến.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh giải đáp: Sữa tươi thu được trên lãnh thổ Việt Nam và sản phẩmmới được gọi là sữa Việt Nam. Nếu sản phẩm sữa nhập khẩu chỉ có hàm lượng giá trị gia tăng ở Việt Nam dưới 30%, các doanh nghiệp thực hiện ghi xuất xứ theo Nghị định 43.

Tuyết Nhung
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
27 phút trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ Tư pháp: Dự thảo thông tư về xuất xứ hàng Việt Nam có nhiều sạn