Ở Việt Nam, để lắp ráp, sản xuất một chiếc xe, nhà sản xuất phải nhập khoảng 80% linh phụ kiện, trong khi con số này tại các nước trong khu vực (Thái Lan, Indonesia...) là 10-20%...

Để làm ra một chiếc ô tô, Việt Nam phải nhập 80% linh phụ kiện

tuyetnhung | 25/09/2019, 12:08

Ở Việt Nam, để lắp ráp, sản xuất một chiếc xe, nhà sản xuất phải nhập khoảng 80% linh phụ kiện, trong khi con số này tại các nước trong khu vực (Thái Lan, Indonesia...) là 10-20%...

Nói về áp lực nhập khẩu linh phụ kiện của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam tại Hội nghị bàn về các giải pháp thúc đẩy ngành cơ khí Việt Nam ngày 24.9, ông Toru Kinoshita - Tổng giám đốc Toyota Việt Nam, đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), cho biết giá xe ở Việt Nam cao chủ yếu là do phụ thuộc nhập khẩu linh phụ kiện. Ở Việt Nam, để lắp ráp, sản xuất một chiếc xe, nhà sản xuất phải nhập khoảng 80% linh phụ kiện, trong khi con số này tại các nước trong khu vực (Thái Lan, Indonesia...) là 10-20%.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, để phục vụ lắp ráp trong nước, trong giai đoạn 2010-2016, Việt Nam đã nhập khẩu các loại phụ tùng, linh kiện khác nhau, với tổng giá trị nhập khẩu bình quân mỗi năm khoảng 2 tỉ USD, chủ yếu từ Nhật Bản (23%), Trung Quốc (23%), Hàn Quốc (16%) và Thái Lan (16%).

Nếu so với Thái Lan, số lượng nhà cung cấp của Việt Nam trong ngành công nghiệp ô tô vẫn còn rất ít. Thái Lan có gần 700 nhà cung cấp cấp 1, nhưng Việt Nam chỉ có chưa đến 100. Thái Lan có khoảng 1.700 nhà cung cấp cấp 2, 3, trong khi Việt Nam chỉ có chưa đến 150.

Do linh kiện nhập khẩu chiếm phần lớn trong mỗi chiếc xe lắp ráp, sản xuất ở Việt Nam, cộng với chi phí khấu hao thiết bị, khuôn dưỡng sản xuất, chi phí vận chuyển linh kiện... nên theo ông Kinoshita, giá bán xe ở Việt Nam cao hơn 10-20% các nước trong khu vực.

Phân tích cụ thể, Chủ tịch VAMA cho thấy bất lợi của nhiều nhà cung ứng tại Việt Nam là quy mô, sản lượng nhỏ do dung lượng thị trường ở Việt Nam nhỏ, kỹ năng, trình độ chuyên môn sâu của người lao động ở những mặt hàng phức tạp, đòi hỏi tay nghề cao còn hạn chế, và đặc biệt nhiều nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu, trong nước chưa sản xuất được.

"Thực tế này ảnh hưởng đến chi phí sản xuất tại Việt Nam. Khi lấy báo giá ở các nơi để so sánh chi phí sản xuất từng linh kiện, chúng tôi nhận thấy, các linh kiện liên quan đến nhựa và thép trong ô tô bị ảnh hưởng lớn bởi yếu tố sản lượng.

Trước kia chúng tôi nghĩ rằng, chi phí sản xuất các chi tiết có nhựa, thép dập này ở Việt Nam cao hơn gấp rưỡi so với làm ở các nước lân cận do yếu tố bất lợi về sản lượng và quymô kinh tế. Nhưng thực tế, khi so sánh và tìm hiểu, chi phí cao hơn gấp 2-3 lần. Như vậy còn các yếu tố bất lợi khác ngoài sản lượng khiến chi phí sản xuất đội lên. Hay việc nắp bình xăng, báo giá sản xuất trong nước là 4 USD, nhưng hàng Thái Lan nhập khẩu vào Việt Nam chỉ bằng một nửa. Khoảng chênh lệch còn lớn hơn với những linh kiện có giá trị cao hơn", ông Toru Kinoshita nói.

Một vấn đề nữa là hiện nay, ngành cơ khí Việt Nam có thế mạnh tập trung ở 3 phân ngành gồm: xe máy và phụ tùng linh kiện xe máy; cơ khí gia dụng và dụng cụ; và ô tô và phụ tùng ô tô. Số liệu thống kê cho thấy, 3 phân ngành này chiếm gần 70% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của cơ khí cả nước. Tuy nhiên, ngành cơ khí mới chỉ đáp ứng khoảng hơn 32% nhu cầu sản phẩm cơ khí trong nước.

Đề xuất chính sách phát triển ngành công nghiệp ô tô trong nước, các doanh nghiệp sản xuất ô tô đề nghị, miễn thuế nhập khẩu với nguyên liệu, vật tư trong nước chưa sản xuất được để giảm chi phí đầu vào cho các doanh nghiệp ôtô và cơ khí; sớm ban hành chính sách không tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với linh kiện phụ tùng ôtô sản xuất trong nước.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần có chính sách đào tạo phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật cao cho ngành công nghiệp cơ khí chế tạo, đặc biệt là nguồn nhân lực trong lĩnh vực thiết kế chế tạo, nghiên cứu và phát triển (R&D).

Trước những ý kiến của doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất trình Chính phủ ban hành một số chính sách hỗ trợ đặc biệt cho các dự án sản xuất, lắp ráp ô tô lớn (bao gồm cả ô tô sử dụng nhiên liệu hóa thạch và ô tô điện), như hỗ trợ về hạ tầng, đất đai, đào tạo nguồn nhân lực..., và đặc biệt là hỗ trợ kinh phí nghiên cứu và chuyển giao các công nghệ động cơ, hộp số, hệ thống ECU điều khiển, pin (cho ô tô điện).

Về phía Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Bộ ngành xây dựng, đề xuất các chính sách phát triển thị trường cho các ngành cơ khí, trong đó chú trọng ngành sản xuất lắp ráp ô tô, cơ khí phục vụ nông nghiệp, và việc ưu tiên sử dụng hàng hóa trong nước đối với các ngành cơ khí xây lắp, thiết bị toàn bộ.

Tuyết Nhung
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Để làm ra một chiếc ô tô, Việt Nam phải nhập 80% linh phụ kiện