Ông Đồng Ngọc Ba, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho rằng quy định ghi tên các thành viên trong gia đình có chung quyền sử dụng đất lên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Thông tư 33 là có cơ sở pháp lý, tuy nhiên cần phải có giải pháp để đảm bảo tính khả thi.

Bộ Tư pháp đề nghị tạm ngưng hiệu lực quy định ghi tên người thân vào sổ đỏ

Trí Lâm | 30/11/2017, 12:37

Ông Đồng Ngọc Ba, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho rằng quy định ghi tên các thành viên trong gia đình có chung quyền sử dụng đất lên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Thông tư 33 là có cơ sở pháp lý, tuy nhiên cần phải có giải pháp để đảm bảo tính khả thi.

Liên quan đến Thông tư 33 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, sau cuộc họp với Bộ này, ông Đồng Ngọc Ba nhấn mạnh: “Điều này là cần thiết, tiến bộ, nhằm minh bạch về tài sản, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của những người có chung quyền sử dụng đất, trong đó có các thành viên có chung quyền sử dụng đất trong hộ gia đình, giúp hạn chế những khó khăn, vướng mắc, ngăn ngừa tranh chấp phát sinh trong quá trình thực hiện các giao dịch về quyền sử dụng đất”, ông Ba nói.

Tuy nhiên, vị này cũng cho rằng ở đây cũng cần phải phân biệt “Hộ gia đình sử dụng đất” quy định tại Khoản 29 Điều 3 Luật đất đai năm 2013 với “Hộ gia đình” theo sổ hộ khẩu theo cách hiểu thông thường.

“Qua rà soát, nghiên cứu tổng thể quy định pháp luật và thực tiễn triển khai các quy định pháp luật về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với hộ gia đình, chúng tôi chưa thực sự yên tâm về tính khả thi của quy định này và đã có ý kiến trực tiếp tại cuộc họp với Bộ Tài nguyên và Môi trường”, ông Đồng Ngọc Ba nói và cho biết, nếu quyết tâm thực hiện thì từ 5.12 tới phải rất khẩn trương chuẩn bị các giải pháp thực hiện, bảo đảm tính khả thi.

Trong đó, vấn đề cốt lõi là phải có cách thức, phương pháp cụ thể để xác định đầy đủ, chính xác những người có chung quyền sử dụng đất, kể cả phần quyền của mỗi người trong hộ gia đình trong các trường hợp như: Cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong trường hợp Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình đang sử dụng đất ổn định mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất (quy định tại Điều 101 Luật đất đai 2013);

Giải quyết đối với những giấy chứng nhận đã cấp trước đây chỉ ghi tên chủ hộ hoặc người đại diện khi có sự kiện pháp lý phát sinh liên quan đến quyền sử dụng đất như: chuyển quyền sử dụng đất, thế chấp, thi hành án dân sự; cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình; một hoặc các thành viên hộ gia đình yêu cầu, đề nghị ghi cụ thể tên thành viên có chung quyền sử dụng đất...

“Nếu các điều kiện cần thiết để triển khai quy định này chưa được chuẩn bị đầy đủ, chưa lường hết và có giải pháp để giải quyết được những khó khăn, vướng mắc phát sinh, nhất là về các vấn đề đã nêu trên thì Bộ Tài nguyên và Môi trường nên xem xét việc ngưng hiệu lực (lùi thời điểm có hiệu lực) của quy định này để có thêm thời gian chuẩn bị, trong đó cũng cần quan tâm việc truyền thông, tạo sự đồng thuận của người dân, xã hội”, ông Đồng Ngọc Ba nhấn mạnh.

Tại buổi tọa đàm "Làm rõ quy định mới về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất" diễn ra sáng 25.11, ông Mai Văn Phấn, Phó cục trưởng Cục đăng ký đất đai (Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ TN-MT) cho rằng, mấy ngày qua dư luận đang chưa đúng về quy định ghi tên các thành viên trong gia đình vào sổ đỏ hộ gia đình mà Thông tư 33 vừa ban hành.

Theo ông Phấn, pháp luật quy định 17 trường hợp thể hiện thông tin của người sử dụng đất trên giấy chứng nhận, hộ gia đình chỉ là một trong những trường hợp đó. Theo Luật Đất đai 1993, 1998 quy định chủ thể trong việc sử dụng đất đai là hộ gia đình, do đó đã ghi tên của chủ hộ trên giấy chứng nhận.

Tuy nhiên, hiện nay, quyền sử dụng đất, thị trường đất đai được mở rộng, người dân được nhiều quyền lợi hơn dẫn đến việc để tên chủ hộ gia đình trong sổ đỏ cấp cho hộ gia đình không còn phù hợp.

Vị này cũng chia sẻ, trong thực tiễn nảy sinh nhiều trường hợp ghi tên hộ gia đình nhưng khi tham gia giao dịch bảo đảm thì một số chủ hộ đứng lên giao dịch, còn khi bị phát mại tài sản thì thành viên trong hộ gia đình nảy sinh mâu thuẫn. Hơn nữa, điều này cũng gây khó khăn cho việc Nhà nước thu hồi đất khi có kế hoạch phát triển…

“Trong lần điều chỉnh này, chúng tôi muốn đi vào bản chất chủ thể nào có quyền sử dụng đất để đảm bảo pháp lý, minh bạch trong giao dịch quyền sử dụng đất hay hỗ trợ đền bù khi Nhà nước thu hồi”, ông Phấn nói.

Ông Mai Văn Phấn cho biết, ai có quyền sử dụng đất mới được ghi vào sổ đỏ, chứ không phải tất cả các thành viên trong sổ hộ khẩu là được ghi tên vào sổ đỏ của hộ gia đình. Thực tế việc ghi tên các thành viên gia đình trong sổ đỏ không căn cứ vào sổ hộ khẩu gia đình. Ai có quyền sử dụng đất mới được ghi tên vào sổ đỏ.

Hoài Nam
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ Tư pháp đề nghị tạm ngưng hiệu lực quy định ghi tên người thân vào sổ đỏ