Cử tri huyện Nhà Bè phản ánh, có những tuyến đường một tháng 30 ngày thì ngập 26 ngày, chỉ còn 4 ngày không ngập. Nước ngập từ 0,8 – 1m khiến người dân, đặc biệt là học sinh, nữ sinh mặc áo dài đi lại rất nguy hiểm...

Cử tri huyện Nhà Bè bức xúc 'tháng 30 ngày, ngập 26 ngày'

Theo SGGP | 30/11/2017, 07:24

Cử tri huyện Nhà Bè phản ánh, có những tuyến đường một tháng 30 ngày thì ngập 26 ngày, chỉ còn 4 ngày không ngập. Nước ngập từ 0,8 – 1m khiến người dân, đặc biệt là học sinh, nữ sinh mặc áo dài đi lại rất nguy hiểm...

Chiều 29.11, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Thiện Nhân, Tô Thị Bích Châu, Nguyễn Minh Hoàng và Dương Ngọc Hải trong Đoàn ĐBQH TP.HCM đã tiếp xúc cử tri huyện Nhà Bè (TP.HCM), sau kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.

Tại buổi tiếp xúc, các cử tri Nhà Bè chia sẻ, cử tri rất thỏa lòng khi được mời đến, nói lên tiếng nói của mình cho các ĐBQH biết, đặc biệt đây là lần đầu tiên có đại biểu Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM, Trưởng Đoàn ĐBQH TP.HCM dự.

Cử tri Nhà Bè hoan nghênh Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, tạo điều kiện giúp TP.HCM tiếp tục phát triển. Các vấn đề mà cử tri Nhà Bè bức xúc, lo lắng là cầu, đường trên địa bàn huyện xuống cấp, không đảm bảo an toàn cho người dân đi lại; quy hoạch “treo” hàng chục năm khiến nhà cửa người dân xuống cấp, không được xây dựng…

Cử tri Nguyễn Văn Ngọc (xã Phước Kiển) phản ánh, từ năm 2.000, TP đã có kế hoạch làm cầu Long Kiển song đến nay người dân vẫn “nghe nói sẽ làm”. Vậy chừng nào làm và chừng nào xong? Cũng theo ông Nguyễn Văn Ngọc, mức đền bù giải tỏa thực hiện dự án này vào năm 2.000 là hơn 3,1 triệu đồng/m2, sau 17 năm, mức đền bù này không còn phù hợp nữa, cần được tính toán lại.

Cử tri Huỳnh Văn Mẫm (xã Nhơn Đức) lo ngại về 4 cây cầu sắt trên địa bàn huyện Nhà Bè tồn tại từ thời Pháp thuộc đến giờ, không chỉ ông Mẫm, mà nhiều người khác đi qua cầu đều rùng mình lo sợ, nhiều phụ nữ “xanh mặt” bởi sợ cầu sập, rớt xuống kênh.

Tính toán mỗi cây cầu chỉ có tải trọng 2,5 tấn nhưng khi kẹt xe, hàng trăm người và xe trên cầu, trọng tải lên đến chục tấn, cử tri Võ Ngọc Dũng (xã Nhơn Đức), chất vấn: “TP.HCM phát triển nhất cả nước, tại sao lại để 4 cây cầu sắt tồn tại như vậy? Lỡ sập cầu, người dân gặp nguy hiểm thì ai chịu trách nhiệm?”

Ông Văn Ngọc Dũng cũng không hài lòng khi TP dành cả chục ngàn tỉđồng chống ngập mà ngập vẫn ngập. Ông Dũng cho rằng, ngập nước không chỉ gây thiệt hại như các con số cơ quan chức năng tính toán được, mà còn nhiều thiệt hại vô hình về xe cộ người dân hư hỏng, và người dân tốn thời gian đi lại hơn, ảnh hưởng đến năng suất lao động.

Theo ông Huỳnh Văn Mẫm, trên địa bàn huyện Nhà Bè có những tuyến đường một tháng 30 ngày thì ngập 26 ngày, chỉ còn 4 ngày không ngập. Nước ngập từ 0,8 – 1m khiến người dân, đặc biệt là học sinh, nữ sinh mặc áo dài đi lại rất nguy hiểm và… tội nghiệp! Các cử tri đề nghị TP cần có biện pháp chống ngập hiệu quả hơn.

Vấn đề quy hoạch “treo” khiến người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng về quyền lợi được nhiều cử tri đề cập. Cử tri Lê Văn Bảy (xã Hiệp Phước), phản ánh, xã có 3 dự án, trong đó, dự án Khu công nghiệp Hiệp Phước giai đoạn 2 đang tạm ngưng không cho người dân xây cất ra ở riêng, nên các gia đình gặp khó khăn khi con cái trưởng thành.

Tương tự, cử tri Võ Phi Hùng (xã Hiệp Phước), lo ngại tình trạng nhà người dân trong khu vực quy hoạch treo không được sửa sang có thể sập bất cứ lúc nào. Trong khi đó, nhiều người dân đã chấp hành chủ trương, chính sách của nhà nước về di dời giải tỏa để thực hiện dự án, song đến nay có tình trạng dự án tái định cư còn thiếu nợ nền đất tái định cư cho dân, chưa giao đất cho dân và cơ sở hạ tầng cũng chưa đảm bảo.

Ông Võ Phi Hùng mong muốn phải đẩy nhanh tiến trình giao nền đất cho dân, đồng thời đảm bảo cơ sở hạ tầng ở nơi tái định cư để người dân an cư lạc nghiệp. Nhiều chính sách đền bù ở các dự án cũng được cử tri đánh giá là đã lạc hậu bởi được ban hành hàng chục năm trước trong khi dự án “treo” đến nay chưa xong; hoặc thực hiện chính sách đền bù thiếu rõ ràng, thống nhất, có khi một căn nhà chỉ rộng 95m2mà có 3 mức giá đền bù.

Đánh giá các dự án “treo” khiến người dân rất thiệt thòi về quyền sử dụng đất, ông Văn Ngọc Dũng đề nghị, nếu dự án quy hoạch 3-5 năm mà không thực hiện thì phải “xả” quy hoạch, cho người dân được thực hiện các quyền về đất đai của mình.

Trao đổi với các cử tri, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân ghi nhận các ý kiến của cử tri. Với vai trò giám sát, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè gửi tới Đoàn ĐBQH TP.HCM tất cả các danh sách dự án đã, đang hay chưa đầu tư mà còn hiệu lực và cả dự án chưa làm song đã hết hiệu lực. Với các dự án đã hết hiệu lực, huyện cần kiến nghị giải pháp, Đoàn ĐBQH sẽ làm việc với UBND TP cụ thể về vấn đề này.

Theo đại biểu Nguyễn Thiện Nhân, nếu gia hạn các dự án, cũng phải kèm theo điều kiện khả thi, chứ không phải là gia hạn tùy tiện. Còn nếu dự án chưa thực hiện mà hết hiệu lực rồi, thì quyền của người dân với đất đai trở lại như trước khi có dự án đầu tư, không ảnh hưởng đến người dân.

Về việc đền bù giải tỏa khi thực hiện các dự án, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân cũng đề nghị Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, từ nay đến cuối tháng 12.2017, gửi tới Đoàn ĐBQH TP.HCM danh sách tất cả các dự án đền bù giải tỏa xong mà không còn khiếu nại; danh sách các dự án còn người dân chưa hài lòng với chính sách đền bù giải tỏa, nêu rõ tên người dân và đặc điểm dự án vì sao kéo dài? Sau khi có danh sách, Đoàn ĐBQH TP.HCM có đoàn giám sát chuyên đề chủ đề này. Sau đó, sẽ làm việc với UBND TP.HCM, để TP có hướng giải quyết và trao đổi cụ thể hướng giải quyết với người dân.

Liên quan đến tình trạng bạo hành trẻ em diễn ra dồn dập nhiều ngày nay, cử tri Trần Thị Liễu (xã Phước Kiển), đề nghị ngành giáo dục và các cơ quan ban ngành phải có ý kiến, có biện pháp để đảm bảo sức khỏe và tinh thần cho các cháu, cũng như người dân yên tâm gửi con tới trường.

Về vấn đề này, đại biểu Dương Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân TP.HCM cho hay, trước thực trạng trên, Thành ủy TP.HCM đã chỉ đạo các cơ quan chức năng TP xử lý nghiêm.

Về vụ bạo hành trẻ em ở Cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh (quận 12, TP.HCM) cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam người hành hạ trẻ em. Viện kiểm sát Nhân dân TP.HCM sẽ chỉ đạo, giám sát, sớm đưa vụ án ra xét xử.

Theo Mạnh Hòa/SGGP
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
4 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cử tri huyện Nhà Bè bức xúc 'tháng 30 ngày, ngập 26 ngày'