Trong cuộc phỏng vấn với tờ Nikkei (Nhật) hôm 6.10, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo muốn chính thức hóa và mở rộng đối thoại an ninh với Nhật Bản, Ấn Độ và Úc.

Bộ tứ kim cương hướng tới 'thể chế hóa' nhằm đối phó Trung Quốc

Hoàng Vũ | 07/10/2020, 12:10

Trong cuộc phỏng vấn với tờ Nikkei (Nhật) hôm 6.10, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo muốn chính thức hóa và mở rộng đối thoại an ninh với Nhật Bản, Ấn Độ và Úc.

Tại cuộc gặp 4 bên mới đây được tổ chức tại Tokyo, ngoại trưởng 4 nước nhóm Quad (còn gọi là "bộ tứ kim cương") gồm Nhật Bản, Mỹ, Úc và Ấn Độ đã cam kết tiếp tục mở rộng hợp tác để thực hiện tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở dựa trên pháp trị.

Quan chức ngoại giao hàng đầu của 4 nước đã nhất trí tăng cường đoàn kết để thực hiện Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, đồng thời tăng cường liên kết với nhiều nước khác. Các ngoại trưởng cũng đồng thuận về việc tổ chức cuộc họp của nhóm này theo định kỳ thường niên. Ngoài ra, các bên cũng xác nhận thúc đẩy hợp tác thực chất trong các vấn đề khác như an ninh mạng, xây dựng hạ tầng cơ sở chất lượng cao.

Trả lời Nikkei sau cuộc họp, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết: "Một khi đã thể chế hóa những gì đang làm, chúng tôi có thể bắt đầu xây dựng một khuôn khổ an ninh thực sự". Ông Pompeo gọi mạng lưới này là một "liên minh" có thể "chống lại thách thức mà Trung Quốc gây ra", và gợi ý các quốc gia khác có thể trở thành một phần của liên minh đó vào "thời điểm thích hợp”.

ngoai-truong-nhom-quad.jpg
Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga (giữa) cùng cùng Ngoại trưởng 4 nước trong nhóm Quad - Ảnh: Reuters

Đây là cuộc họp lần thứ hai kể từ khi nhóm được khởi động lại vào tháng 9.2019, nhưng là cuộc họp lần đầu tiên kể khi bùng phát đại dịch COVID-19. Trước cuộc gặp, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga cũng đã có cuộc gặp Ngoại trưởng Mỹ, Úc và Ấn Độ. Cuộc gặp cũng là mục đích chính chuyến thăm Nhật Bản của Ngoại trưởng Pompeo. Trước đó, ông có kế hoạch đến cả Hàn Quốc và Mông Cổ trên đường đi châu Á, nhưng kế hoạch này bị hủy sau khi Tổng thống Donald Trump được xác nhận nhiễm COVID-19.

Pompeo cho biết ông đã nói chuyện với Tổng thống Trump trước khi bay đến châu Á và ông chủ Nhà Trắng "có vẻ có tinh thần tốt". "Tôi tin rằng chính sách đối ngoại của Mỹ sẽ tiếp tục giống như cách mà nó đã có trong ba năm qua", Pompeo nhấn mạnh.

Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định chính sách trọng tâm của Tổng thống Trump là một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương "tự do và rộng mở". Và theo ông, Quad đã chứng minh tính hiệu quả và sẽ tiếp tục chứng minh sự hữu ích trong việc thúc đẩy mục tiêu đó, với các mối quan hệ vượt xa nghĩa thông thường.

"Hãy nhớ rằng, khi đề cập về an ninh, chúng ta nói về năng lực kinh tế và pháp quyền, khả năng bảo vệ tài sản trí tuệ, các hiệp định thương mại, các mối quan hệ ngoại giao, tất cả các yếu tố tạo thành khuôn khổ an ninh, không chỉ quân sự. Nó mang tính chiều sâu hơn... Đó là loại quyền lực mà các nền dân chủ có và các chế độ độc tài không bao giờ có thể mang lại", ông Pompeo nói.

Nhận xét của ông có thể là một cái gật đầu cho sự khó khăn trong việc chính thức hóa một cấu trúc Quad chỉ tập trung vào các mối quan hệ quân sự. Nhật Bản, theo bản diễn giải lại năm 2014 về hiến pháp hòa bình của mình, chỉ có thể nhờ đến sự trợ giúp của một đồng minh như Mỹ khi an ninh của chính họ bị đe dọa. Mặt khác, NATO yêu cầu phòng thủ tập thể, nghĩa là các thành viên phải bảo vệ lẫn nhau bất kể bản thân họ có bị tấn công hay không.

Trong khi đó, Ấn Độ nổi tiếng là thích quyền tự chủ chiến lược và đã rút khỏi các khuôn khổ quốc tế như hiệp ước thương mại Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực được đề xuất. Ngay từ khi thành lập vào năm 2007, Quad được coi là đối trọng với sự nổi lên của Trung Quốc như một cường quốc toàn cầu. Ý tưởng này nhanh chóng mất sức hút nhưng đã được hồi sinh vào năm 2017 khi Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động cuộc chiến thương mại và cuộc tấn công công nghệ chống lại Bắc Kinh. Các cuộc thảo luận cho đến nay tập trung vào các vấn đề như an ninh hàng hải và thông tin liên lạc 5G, và lần này các biện pháp đối phó với đại dịch COVID-19 đã được thêm vào chương trình nghị sự.

Tuy nhiên, bản chất lỏng lẻo, không chính thức của nhóm đã đặt ra câu hỏi về triển vọng hợp tác cụ thể và liên tục. Trước chuyến thăm của Pompeo tới Tokyo, David R. Stilwell, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về Đông Á, nói với các phóng viên rằng "Tư cách thành viên Quad được thúc đẩy bởi lợi ích chung chứ không phải nghĩa vụ ràng buộc".

Nhưng cả 4 nước đều tỏ ra cảnh giác với các động thái gần đây của Trung Quốc, từ việc bay máy bay quân sự xuất hiện gần Đài Loan và điều tàu vào vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp với Nhật Bản, đến việc thiết lập các tiền đồn quân sự trên các đảo nhân tạo trái phép trên Biển Đông.

Quan hệ Ấn Độ - Trung Quốc cũng căng thẳng sau khi quân đội hai nước ẩu đả dọc biên giới đất liền trên dãy Himalaya vào tháng 6, khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Mối quan hệ giữa Úc và Trung Quốc cũng tiếp tục trở nên khó khăn với việc Bắc Kinh áp đặt các biện pháp trừng phạt thương mại đối với hàng hóa của Úc bao gồm thịt bò, lúa mạch và than đá sau khi Canberra hưởng ứng theo Washington kêu gọi một cuộc điều tra về nguồn gốc của COVID-19.

Ông Pompeo còn cáo buộc các hành động của Trung Quốc trong khu vực là "bắt nạt". "Đây là việc Trung Quốc sử dụng sức mạnh cưỡng chế. Đây không phải là cách các quốc gia lớn vận hành. Vì vậy, nhiệm vụ của chúng tôi là giảm thiểu điều đó”, ông nói.

Khi được hỏi về vấn đề Đài Loan, Ngoại trưởng Pompeo cho biết Mỹ cam kết giảm căng thẳng xuyên eo biển. “Chúng tôi mong muốn mang lại hòa bình chứ không phải xung đột”. Nhưng ông khẳng định rằng "sự xoa dịu không phải là câu trả lời".

Đầu năm nay Hải quân Mỹ đã triển khai hai tàu sân bay đến Biển Đông để tập trận vào tháng 7 - lần đầu tiên một cặp tàu chiến hội tụ ở khu vực này kể từ năm 2014. Trung Quốc đã chỉ trích gay gắt các cuộc tập trận, đồng thời tố cáo Quad, và coi là một nỗ lực để hạn chế sự phát triển của mình.

tap-tran-cua-bo-tu-kim-cuong.jpg
Các tàu Nhật Bản tập trận với một tàu sân bay Mỹ ở Biển Philippines hồi tháng 8 - Ảnh: Reuters

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân hôm 29.9 cũng đã đề cập đến cuộc họp của nhóm Bộ trưởng Ngoại giao trong bộ tứ kim cương. "Thay vì hình thành các nhóm độc quyền, nên mở ra hợp tác đa phương trên cơ sở cởi mở, toàn diện và minh bạch. Thay vì nhắm mục tiêu vào các bên thứ ba hoặc làm suy yếu lợi ích của bên thứ ba, nên hợp tác vì lợi ích cho sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa các nước trong khu vực", ông Uông nói.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cáo buộc Trung Quốc không tuân theo các cam kết quốc tế như việc dù đã khẳng định không "trang bị vũ khí cho Biển Đông" nhưng Trung Quốc vẫn ngang nghiên vi phạm.

Cũng trong chuyến thăm Nhật Bản, Ngoại trưởng Pompeo đã tìm cách thể hiện Mỹ là một đối tác đáng tin cậy hơn. Hôm 6.10, Pompeo đã gặp trực tiếp người đồng cấp Toshimitsu Motegi và tái khẳng định mối quan hệ song phương bền chặt của hai nước dưới thời Thủ tướng Yoshihide Suga. Ông Pompeo và ông Motegi nhất trí về sự cần thiết phải có một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở như là "nền tảng" của sự ổn định khu vực, trong đó liên minh Mỹ - Nhật là "mấu chốt".

Trong cuộc phỏng vấn với Nikkei, Pompeo đã nhấn mạnh khái niệm “Mạng lưới sạch” của Mỹ như một lĩnh vực hợp tác với Nhật Bản trong nhiều lĩnh vực.

“Tôi muốn đảm bảo rằng người dân Nhật Bản không để dữ liệu của họ nằm trong tay của Trung Quốc. Đây là điều mà mọi quốc gia đều muốn... Chúng tôi sẽ làm việc với những người bạn như một phần của Quad. Chúng tôi sẽ tạo ra những mối quan hệ toàn diện. Những mối quan hệ này có được vì mối quan hệ nồng ấm giữa người Mỹ và người Nhật, cho phép chúng ta làm việc cùng nhau theo những cách mà Trung Quốc không bao giờ có thể sánh được", Pompeo nói.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ tứ kim cương hướng tới 'thể chế hóa' nhằm đối phó Trung Quốc