Chúng tôi thấy đây là nhiệm vụ rất khó khăn nhưng không thể không làm. Điều quan trọng là nghiên cứu thật kỹ lộ trình”, Bộ trưởng Giáo dục-Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Sẽ loại khỏi ngành giáo viên không đạt yêu cầu

09/06/2017, 18:01

Chúng tôi thấy đây là nhiệm vụ rất khó khăn nhưng không thể không làm. Điều quan trọng là nghiên cứu thật kỹ lộ trình”, Bộ trưởng Giáo dục-Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết sẽ thí điểm việc bỏ biên chế giáo viên ở khu vực đại học - ảnh VPQH

Phát biểu trước Quốc hội, Thượng tọa Thích Thanh Quyết cho biết cử tri rất quan tâm đến cải cách giáo dục, tinh giản biên chế.

“Giáo dục nằm ở quy trình công nghệ đặc biệt, đầu vào là con người, đầu ra cũng là con người, quá trình vận hành cũng lại là con người. Nếu quy trình này vận hành không tốt thì sản phẩm đầu ra cả xã hội phải chịu”, Thượng tọa Thích Thanh Quyết nói.

Theo vị này, với giáo viên, họ không nặng nề phân biệt là công chức hay viên chức, trong hay ngoài biên chế, nhưng họ phải là người thầy cao quý của xã hội và mong được tiếp tục phấn đấu, thi đua công bằng, bình đẳng để cống hiến, để khẳng định mình, để có những cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn hiện nay. Do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải chú ý điều này.

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) cho rằng thực trạng tinh giản biên chế đa phần ở các cơ sở giáo dục dựa vào việc dừng tuyển dụng và số người đủ độ tuổi về hưu.

“Điều này gây ra nhiều bất cập và không có người kế nhiệm vị trí công việc. Ngành giáo dục ở một số địa phương vốn đã dừng tuyển dụng từ rất lâu, có nơi ngừng tuyển dụng từ năm 2008 tới nay đã gần 10 năm, nay lại vướng mắc chủ trương tinh giản biên chế khiến lòng yêu nghề và tinh thần làm việc của giáo viên hợp đồng giảm sút. Ngành giáo dục không thu hút được học sinh giỏi yêu nghề”, đại biểu Phúc nói.

Giải trình với Quốc hội về vấn đề này, ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết sẽ tăng cường các chế độ, chính sách với giáo viên, rà soát các chế độ về thâm niên, lớp ghép, tiến tới xóa bỏ việc đăng ký thi đua.

Liên quan đến việc chuyển đổi cơ chế từ công chức, viên chức sang hợp đồng đối với giáo viên mà gần đây được xã hội quan tâm, ông Nhạ cho rằng muốn nâng cao được chất lượng giáo dục thì phải có nguồn lực và động lực. Trong đó động lực đối với giáo viên và quản lý các nhà giáo là hết sức quan trọng.

Hơn nữa, với chế độ công chức, viên chức như hiện nay còn nhiều bất cập. Nổi bật là vấn đề tuyển dụng công chức, viên chức đối với các đơn vị sự nghiệp, đặc biệt là phổ thông, chưa phù hợp với nhu cầu về môn học nên dẫn đến hiện tượng thừa, thiếu cục bộ rất nhiều.

Ông Nhạ cho rằng, phần nhiều giáo viên có tâm lý là vào biên chế cho ổn định nên rất khó khăn trong vấn đề phải nâng cao kiến thức, đặc biệt về phẩm chất, năng lực để đáp ứng được nhu cầu đổi mới, dạy theo chương trình mới. Thực tế này vì vậy dẫn đến tình trạng chất lượng giáo dục không được nâng cao.

Vị này cho rằng, đối với khu vực giáo viên và quản lý nhà giáo phải được đặc biệt đổi mới, vì đây là yếu tố có thể nói là quyết định nâng cao chất lượng giáo dục và phải có lộ trình để thực hiện.

“Trong Nghị quyết 29 cũng nêu rất rõ năng lực đội ngũ phải căn cứ vào đóng góp về kết quả và phẩm chất dạy theo phương pháp mới. Kiên quyết đưa ra khỏi ngành những giáo viên chưa đạt, không đạt được yêu cầu mới. Chúng tôi thấy đây là nhiệm vụ rất khó khăn nhưng không thể không làm. Điều quan trọng là nghiên cứu thật kỹ lộ trình và chúng tôi thực hiện một cách căn cơ”, ông Nhạ cho biết.

Trước hết, việc này sẽ được thí điểm ở khu vực các trường đại học vì đây là khu vực thuận lợi trong chuyển đổi từ mô hình sự nghiệp sang tự chủ.

“Gần đây, chúng tôi có trao đổi với các đơn vị và các Sở, điều quan trọng là lộ trình, bước đi như thế nào để phù hợp với điều kiện của các cơ sở và tâm lý của giáo viên”, ông Nhạ nhấn mạnh.

Hoài Phong

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Sẽ loại khỏi ngành giáo viên không đạt yêu cầu