Theo đại diện Bộ Tài chính, trong bối cảnh hội nhập sâu, nguồn thu từ xuất nhập khẩu giảm sút mạnh đã đặt ra yêu cầu phải cơ cấu lại thu chi ngân sách. Tuy nhiên, Bộ sẽ không vì một khoản thu tăng lên mà để sức cạnh tranh sụt giảm.

Bộ Tài chính lý giải đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng lên 8.000 đồng

tuyetnhung | 18/01/2017, 18:30

Theo đại diện Bộ Tài chính, trong bối cảnh hội nhập sâu, nguồn thu từ xuất nhập khẩu giảm sút mạnh đã đặt ra yêu cầu phải cơ cấu lại thu chi ngân sách. Tuy nhiên, Bộ sẽ không vì một khoản thu tăng lên mà để sức cạnh tranh sụt giảm.

Như đã đưa tin trước đó, trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế bảo vệ môi trường được công bố ngày 14.1 vừa qua, Bộ Tài chính đã đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng lên từ 3.000 - 8.000 đồng/lít so với mức 1.000 - 4.000 đồng/lít như hiện nay.

Tuy nhiên, sau khi công bố, đề xuất này của Bộ Tài chính đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ phía dư luận. Bởi vì, nếu mức thuế này tăng lên sẽ đặt áp lực rất lớn lên người tiêu dùng và khả năng cạnh tranh vốn đang "yếu ớt" của các doanh nghiệp nội địa.

Nói về dự thảo gây nhiều tranh luận này, ông Vũ Khắc Liêm, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) đã có những chia sẻ thẳng thắn với báo chí. Ông Liêm nhấn mạnh mức thuế bảo vệ môi trường mới được đưa ra trong dự thảo chỉ là "khung".

Theo quy định hiện hành, mức thuế bảo vệ môi trường đang được áp dụng cụ thể đối với các mặt hàng xăng, dầu đã bằng hoặc gần bằng mức trần trong khung thuế. Như vậy, trường hợp cần thiết phải điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu để phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ là rất khó. Do đó, việc điều chỉnh khung thuế bảo vệ môi trường để làm cơ sở điều chỉnh mức thuế cụ thể trong giai đoạn tới là hết sức cần thiết.

Hơn nữa,trong bối cảnh hội nhập, thuế nhập khẩu sẽ về còn 0-5%, lúc đó giá xăng dầu sẽ rất rẻ. Vì vậy, đề xuất tăng khung thuế bảo vệ môi trường là một trong những biện pháp nhằm để giá xăng dầu trong nước không thấp hơn các nước xung quanh và cũng để tránh hành vi buôn lậu hiện nay.

Trả lời thắc mắc về việc điều chỉnh khung thuế bảo vệ môi trường để chuẩn bị tình hình khi thuế nhập khẩu giảm sẽ không phù hợp với tinh thần hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp của Chính phủ hiện nay, đại diện Vụ Chính sách thuế cho rằng, quan điểm Bộ Tài chính là vẫn thực hiện đúng, thực hiện nghiêm Nghị quyết của Chính phủ về việc xây dựng và áp dụng các chính sách ưu đãi về tài chính, tín dụng, thuế, phí để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp. Bộ Tài chính sẽ không vì một khoản thu tăng lên mà để sức cạnh tranh sụt giảm.

"Việc điều chỉnh khung thuế trên nguyên tắc phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, sức cạnh tranh của nền kinh tế và khả năng chịu đựng của doanh nghiệp. Nếu tình hình cần thiết, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức thu cụ thể để phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ. Do đó, đề xuất này không gây ảnh hưởng gì tới mức thuế cũng như giá cả hiện tại", ông Liêm khẳng định.

Lãnh đạo Vụ Chính sách thuế cũng cho biết hiện nay về cơ bản vẫn chưa tính toán được cụ thể mức đầu tư cho môi trường hàng năm. Ngoài khoản đầu tư cho sự nghiệp môi trường chiếm tối thiểu 1% tổng thu ngân sách thì còn có vốn ODA và các quỹ tài trợ cho môi trường. Còn thu thuế bảo vệ môi trường là một trong những biện pháp góp phần bảo vệ môi trường, không trực tiếp chi cho môi trường nhưng hòa vào ngân sách nhà nước để chi cho nhiều nhiệm vụ khác.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, số thu từ thuế bảo vệ môi trường liên tục tăng ổn định qua các năm từ năm 2012 đến năm 2016. Đặc biệt, con số của năm 2015 (27.020 tỉ đồng) đã tăng hơn gấp đôi so với năm 2014 (11.970 tỉ đồng) khi từ 1.5.2015, thuế bảo vệ môi trường với các mặt hàng xăng dầu đã tăng gấp 3 lần (trừ dầu hỏa).

Sang năm 2016, mức thu tiếp tụctăng mạnh, đạt 42.393 tỉ đồng và chiếm tỷ trọng khoảng 1,5 - 4,1% tổng thu ngân sách nhà nước và chiếm tỷ trọng khoảng 0,3 - 0,9% trên tổng sản phẩm quốc nội - GDP hàng năm.

Tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế bảo vệ môi trường ngày 14.1, Bộ Tài chính đề xuất khung mức thuế áp dụng cho xăng (trừ ethanol) là 3.000 - 8.000 đồng/lít so với mức 1.000 - 4.000 đồng/lít như hiện nay. Nhiên liệu bay bị áp khung mức thuế từ 3.000 - 6.000 đồng/lít so với hiện nay là 1.000 - 3.000 đồng/lít.

Dầu diezel từ mức thuế hiện tại là 500 - 2.000 đồng/lít dự kiến bị tăng lên 1.500 - 4.000 đồng/lít. Các loại dầu mazut, dầu nhờn và mỡ nhờn bị áp khung 900 - 4.000 đồng/lít,kg trong khi mức hiện nay chỉ là 300 - 2.000 đồng/lít,kg.

Các sản phẩm mới được đưa vào diện chịu thuế là xăng E5 và xăng E10 cũng bị đánh thuế bảo vệ môi trường với khung áp dụng 2.700 - 7.200 đồng/lít xăng E5 và 2.500 - 6.800 đồng/lít xăng E10.

Tuyết Nhung

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
5 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ Tài chính lý giải đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng lên 8.000 đồng